Thủ khoa khối C “bật mí” kinh nghiệm cho kỳ thi ĐH 2013
(Dân trí) - Trước kỳ thi ĐH 2013 đang đến gần, qua báo <i>Dân trí</i>, Lê Khắc Bảo Long (thủ khoa khối C ĐH Huế với 26,5 điểm - thi vào ngành Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Huế) đã chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích trong việc ôn thi và làm bài thi của chính mình.
Địa lý: Môn dễ "ăn điểm" nhất trong 3 môn khối C
Khối C nói chung và môn địa nói riêng rất cần kiến thức xã hội. Các bạn thí sinh nên chuẩn bị một nền kiến thức xã hội rộng qua việc tích lũy từng ngày, từng giờ trong cuộc sống. Mình vẫn cho rằng Địa là môn dễ học và dễ ăn điểm nhất trong 3 môn.
Về các “khuôn” làm bài tập: Địa dễ học vì nó có những cái khuôn mẫu. Vẽ biểu đồ đã là 1 cái khuôn, nhận xét biểu đồ cũng là khuôn mẫu. Trả lời kiến thức lý thuyết cũng có khuôn mẫu. Môn Địa lý là môn có rất nhiều cái “khuôn” mà nếu làm bài thi dựa theo những cái khuôn ấy rất dễ kiếm điểm cao.
Một số bài tập lý thuyết Địa lý có cách trả lời trình bày theo những cái khuôn nhất định. Đó là các câu hỏi có đề cập đến các vấn đề về nhân tố Tự nhiên và nhân tố Kinh tế - Xã hội của một vùng miền, địa phương…
Cụ thể các nhân tố Tự nhiên có: khí hậu, sinh vật, nguồn nước, vị trí địa lý, đất đai, khoáng sản... Nhân tố KT - XH gồm: cơ sở hạ tầng, vật chất, chính sách, dân cư, nguồn đầu tư nước ngoài… Học, làm bài và trình bày theo những cái khuôn này rất dễ ghi nhớ và cũng dễ dàng kiếm được con điểm tốt.
Qua báo Dân trí, thủ khoa khối C ĐH Huế 2012 Lê Khắc Bảo Long chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích để đạt điểm cao thi khối C cho những sĩ tử năm nay.
Về vấn đề biểu đồ: bài thi Địa có 10 điểm thì 3 điểm thuộc về phần vẽ biểu đồ và nhận xét biểu đồ. Đây là dạng bài tập không hề khó. Thí sinh phải nắm chắc các dạng biểu đồ và trường hợp vận dụng chúng, để ý các quy tắc vẽ biểu đồ như: ở đâu được vẽ bút mực, ở đâu được vẽ bút chì (đường tròn) - đây là các chi tiết nhỏ nhưng có thể khiến thí sinh mất điểm oan.
Kỹ năng nhận xét và giải thích biểu đồ luôn đi từ khái quát tới cụ thể. Cái chung trình bày trước, cái chi tiết trình bày sau. Làm như thế mới bảo đảm đầy đủ, không thiếu ý.
Về vấn đề Atlas: Thi ĐH không cho phép thí sinh sử dụng Atlas Địa lý, điều này khiến cho một số bạn có ý nghĩ rằng không cần quan tâm cuốn Atlas này. Đây là quan điểm sai lầm. Atlas rất bổ ích, thí sinh nên sử dụng Atlas thường xuyên trong quá trình học tập và làm bài tập.
Ghi nhớ và đọc Atlas thường xuyên sẽ giúp thí sinh dần hình thành trong đầu những hệ thống bản đồ, biểu đồ, khả năng xác định vị trí địa lý, điểm ký hiệu, địa danh quan trọng... Nó sẽ giúp bạn rất nhiều khi làm bài tập và trả lời đề thi.
Ngoài ra, ghi nhớ Atlas sẽ giúp tư duy của thí sinh tái hiện những hình ảnh trực quan sinh động, giúp hiểu sâu hơn về bài học, và bài tập. Nó cũng rất hữu ích cho việc trả lời các câu hỏi xác định vị trí, tên các đảo, các vườn quốc gia,…
Sơ đồ tư duy: Cách học Địa của riêng mình là học từ gốc đến ngọn, môn Địa là “thiên đường” của cách học Mindmap (Sơ đồ tư duy). Trước tiên, cần nắm khái quát các vấn đề của bài học thì mới dễ dàng vạch ra nội dung. Tiếp theo cần nắm rõ các đề mục, sau đó mới đi vào các đoạn, triển khai các ý.
Ôn thi Văn: Nên vạch rõ đề cương và nội dung ôn tập
Trong 3 môn khối C thì môn Văn là khó nhất, khó không phải vì kiến thức của Văn cao thâm mà là vì lượng kiến thức thi ĐH của nó quá nhiều và rộng, trải dài từ sách Ngữ văn 11 đến 12. Các môn còn lại lượng kiến thức ra thi tập trung trong sách Giáo khoa 12 nên tương đối dễ thở hơn so với môn Văn.
Học ôn thi: Nên tìm đến các giáo viên có danh tiếng về luyện thi Văn để theo học. Học chăm chỉ, ghi bài đầy đủ, ghi nhớ các ý chính, thường xuyên luyện tập giải đề văn… sẽ giúp khả năng viết nâng cao.
Thí sinh cũng nên vạch rõ đề cương và nội dung ôn tập. Tái hiện kiến thức ra giấy luôn cần thiết và điều quan trọng nhất là thử sức giải đề thi. Khi giải thử các đề thi sẽ tạo cho bạn sự chủ động, và khả năng tự tìm kiếm tổng hợp kiến thức. Bởi lẽ các dạng đề ra thi gần đây thường ra dạng tổng hợp chứ không quá chuyên sau về một vấn đề.
Khi làm bài thi: Kiến thức ra thi môn Văn ở ĐH không có nhiều trong sách giáo khoa. Môn Văn 10 điểm thì chỉ có 2 điểm nằm các phần kiến thức tác giả, tác phẩm…, 8 điểm còn lại thì 3 điểm thuộc về bài văn nghị luận xã hội, đòi hỏi kiến thức xã hội và 5 điểm thuộc về bài văn nghị luận văn học, đòi hỏi kiến thức văn học.
5 điểm bài văn nghị luận văn học đóng vai trò quan trọng nhất, để dành được số điểm cao trong bài văn này là việc không dễ dàng. Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là kiến thức cơ bản, kiến thức giáo viên dạy trên lớp về các tác phẩm cũng chỉ là tổng quát, không chuyên sâu. Nếu muốn làm một bài nghị luận phân tích chuyên sâu để dành điểm cao thì phải đi học thêm, luyện thi. Lúc này việc chọn giáo viên luyện thi môn Văn rất quan trọng.
Cuối cùng khi đã trang bị cho chính mình một vốn kiến thức tương đối khá, bạn có thể tìm kiếm thông tin, bài học trên mạng. Các bài viết trên internet rất nhiều và đủ loại sai đúng. Những kiến thức đúng giúp bạn ghi nhớ kỹ càng hơn, và ngược lại những kiến thức sai cũng có ích. Bởi lẽ khi nhận ra được kiến thức sai trên mạng đồng nghĩa với việc bạn đã nắm và hiểu rất rõ về vấn đề.
Ôn thi Sử: Nắm vững SGK là nắm chắc con điểm tốt
Toàn bộ kiến thức ra thi Sử đều nằm hoàn toàn trong SGK, điều đó không có nghĩa là môn sử dễ dàng. Bởi vì học sử không đơn giản là học thuộc mà phải học hiểu, hiểu chưa đủ mà còn phải biết vận dụng vào các lý luận. Tất nhiên đề thi vận dụng lý luận thường chỉ xuất hiện trong kỳ thi HSG, đề thi ĐH chỉ đòi hỏi thí sinh hiểu và trình bày đầy đủ vấn đề là đạt điểm cao.
Khi học bài: Sử gắn liền với các thời kì và giai đoạn lịch sử nên người học cần tập ghi nhớ theo trục thời gian. Nên chia nhỏ giai đoạn để học dần. Mỗi giai đoạn chia ra thành các đề mục, mỗi đề mục sẽ gồm các bài, mỗi bài có các vấn đề, mỗi vấn đề lại gồm các ý chính, phụ…
Ví dụ với phần lịch sử Việt Nam thì cần chia làm 5 giai đoạn chính: 1919-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975 đến nay.
Đặc biệt các con số ngày tháng năm rất khó nhớ chính xác nên người học cần linh động sử dụng các mẹo ghi nhớ để nắm lòng các thời điểm, giai đoạn lịch sử.
Khi học cần viết bài ra nháp, vừa học vừa ghi chép những ý chính. Làm như thế sẽ giúp kiến thức bài học được khái quát hoa trong đầu. sau đó tập khả năng tổng hơp các phân, mục bài, bài có liên quan với nhau.
Khi làm bài: Sau khi nhận đề thi không nên vội vã làm bài ngay , thí sinh cần đọc kỹ và hiểu rõ các câu hỏi trong đề. Khi phân tích câu hỏi cần phải xem giới hạn thời gian, nội dung câu hỏi đề cập để tránh tình trạng trả lời thừa hay thiếu.
Đề thi tuyển sinh ĐH môn Sử thường có khoảng 4 câu hỏi. Câu nào có số điểm cao thì có độ khó và độ dài lớn hơn các câu khác, cần dành nhiều thời gian hơn cho dạng câu hỏi này. Ngược lại các câu ít điểm nên dùng ít thời gian để làm hơn. Tránh tình trạng câu thừa ý câu, câu lại thiếu ý. Khi đặt bút làm bài phải theo nguyên tắc: Câu nào thuộc nhất làm trước, sau đó mới làm các câu còn lại.
Biểu điểm của môn Sử chấm điểm theo ý (luận điểm, luận cứ). Hoàn thành tốt 1 câu hỏi là khi bài làm có đầy đủ các ý kết hợp cách hành văn lưu loát. Để tránh thiếu luận điểm, bỏ sót luận cứ các bạn nên viết nháp các luận điểm, trong luận điểm có bao nhiêu luận cứ. Nếu được nên viết theo thứ tự các ý. (thứ tự mốc thời gian, sự kiện có trước viết trước).
Trao đổi về việc học tập qua mạng Internet, thủ khoa Lê Khắc Bảo Long cho biết: Trên mạng có những kiến thức đúng và những kiến thức sai. Nếu nhảy vào “biển” kiến thức trên mạng khi chưa nắm vững kiến thức cơ bản, kiến thức nền thì rất là nguy hiểm vì dễ chìm trong bể kiến thức đó và không phân biệt được đúng sai. Nhưng nếu bạn có 1 nền kiến thức cơ bản tương đối tốt thì việc “ngụp lặn” trong bể kiến thức đó, tìm ra cái đúng để bổ sung kiến thức, tìm ra cái sai để đối chiếu, hiểu rõ và nâng cao thêm kiến thức lại là một điều rất tốt. |
Anh Việt - Đại Dương (ghi)