Bán chè nuôi giấc mơ giảng đường
(Dân trí) - Học đại học tại TPHCM nhưng hai bạn sinh viên quê Tiền Giang mở quán chè nơi quê nhà để kiếm tiền trang trải chi phí học tập. Cứ cuối tuần là hai bạn lại về quê bán chè, sau đó trở lại TPHCM, mang đồ quê lên ăn, khỏi phải đi chợ tốn kém.
Hai năm trước, chàng sinh viên Nguyễn Lê Xuân Khoa đã mở quán chè này, kiếm thêm chút tiền lo sách vở. Cuối tuần, Khoa lại về quê Tiền Giang bán chè, còn những ngày khác trong tuần thì em nhờ mẹ bán giúp.
Chàng trai Xuân Khoa sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở xã Nhị Mỹ. Khoa là anh trai lớn trong nhà, cha em thì đi làm thuê, mẹ em ở nhà lo việc đồng áng (2 công ruộng), nấu rượu, nuôi heo... Suốt ngày, ba mẹ Khoa phải “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, chắt chiu dành dụm từng đồng lẻ để Khoa được đến với giảng đường học tập.
Thương cha mẹ vất vả, biết gia đình khó khăn nên Khoa phấn đấu học tập. Khi lên Sài Gòn, em rất dè sẻn, tiết kiệm, ngoài ra những lúc không có giờ học em cũng đi làm thuê để đỡ đần cho ba mẹ.
Nhưng vừa hết năm thứ 2, gia đình Khoa gặp biến cố. Cha em bị tai nạn lao động nặng không thể đi làm thuê hay việc đồng áng được nữa. Cả gánh nặng gia đình được đặt lên vai của mẹ. Năm vừa rồi, mùa màng thất bát, giá lúa lại rớt thê thảm, thu hoạch chẳng có gì mà lại phải mang nợ chi phí sản xuất. Do lao động quá sức, mẹ em lại mang bệnh. Cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh túng bấn. Và Khoa đã nghỉ đến việc xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà phụ giúp ba mẹ.
Nhưng mới đây, vì không muốn con cái thất học, mẹ Khoa đã cầm cố 1 công ruộng để cho hai anh em Khoa tiếp tục đến trường. Tuy nhiên với 4 miệng ăn, “bám” vào một công ruộng thì đã khó nói chi đến chuyện chi phí học tập của hai anh em Khoa.
Vì thế, đến kỳ nghỉ hè vừa rồi, Khoa về quê thấy chợ gần nhà, mà chưa có ai bán mặt hàng giải khát, em liền nảy ra ý định nấu chè đem ra bán, kiếm tiền dành dụm để tựu trường đóng học phí, bớt nỗi lo cho mẹ.
Nghĩ là làm, Khoa liền bắt tay vào công việc của mình. Vốn khéo tay, nên việc nấu chè cũng thuận lợi. Buổi chiều, Khoa nấu đậu và chuẩn bị các thứ để sẵn… Khuya thì em dậy sớm để làm bột, thắng nước cốt… Sáng sớm thì em dọn ra trước cổng Miễu Bà để bán.
Rủ thêm “đồng môn”
Cùng xóm với Khoa, cô bạn Võ Phương Anh - sinh viên lớp CK83, Trường CĐ đẳng Kinh tế TPHCM cũng có hoàn cảnh nghèo, nên Khoa nói với Phương Anh đến giúp bán chè để kiếm thêm chi phí học tập.
Gia đình Phương Anh thuộc hộ cận nghèo. Do nhà chỉ có 1 công ruộng nên để đủ ăn cha mẹ em phải làm thêm nghề “ai kêu gì làm nấy”, khi thì chở cá mướn, làm cỏ, phun thuốc… hễ nghề nào làm có tiền lo cho Phương Anh đi học là ba mẹ em sẵn sàng làm.
Thời gian gần đây, Phương Anh thấy sức khoẻ cha mẹ kém dần, mẹ em thường xuyên ngã bệnh, công việc của cha thì một ngày làm 3 ngày nghỉ nên gia đình rơi vào cảnh túng thiếu. Vì thế khi ở TPHCM, Phương Anh đang đi phụ bàn cà phê kiếm thêm chút tiền trang trả chi phí sinh hoạt. Còn cuối tuần là em về nhà thăm ba mẹ, sẵn tiện mua đồ quê mang lên dùng cho đỡ tốn kém và đặc biệt là cùng bán chè với bạn Khoa.
Khoa mời thêm bạn Phương Anh cùng bán chè.
Gian hàng chè của hai bạn Khoa và Phương Anh thật gọn gàng. Một cái bàn nhỏ, vài cái ghế con con, ít chục ly, cái xô đựng đá. Trên bàn thì có 2 thau Inox trắng lúc thì chè đậu đen, chè thập cẩm, khi thì trôi nước, sương sa, rau câu…
Mấy ngày đầu, mọi người chưa biết, Khoa bán được rất ít, có khi phải đem chè về ăn và “hụt cả vốn”… Sau thì mọi người quen, biết được hoàn cảnh của em nên thường đến ủng hộ. Thấy chè của Khoa nấu ngon, rẻ lại vệ sinh nhất là món “rau câu dừa” của em đổ rất khéo và ngon nên mọi người đến mua đông hơn. Có người nhà có đám cũng đến đặt chè của Khoa.
“Hồi mùa hè, hai chúng em nghỉ hè về quê bán chè. Mỗi ngày, em và Phương Anh bán tầm 10 giờ là hết. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày tụi em kiếm được hơn 100.000 đồng, chia đều, mỗi đứa được khoảng từ 50.000 đồng - 60.000 đồng tùy buổi chợ. Số tiền này, em bỏ ống chờ đến ngày nhập học để đóng học phí học. Còn khi vào học, tụi em chỉ bán trong mấy ngày cuối tuần, những ngày còn lại mẹ em bán. Theo lịch này, hai tụi em thay phiên nhau có mặt để bán chè” - em Khoa chia sẻ.
Còn cô bạn Phương Anh chia sẻ: “Còn 2 năm nữa là ra trường nên em không muốn bỏ dở việc học nửa chừng…Nên chỉ biết tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa mà thôi! Phải cố gắng ra trường, tìm được một việc làm ổn định để báo hiếu và phụ giúp cho ba mẹ nuôi em trai của mình đi học!”.
Nguyễn Hành - Diệu Hiếu