“Bác Dương thôi đã thôi rồi”

Bỗng nghe tin GS.TS Phạm Đức Dương qua đời, tôi lặng đi. Mới đấy thôi trong sự kiện lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đến nhà ông để phỏng vấn về những kỷ niệm với Đại tướng.

 Hôm ấy ông hơi mệt, giọng nói khàn, cổ còn sẹo một vết mổ, nhưng thần thái vẫn toát lên nét trẻ trung dù đã ở tuổi 85. Lúc nào cũng thấy ông trẻ từ gương mặt, nụ cười hiền hậu, giọng nói xứ Nghệ truyền cảm, trẻ trong tâm hồn và đặc biệt trong tình cảm với giới trẻ.

 

Nhóm trẻ của chúng tôi được ông xem như bạn vong niên, gọi ông là “bác Dương”. Cũng vì chất trẻ ấy, sinh viên trong trường gọi vị giáo sư cao tuổi là “chàng Dương”. “Chàng Dương” lúc ấy đã ngoài 80 niên, leo bộ lên am Ngọa Vân chót vót mà đi cứ phăm phăm để thanh niên “hít khói”. “Chàng Dương” đi Thái Lan, trên đường phố Bangkok lúc nào cũng nhanh nhẹn bước trước, mái đầu bạc phơ. Ông còn là Chủ tịch tổ chức hoạt động xã hội Hành Trình Xanh đi xe đạp xuyên Việt, ông cùng giới trẻ xây nhà tình thương, tặng quà cho trung tâm người khuyết tật, gia đình khó khăn, trẻ em mồ côi...
 
GS Phạm Đức Dương tham gia chuyến xe đạp xuyên Việt với nhóm “Hành trình xanh”.
GS Phạm Đức Dương tham gia chuyến xe đạp xuyên Việt với nhóm “Hành trình xanh”. 
 
Tôi may mắn quen GS Phạm Đức Dương từ thời sinh viên. Thật lạ, ở trung tâm Hà Nội mà ngôi nhà của ông bất cứ ai cũng có thể bước vào mà không cần chủ nhân mở cửa. Khách đến cứ thể đẩy cửa bước vào, cửa chỉ khép hờ, rồi sà vào thư viện nơi họ có thể lấy bất cứ cuốn sách nào để đọc và khi ra về chẳng ai kiểm tra. Một ngày thư viện đón rất nhiều người trẻ, đặc biệt là sinh viên và nghiên cứu sinh. Hơn 1 vạn cuốn sách các loại, các ngôn ngữ Nga, Anh, Pháp, Trung; hơn 400 luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ, nhiều luận án do GS Dương trực tiếp hướng dẫn.
 

Tôi không thể nào quên những bức tường bằng sách, những cuốn sách dày như viên gạch trong thư viện gia đình ấy. Nhiều cuốn của GS Dương biên soạn, đã đặt nền móng cho ngành nghiên cứu ngôn ngữ học Đông Nam Á ở Việt Nam. Tôi lật giở những công trình nghiên cứu dày cả gang tay của ông như: Ngôn ngữ và văn hóa Lào trong bối cảnh Đông Nam Á, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Từ văn hóa đến văn hóa học…, thầm khâm phục sức làm việc phi thường của người cựu chiến binh 10 năm chiến đấu ở chiến trường Lào. Thời buổi kinh tế thị trường, GS vẫn lặng lẽ nghiên cứu ngôn ngữ Lào, ngôn ngữ Thái… Sinh viên đến đây đọc sách uống nước miễn phí, nhiều người còn được cưu mang, được xin việc làm cho. Đặc biệt, GS như một cuốn sách rộng mở với giới trẻ, sẵn sàng lắng nghe và giải đáp tất cả bằng vốn sống và kiến thức lịch lãm của mình. Thư viện gia đình ông được Bộ VHTTDL tặng danh hiệu Thư viện Gia đình tiêu biểu.

 

Tôi đã nhiều lần phỏng vấn thầy trên các lĩnh vực từ biển Đông, thói hư tật xấu người Việt, tâm lý sính bằng cấp, chọn nghề của giới trẻ. Bài nào cũng có những ý tứ sâu sa, kiến giải độc đáo, xuất phát từ cái tâm cái tầm của một trí thức luôn đau đáu với nước nhà. Như mới đây thôi, phỏng vấn thầy về sự kiện giới trẻ xếp hàng viếng Đại tướng, thầy trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Niềm tin trong thời buổi này đang ít dần đi. Nhưng Đại tướng đã truyền cho giới trẻ niềm tin. Điều đó làm cho những người lãnh đạo phải suy nghĩ, sống sao để cho dân tín nhiệm...”.

 

GS Phạm Đức Dương tham gia chuyến xe đạp xuyên Việt với nhóm “Hành trình xanh”.
GS.TS Phạm Đức Dương, Chủ tịch T.Ư Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á - Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa phương Đông là chuyên gia đầu ngành về Đông Nam Á, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, một trong số sáng lập viên Viện Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

 

Tang lễ GS.TS Phạm Đức Dương cử hành tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân đội 354, 13 phố Đội Nhân, Hà Nội. Lễ viếng từ 8h ngày 11 tháng 12. Lễ truy điệu và đưa tang hồi 11h cùng ngày.

 

Theo Phùng Nguyên

Tiền Phong