Ba học sinh Hà Nội vô địch vòng thi toàn cầu World Scholar's Cup 2022
(Dân trí) - Vượt qua hàng trăm đội thi đến từ 18 quốc gia, 3 học sinh Trung học Hà Nội vừa giành giải vô địch vòng thi toàn cầu, cuộc thi World Scholar's Cup và bước vào vòng chung kết thế giới sắp tới tại Mỹ.
World Scholar's Cup (WSC) là cuộc thi Học thuật Quốc tế dành cho các bạn học sinh từ 8-18 tuổi. Mỗi năm, cuộc thi thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn học sinh đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau 12 năm tổ chức, World Scholar's Cup được coi như một trong những cuộc thi học thuật Quốc tế lớn nhất dành cho học sinh phổ thông trên toàn thế giới có cơ hội thể hiện bản lĩnh.
Nội dung thi của WSC trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có kiến thức tổng quát và đa dạng.
Ở vòng thi này, có hơn 300 học sinh tham dự đến từ 18 quốc gia trên thế giới như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia,... Đây cũng là các đội thi xuất sắc đến từ các vòng thi khu vực và quốc gia.
Kết thúc vòng thi, giải Nhất thuộc về 3 học sinh của Việt Nam là em Phạm Thành Hưng, Nguyễn Trà My, Phạm Hà An (lớp 9) Trường phổ thông Dewey (Hà Nội).
Các giải Nhì, Ba thuộc về một trường Trung học của Ấn độ và Indonesia.
Điểm nổi bật của nội dung WSC là các chủ đề luôn được lựa chọn thật thú vị, khơi gợi tò mò và óc sáng tạo của các bạn nhỏ, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tính học thuật của một chương trình hàng đầu.
Xoay quanh các kiến thức về: khoa học, văn học, nghệ thuật, chính trị, lịch sử, luật pháp, xã hội, v.v… các "học giả nhí" sẽ tranh tài trên 4 nội dung: The Bowl (lựa chọn câu trả lời đúng), The Challenge (thi trắc nghiệm), Collaborative Writing (tranh biện qua ngòi bút), Debate (tranh biện đối mặt trực tiếp).
Chủ đề được lựa chọn năm nay là "A World Re-Renewed" được chia làm 6 lĩnh vực đa dạng: Special Area - Mistakes & Recoveries (Khu vực đặc biệt - Sai lầm & Phục hồi); Science & Technology - To Edit a Planet (Khoa học và công nghệ - Để thay đổi hành tinh); History - The History of Succession (Lịch sử - Lịch sử của sự kế vị); Social Studies - Out with the Old (Khoa học xã hội - Các vấn đề về tuổi tác); Art & Music - Second Chances, Second Glances (Nghệ thuật & âm nhạc - Cơ hội thứ hai, cái nhìn thứ hai); Literature & Media - Reboots, Sequels, and Reconsideration (Văn học & truyền thông - Khởi động lại, Phần tiếp theo và Xem xét lại).
Trà My, một trong ba thí sinh đoạt giải của Việt Nam cho biết, trong phần thi "tranh biện qua ngòi bút", em nhận được đề thi khá thú vị về vấn đề các di tích lịch sử bị hư hỏng hay bị phá hoại vì bất cứ nguyên nhân nào, theo bạn nên tôn tạo lại hay là phá bỏ hoàn toàn để xây dựng một cái mới.
Không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị, Trà My đã có bài luận ấn tượng bảo vệ ý kiến nên gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử.
Em khẳng định, di tích lịch sử có giá trị vô cùng to lớn đối với một dân tộc nói riêng và cho thế giới nói chung để qua đó chúng ta nhìn lại được quá khứ, hiểu được tiến trình phát triển của nhân loại, chúng còn là niềm tự hào của dân tộc và thế giới như Thành Rome (Italia), Kim Tự Tháp (Ai Cập), hay là Kinh thành Huế, Thánh địa Mỹ Sơn (Việt Nam)...
Ngoài ra, việc tôn tạo lại các di tích lịch sử còn góp phần phát triển du lịch, thu hút bạn bè quốc tế đến tham quan tìm hiểu về văn hóa, truyền thống của nước nhà góp phần tạo dựng "thương hiệu" Việt Nam trên thế giới.
Với lập luận chắc chắn, dẫn chứng thuyết phục từ chính di tích lịch sử của Việt Nam, Trà My đã đạt được thành tích cao với bài luận này khi ở vị trí thứ 5 trên tổng số hơn 300 thí sinh tham dự.
Trà My chia sẻ thêm, để tham dự cuộc thi, các em đã phải đọc thêm rất nhiều tư liệu, sách vở, báo chí về nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, các bạn còn phải luyện tập cùng nhau để phối hợp ăn ý trong các phần thi, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình, phản biện và phong thái.
Điều khiến My thích thú nhất ở cuộc thi không phải là một cuộc cạnh tranh "khốc liệt" mà là một sân chơi với rất nhiều bạn bè quốc tế, hình thức thi mới mẻ và kiến thức rộng mở để ở đó em được tự do đưa ra những ý kiến, quan điểm cá nhân về các lĩnh vực vĩ mô.
"Mình nghĩ rằng kỹ năng tranh biện rất cần thiết cho các bạn học sinh để phát triển tư duy. Nhờ vào kỹ năng này, chúng mình có thể giải quyết vấn đề tốt hơn vì tiếp cận nhanh hơn những xung đột, mâu thuẫn, mạng lưới quan hệ giữa các vấn đề/luận điểm.
Không những thế, tranh biện còn giúp chúng mình nhận định đúng sai và tăng khả năng thuyết phục thông qua kỹ năng giải thích chặt chẽ, rõ ràng.
Ngoài ra, Tranh biện còn giúp mình nâng cao các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, suy nghĩ logic và kiểm soát ngôn ngữ hình thể, tiếp cận nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị…" Trà My chia sẻ thêm.
Nhóm học sinh cho biết, các em rất háo hức chờ đợi đến Mỹ để cùng tranh tài với các "học giả" tài năng đến từ nhiều quốc gia khác.
Các em mong muốn hai từ "Việt Nam" tiếp tục được vang lên nhiều lần nữa trong cuộc thi này, hơn thế nữa "mình muốn mang đến một góc nhìn mới mẻ về học sinh Việt Nam đến với các bạn học sinh thế giới, đó là tự tin, giỏi giang và toàn diện" Trà My hào hứng chia sẻ.