Bạn đọc báo Dân trí tiếp sức nhiều tân SV vào đại học

(Dân trí)-Có em hái rau, hái ớt, có em đi làm thuê… kiếm tiền làm hồ sơ nhập học. Nhiều em tâm sự, có thể từ giã giấc mơ giảng đường vì quá khó khăn, tuy nhiên qua các bài viết, nhiều bạn đọc <i>Dân trí</i> đã kịp thời tiếp sức, giúp các em chi phí học hành.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2302/Tan-sinh-vien-kho-khan.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Tân sinh viên khó khăn</b></a>

Như thường lệ, sau mỗi kỳ thi ĐH, PV Dân trí đã đến một số trường trên địa bàn tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre… “đặt hàng” với các thầy cô, Hội Khuyến học nhờ giới thiệu các trường hợp các em học sinh nghèo đỗ đại học, giới thiệu với báo Dân trí để thông qua báo các nhà hảo tâm, tổ chức, bạn đọc Dân trí cùng “tiếp sức” cho các em.

Chẳng hạn như trường hợp em Lê Thị Lành, nhân vật trong bài viết "Nữ sinh nghèo, và nỗi lo giấc mơ giảng đường sắp vụt tắt" được báo Dân trí đăng tải ngày 7/9/ 2013. Sau khi đọc bài viết, các anh chị cán bộ công nhân viên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Tây Tiền Giang (VietinBanhk - Cai Lậy) đã đóng góp ủng hộ em Lành với số tiền hơn 5 triệu đồng, để em có tiền đóng học phí và trang trải trong thời gian đầu.

Những học sinh “ngập ngừng” trước cổng trường ĐH nay đã vững bước

Ngoài thời gian học trên lớp, Lành phụ mẹ lột nhãn sấy, cạo vỏ hột điều... lấy chút tiền công mong đỡ đần cho ba mẹ trong gánh nặng mưu sinh. Với sự giúp đỡ của cán bộ ngân hàng Công Thương Việt Nam - chi nhánh huyện Cai Lậy (Tiền Giang), em Lành đã nhập học.

Ngoài ra, theo em Lành có nhiều độc giả gọi điện đến hỏi thăm, chia sẻ và động viên tinh thần của em, có người hứa sẽ tạo điều kiện giúp đỡ em trong thời gian tới. Dịp này em Lành gửi lời tri ân chân thành đến quý bạn đọc, đặc biệt là báo Dân trí đã làm cầu nối để mọi người đến bên em, giúp em thực hiện ước mơ của mình.

Hiện tại, em Lành đã làm hồ sơ nhập học ngành Quản lý đất đai Trường ĐH Cần Thơ. Lành quyết tâm học tốt để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, cha mẹ và quý bạn đọc đã động viên và tận tình giúp đỡ em trong thời gian qua.

Trường hợp em Lê Thị Thu Hương - nhân vật trong bài “Nữ sinh bán rau với ước mơ giảng đường sắp vụt tắt”, sau khi hoàn cảnh em được ghi nhận, nhiều bạn đọc từ khắp nơi gọi điện chia sẻ và theo gia đình em Hương cho biết, bạn đọc đã giúp em số tiền gần 40 triệu đồng.

Em Thu Hương chia sẻ: “Sau khi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ, em đã làm hồ sơ nhập học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Với số tiền bạn đọc chia sẻ, em lấy một ít đóng học phí, mua ít tài liệu, số còn lại mẹ dùng trả nợ và còn một ít gửi ngân hàng để phòng thân cho mẹ”.

Hiện mẹ Hương vẫn công việc như trước đây là bán rau ở chợ

Hiện mẹ Hương vẫn công việc như trước đây là bán rau ở chợ.

Em Đỗ Minh Chiến ở Gò Công, Tiền Giang là nhân vật trong bài viết “Đậu hai trường ĐH, có thể em không được học trường nào”. Với nỗi lo gia đinh khó khăn, cha bệnh nặng và chị gái bị bệnh đãng trí... Em Chiến muốn bỏ học để đi làm công nhân lo cho gia đình. Tuy nhiên nhờ bạn đọc tiếp sức, Chiến đã “vững bước” vào cổng trường Đại học Bách khoa, ngành Xây dựng dân dụng công nghiệp.

Em Chiến cho biết:  “Thông qua báo, nhiều bạn đọc biến hoàn cảnh của em và giúp em số tiền hơn 30 triệu đồng. Nhờ có sự giúp đỡ này em yên tâm làm hồ sơ nhập học hơn nửa tháng nay. Em nhờ báo Dân trí cho em gửi lời cám ơn đến tất cả quý bạn đọc đã giúp đỡ em trong thời gian qua.”

