Cảm phục “cô gái một chân” theo đuổi ước mơ mở công ty riêng

Dù mang trọng bệnh, bị cắt một chân nhưng tân sinh viên Trần Thị Phúc Trân đang từng ngày nỗ lực theo đuổi ước mơ trở thành một kế toán giỏi và mở một công ty kế toán tư nhân.

Chúng tôi tìm đến ấp Hòa Quới (xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vào một ngày cuối năm, hỏi thăm nhà của Trần Thị Phúc Trân thì ai cũng biết và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho cô nữ sinh có số phận trắc trở này.

Trao đổi với chúng tôi trong một ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong vườn nhãn đã già cỗi, chẳng có mấy vật dụng gì đáng giá, Phúc Trân vui vẻ chia sẻ với tôi về những bi kịch trong cuộc đời mình.

Cô nữ sinh một chân Phúc Trân.
Cô nữ sinh một chân Phúc Trân.

Tuổi thơ cơ cực

Theo đó, gia đình Phúc Trân có 4 thành viên, ít đất đai canh tác và là diện hộ nghèo nhất ấp Hòa Quới. Kinh tế gia đình chỉ trông vào nghề làm thuê, làm mướn của cha và mẹ Phúc Trân. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên Phúc Trân rất chăm chỉ, chịu khó học hành với nhiều năm liền là học sinh giỏi.

Cuối năm 2008, khi đang học lớp 8 thì thấy chân trái thường hay bị đau nhức, gia đình đưa em đến bệnh viện huyện rồi sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để khám chữa. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chân trái của em bị SARCOM xương chày, cần phải cắt bỏ chân trái, nếu không phải tháo bỏ khớp háng. Lúc đó gia đình sợ cháu Trân buồn, ảnh hưởng đến việc học nên giấu em. Mãi đến ngày em lên bàn mổ, gia đình mới cho em biết…

Chị Trần Thị Hai (SN 1967) - mẹ Trân kể lại giọng ngậm ngùi: “Sợ cháu bị sốc, tôi nói khéo chỉ bị khối u, uống thuốc vài tháng là hết. Nghe vậy cháu mừng rỡ vì sợ chuyện mổ xẻ ảnh hưởng đến việc học. Thấy con vui mà lòng tôi đau thắt”.

Ngày lên bàn phẫu thuật, Trân khóc ròng. Trân kể lại với đôi mắt rưng rưng, nghẹn ngào: “Khi biết được sự thật về căn bệnh của mình, em cảm thấy tất cả như sụp đổ, mọi hy vọng, mọi điều tốt đẹp của cuộc sống như muốn rời bỏ em. Đó là một cú sốc quá lớn với em, chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ bị tàn phế như thế… Có lúc em đã từng nghĩ quẩn…”.

Ngày xuất viện về nhà, em không đủ can đảm để soi gương vì thân hình xác xơ, tiều tụy và mái tóc dài thướt tha đã rụng gần hết. Sau khi bị cắt chân, việc đi đứng của em hết sức khó khăn. Trân phải nghỉ học mất 6 tháng để điều trị bệnh (xạ trị và vô hóa chất) cũng như tập đi. Việc đi đứng của Trân từ đó bắt đầu dựa vào đôi nạng gỗ. Từ đó em luôn mặc cảm với bạn bè về khuyết tật của mình và có ý định nghỉ học.

May mắn thay, thầy Lê Văn Tư, giáo viên Trường THCS Hiệp Đức, nhà cạnh bên, đã sang an ủi, động viên em trở lại học tập. Sợ em mặc cảm với bạn bè, chính thầy đã làm công tác tư tưởng đối với học sinh của trường và thường xuyên đưa rước Trân đi học. “Mấy ngày nằm ở nhà, bạn bè cũng thường xuyên đến thăm, trở vào trường được các bạn vui mừng chào đón, giúp đỡ hết chuyện này đến chuyện khác làm em xúc động vô cùng. Cũng có lúc ngồi một mình bên cửa sổ lớp nhìn ra sân thấy các bạn chạy nhảy một cách vô tư, nước mắt em như chực trào ra. Nhưng, nghĩ đến lời của thầy Tư: Bệnh tật là điều không ai muốn. Nhưng, bây giờ, em phải chiến đấu với bệnh tật. Em nghĩ nếu mình buồn thì cha mẹ sẽ buồn theo mà cha mẹ đã khổ cực quá nhiều rồi. Từ đó, em tự động viên mình phải sống lạc quan, học thật giỏi để không phụ lòng tin của mọi người”. Trân tâm sự.

Ngoài ra, chị Hai còn cho biết thêm: “Chính nhờ sự động viên tinh thần của thầy cô và các bạn nên Trân phấn chấn tự tin trở lại trường, tiếp tục việc học. Tuy nhiên, cha cháu bận việc làm thuê, nhà lại không có xe máy làm phương tiện đưa đón nên ban đầu việc đến trường của Trân vất vả lắm. Cũng may nhờ thầy Lê Văn Tư chở em đi nhờ đến trường mỗi ngày. Nhờ đó, Trân mới có tương lai tươi sáng như hôm nay”.

Một chân vẫn học đại học

Dẫu nghỉ học khá lâu nhưng khi trở lại trường, Phúc Trân vẫn học tập tốt làm cho nhiều thầy cô, bạn bè hết sức bất ngờ. Em luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Trước giờ sách vở em học đều do người chị bà con học ở lớp trên cho mượn lại, còn bài học nào không hiểu, em mạnh dạn hỏi lại thầy cô.

Ngoài thời gian học trên lớp, em còn giúp đỡ cha mẹ nấu cơm, giặt giũ, làm cỏ vườn… và nhận dạy kèm cho một số em nhỏ trong xóm để khuây khỏa nỗi buồn. Cảm thông trước hoàn cảnh gia đình khó khăn và đức tính chịu khó ham học hỏi của Trân, các thầy cô ở Trường THCS Hiệp Đức đã miễn hoàn toàn học phí cho em và cử thầy cô trực tiếp phụ giúp việc đưa đón Trân đến trường khi gia đình em có việc bận.
Mặc dù khiếm khuyết cơ thể nhưng Trân vẫn đạt được nhiều giải thưởng.
Mặc dù khiếm khuyết cơ thể nhưng Trân vẫn đạt được nhiều giải thưởng.

Thầy Nguyễn Văn Tư (Trường THCS Hiệp Đức) nhớ lại: “Nhà trường rất tự hào về em Trân, luôn lấy tấm gương của em để giáo dục học sinh của trường về tinh thần vượt khó, ham học hỏi. Hiện nay, trong khi nhiều học sinh có điều kiện, gia đình khá giả nhưng lại đua đòi bỏ học thì sự nỗ lực của em Phúc Trân thật đáng tự hào”.

Với sự nỗ lực của Phúc Trân, Hội Chữ thập đỏ huyện Cai Lậy đã tặng em chiếc chân giả để đến lớp thuận lợi hơn. Đôi nạng gỗ giúp em có chỗ tựa, cái chân nhân tạo giúp em lên xuống cầu thang thuận tiện hơn. Trân hóm hỉnh cho biết: “Các bạn em đến trường bằng 2 chân, còn em đến trường bằng cả 4 chân (2 chân gỗ, 1 cái chân nhân tạo và 1 cái chân còn lại của Trân) nên dù khó khăn thế nào em phải cố gắng hết sức để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô đã luôn sát cánh với em thời gian qua”.

Từ những năm học cấp 2, Phúc Trân đã có ước mơ trở thành một một giáo viên để dạy cho các em nhỏ của địa phương mình. Tuy nhiên, nhưng năm cấp 3, ước mơ ấy đã được thay đổi bởi Trân nhận ra rằng mình không hợp với nghề sư phạm, bởi việc đi lại khó khăn. "Em nghĩ đến một ước mơ thiết thực hơn, là trở thành một kế toán giỏi và em nghĩ rằng mình hợp hơn với ngành này, em quyết định thi vào khoa Kinh tế - xã hội của Trường đại học Tiền Giang", Phúc Trân bộc bạch.

Năm 2013, em Phúc Trân dự thi và đỗ vào ngành Kế toán của Trường đại học Tiền Giang với số điểm khá cao. Ngày em nhập trường cũng là ngày không những bản thân em mà cha mẹ đều có những nỗi lo chồng chất nỗi lo. Hằng ngày em phải đi bộ hơn cây số, có những lúc giảng đường ở trên tầng cao, em đã phải rất khó khăn để lên được lớp học, có những lúc mệt vì sức khỏe yếu em cũng rất nản. Hằng ngày để đến được lớp học, em phải nhờ cậy vào đôi nạng gỗ, có những lúc leo mấy cầu thang đã khiến em mệt rã rời, thậm chí có những lúc em không muốn đến lớp. Nhưng rồi Phúc Trân đã cố gắng phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn: “Những lúc khó khăn nhất, em luôn nghĩ đến cha mẹ và những điều mà cha mẹ dành cho mình thì em lại có động lực để vượt qua số phận”.

Ngoài ra, bản thân em Phúc Trân là một người lạc quan và thích tự lập. “Lúc đầu nhập học, em dự định đi dạy kèm để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình nhưng lịch học không ổn định nên em tạm gác lại ý định làm thêm. Khi nào, lịch học ổn định thì em sẽ đi dạy kèm liền...” – Phúc Trân chia sẻ.

Cô Lê Thị Vân Trang - Cố vấn lớp ĐH Kế toán 13B cho biết: Phúc Trân là một sinh viên rất lạc quan và chăm học. Dù bị khuyết tật nhưng em hòa đồng và gia nhập với các bạn rất nhanh. Với nghị lực học tập không mệt mỏi của các em cộng với tấm lòng tận tình của giáo viên, sự cảm thông giúp đỡ của các bạn cùng lớp mà Phúc Trân đã làm nên kỳ tích bằng cách viết lại câu chuyện của chính cuộc đời mình.

Khi kể về ước mơ lớn nhất, Phúc Trân nở nụ cười chia sẻ chân thành: “Ước mơ lớn nhất của em bây giờ là sau khi ra trường sẻ tìm được việc làm ổn định. Và sau 10 năm nữa, em dự định mở được một công ty kế toán tư nhân, trong đó đa phần những người làm việc sẽ là những người khuyết tật. Em muốn mọi người nhìn thấy được khả năng của họ. Họ có thể làm được tất cả những gì mà họ mong muốn, đam mê, cũng như bản thân em luôn mong muốn làm những điều thiết thực nhất, niềm đam mê phải bắt đầu từ những suy nghĩ và hành động thiết thực. Và em nghĩ rằng thành công mà em muốn mang lại còn dài ở chặng đường phía trước, vì vậy cần cố gắng nhiều hơn nữa".

Vẫn biết con đường vượt qua hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật để đến với ánh sáng tri thức sẽ còn lắm vất vả, nhưng với niềm tin và nghị lực phi thường của cô bé Phúc Trân, tôi tin rằng ước mơ của em sẽ thành hiện thực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm