Ấn tượng của “Tây” về Tết “ta”
(Dân trí) - Không chỉ khách du lịch sang Việt Nam đúng dịp năm mới cảm nhận được hương vị Tết, những người bạn quốc tế “ăn” Tết Việt cùng du học sinh, Việt kiều ở đất Tây cũng có những ấn tượng rất riêng về dịp lễ cổ truyền đặc biệt của xứ sở hình chữ S.
Có thể biết đến Việt Nam trong lịch sử, trong kháng chiến, nhưng không nhiều người Nga biết đến Tết Việt nếu như không có một cộng đồng người Việt lớn mạnh đang làm ăn, sinh sống, học tập tại đây.
Nếu như Giáng sinh và năm mới dương lịch, những người Việt trẻ có cơ hội cảm nhận không khí quây quần khi được mời làm khách tại những gia đình Nga, thì trong bữa tiệc tất niên của du học sinh Việt, cũng thể thiếu vắng những người bạn da trắng.
Bạn Bùi Văn Khôi, sinh viên trường ĐH Vật lý kỹ thuật Moscow chia sẻ: “Tết nào, bọn mình cũng mời một số bạn Nga thân đến ăn tết cùng. Họ rất thích bánh chưng và nem rán của Việt Nam. Cả nước mắm nữa (mặc dù lúc đầu chưa quen lắm!). Điều này khá là đặc biệt vì như chúng ta đều biết, nước mắm có mùi cũng rất… đặc trưng”.
Trong khi đó, các thầy cô giáo tại Khoa Báo chí – Đại học Tổng hợp Voronezh lại rất ấn tương với món mứt dừa do các nữ sinh Việt Nam tự tay làm và mời nếm thử, thậm chí có cô giáo trẻ còn bắt đầu “nghiền” món mứt Tết này rồi. Cô gái giấu tên, tác giả của món mứt dừa kể trên, hồ hởi: “ Ở đây, dù là môi trường đại học, các giảng viên vẫn hết sức quan tâm đến đời sống của du học sinh Việt Nam, nhất là năm mới, sinh viên của mình đón Tết như thế nào”.
Còn tại châu Đại dương, nơi có khá nhiều sinh viên châu Á theo học, những người dân sở tại dường như cũng đã khá “quen” với phong tục đón Tết Âm lịch. Chính vì vậy mà ngay từ cái Tết đầu tại Queensland, Úc, bạn Nguyễn Hải Anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy thầy cô, bạn bè Úc cứ gặp sinh viên Việt là bắt tay, nói câu chúc mừng năm mới.
Khi hỏi những người bạn Úc, Hải Anh nhận được câu trả lời: “Trong trường học với đông đảo sinh viên chấu Á như thế này thì Tết của các bạn cũng là một sự kiện có tầm ảnh hưởng đấy chứ. Thế nên, mấy thầy cô gặp du học sinh Việt Nam, Trung Quốc… đều nói chúc mừng năm mới cả, ít nhiều cũng là cho các bạn cảm thấy có một chút xuân nơi nước Úc”.
Cùng với những món ăn ngon, thì các phong tục đặc trưng cũng làm nên nét ấn tượng của Tết Việt nơi xứ người. Từ Hà Lan, Lê Quân (sinh viên Đại học Maastricht) chia sẻ: “Mình ở cùng nhà với 2 cô bạn người Bulgarian và Bỉ, mình cũng nói chuyện và khoe về truyền thống Tết ở Việt Nam, và các bạn rất hứng thú, đặc biệt khi mình nói tới “lucky money” – tiền lì xì thì họ rất thích, còn đùa là họ cũng muốn có “lucky money”. Nói chung khi mình kể về ngày Tết với bạn bè quốc tế thì họ rất hứng thú, mình cũng thấy tự hào về điều này”.
Còn Giáo sư Jon Ewing, giảng viên môn Tôn giáo tại Richland College (Texas, Mỹ) thì nói hóm hỉnh: “Tôi đặc biệt ấn tượng với những phong tục của đất nước các bạn, nhất là dịp Tết. Tôi từng tham gia Trung Thu, tới chùa cùng với các học trò của mình. Năm nay, tôi cũng rất muốn đi đón giao thừa, nhưng phải thức đến đêm nên… cũng có chút bất tiện”.
Cũng chung mối quan tâm như thầy giáo của mình, sinh viên Mỹ và du học sinh quốc tế rất tò mò về Tết, cái mà họ gọi là “sự kiện đặc biệt ” của người Việt. Do vậy, tất cả đều ồ lên cười thích thú khi được những người bạn Việt Nam giải thích lý do vì sao mà các khu chợ dành cho người châu Á lại đông, bán nhiều mặt hàng “lạ ” (vàng mã, đồ trang trí Tết – PV) trong dịp này như vậy.
Hải Nam