Trường hợp em Lê Tấn Vũ - nhân vật trong bài viết “Cậu học trò làm thuê kiếm tiền nuôi ước mơ giảng đường” được Dân trí đăng tải vào 21/8 vừa qua. Theo em Vũ cho biết bạn đọc đã gửi giúp em hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần thương mại Dầu Khí Cửu Long, (địa chỉ 67/ 6A Phó Cơ Điều, phường 4, TP Vĩnh Long) đã liên hệ với Hội Khuyến học tỉnh và hứa sẽ tài trợ học phí cho Vũ trong suốt 4 năm học. 

Và hoàn cảnh em Lê Thành Nho - nhân vật trong bài viết “Đỗ hai trường, cậu học trò nghèo lo phải dừng bước ĐH” quê ở Bến Tre vừa được Dân trí đăng tải thời gian gần đây. Em Nho cho biết, sau khi được bạn đọc Dân trí giúp đỡ (khoảng 8 triệu đồng) và xét thấy gia đình còn khó khăn nên em đã chọn ngành Sư phạm Toán trường ĐH Cần Thơ để học.

Em Nho chia sẻ: “Thời gian qua ngoài việc em được nhiều bạn đọc, cô chú trong và ngoài nước giúp đỡ về mặt vật chất thì em rất cảm động khi được nhận nhiều lời động viên chia sẻ của quý bạn đọc và đây là động lực rất lớn để em hoàn thành giấc mơ đại học của mình, phấn đấu học tốt và sau này trở thành người hữu dụng cho đất nước.”

Còn hoàn cảnh của em Danh Thị Thắm - cựu học sinh trường Dân tộc nội trú quận Ô Môn (TP Cần Thơ), nhân vật trong bài viết “Nhà khó, em tính thôi học, đi làm phụ giúp cha mẹ” đã hoàn thành hồ sơ nhập học chuyên ngành Sư phạm Vật lý Trường ĐH Cần Thơ hơn 1 tuần nay.

Dù đã hoàn thành hồ sơ nhập học nhưng với hoàn cảnh gia đình em Thắm thì còn lắm khó khăn

Dù đã hoàn thành hồ sơ nhập học nhưng với hoàn cảnh gia đình, em Thắm còn lắm khó khăn.
 
Như báo Dân trí thông tin, vì gia đình quá khó khăn, Thắm đang rất phân vân không biết có nên theo đuổi ước mơ trở thành một giáo viên dạy Lý mà mình mong ước bấy lâu hay phải bỏ học đi làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Tuy nhiên, sau khi hoàn cảnh của em được báo Dân trí đăng tải, bạn đọc kịp thời “tiếp sức” cho Thắm nên em có điều kiện đeo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy Lý. Ngoài ra, Thắm cũng cho biết các bác ở Hội Khuyến học Cần Thơ đang làm hồ sơ để em được nhận học bổng của Hội Nhà báo Việt Nam để giảm bớt khó khăn trong thời gian theo học tại Trường ĐH Cần Thơ.
 
Riêng trường hợp em Nguyễn Thị Tuyết - nhân vật trong bài viết ‘Nỗi lo của người mẹ bán lợn cho con đi thi” vẫn còn nhiều khó khăn vì sau khi bài viết đăng tải, gia đình em chưa nhận được sự hỗ trợ nào của quý bạn đọc. Để có tiền nhập học, gia đình Tuyết đã vay hỏi bà con trong xóm để Tuyết làm hồ sơ nhập học.
 
Dù đã hoàn thành hồ sơ nhập học nhưng với hoàn cảnh gia đình em Thắm thì còn lắm khó khăn

Nhưng khó khăn nhất là trường hợp em Tuyết, hiện hai mắt của em cần phẫu thuật gấp nhưng cha mẹ em chưa lo được tiền phẫu thuật.
 
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phục - mẹ em Tuyết cho biết: “Hiện căn bệnh mắt của cháu nặng lắm rồi, nhưng vợ chồng tui chưa xoay đâu ra tiền làm phẫu thuật cho cháu. Theo các bác sĩ nếu phẫu thuật trễ, cộng với việc học hành của Tuyết thì bệnh ngày nặng hơn.”
 
Được biết, ông Nguyễn Văn Hậu - ba của Tuyết mang chứng bệnh tim và hen phế quản phải thuốc thang quanh năm. Riêng mẹ em cũng đang mắc chứng bệnh u nang buồng trứng, cả nhà ai cũng mang bệnh nan y nhưng vì muốn con cái thoát cảnh nghèo khổ vì thất học nên cha mẹ Tuyết dành hết tài sản, công sức cho Tuyết ăn học, chưa nghĩ đến chuyện chữa bệnh cho bản thân...
 
Nguyễn Hành
Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm