Du học sinh và tự sự “Tết xa nhà”

(Dân trí) - Dù mới là năm đầu tiên hay đã dày dặn kinh nghiệm “5 năm có lẻ” thì những du học sinh đã và đang gắn bó với nước Pháp vẫn mãi còn nguyên những cảm xúc Tết xa nhà.

Lưu Ngọc Duy Hiền (cựu du học sinh tại Lyon và Toulouse): Ước gì có anh, Tết còn dễ thương

 

Tối qua mình tình cờ lục lại những tấm ảnh đón Tết bên Pháp, nhớ lại cảnh tự tay làm giò thủ, cắm hoa, chuẩn bị mâm ngũ quả, nấu nướng cúng giao thừa mới thấy lại không khí của ngày Tết. Chiều mồng 1 mình thường ra chợ Tàu xem múa lân, đốt pháo rộn ràng. 5 cái Tết xa nhà đó, dù không được sum vầy cùng ông bà cha mẹ nhưng lại được ở cạnh người mình yêu nên cũng hạnh phúc lắm.

 

Bây giờ về Việt Nam rồi, bận rộn đủ thứ công việc. Người yêu giờ cũng trở thành chồng của mình nhưng tâm trạng nao nao đón Tết cũng không còn nữa vì thương anh năm nay vẫn phải đón Tết xa nhà, lại còn ăn Tết ở thành phố Perpignan, nơi có rất ít người Việt.

 

Du học sinh và tự sự “Tết xa nhà”



Ở đó có lẽ cũng chẳng có bán bánh chưng để mà mua. Năm nay giao thừa trúng thứ 7, chắc anh cũng chỉ ở nhà trùm chăn gọi điện về cho vợ. Nói thật là ngày trước ở Pháp dù phải đón Tết xa nhà suốt 5 năm trời nhưng không buồn bằng Tết năm này”.

 

Nguyễn Bá Gia Thuận (Besançon): Sẽ còn nhiều cái Tết xa nhà nữa

 

Năm nay, lần đầu tôi đặt chân đến Pháp và cũng là lần đầu tôi đón một cái Tết xa nhà, xa gia đình cùng bạn bè của tôi. Ở Pháp, vào những ngày Tết Việt Nam, du học sinh Việt Nam vẫn đi học bình thường. Cảm giác lần đầu xa gia đình trong ngày Tết thật khó chịu, nhớ có, thương có, tiếc nuối cũng có…

 

Một mình trên đất khách quê người quả thật không hề dễ dàng. Cũng may, tôi vẫn được phần nào may mắn khi cùng ăn Tết với Hội SV Việt Nam ở đây! Dẫu biết rằng không thể so sánh bằng ở quê nhà được, nhưng ít nhất, vào ngày này, tôi vẫn được nói tiếng Việt với anh/chị/em cùng bạn bè trong hội thay vì phải nói tiếng Pháp khi đi học hằng ngày. Tôi vẫn được ăn những món ăn đặc trưng của ngày Tết, tuy không ngon và đậm đà bằng hương vị quê nhà, nhưng nó cũng đủ khiến cho tôi ấm lòng.

 

Gia Thuận lại trải qua một cái Tết xa gia đình
Gia Thuận lại trải qua một cái Tết xa gia đình



Sẽ chẳng biết tôi phải trải qua bao nhiêu cái Tết xa nhà, nhưng đối với tôi, tình yêu dành cho gia đình, bạn bè trong những ngày lễ thế này không bao giờ hết. Kết cho những dòng tâm sự, tôi xin chúc gia đình, bạn bè, cùng những người tôi thân thương một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý và dồi dào sức khỏe. Chúc cho một cái Tết thật vui tươi và năm mới thành công, mỹ mãn”.

 

Lê Nguyễn Hoài An (Paris): Cái Tết của niềm vui nhân đôi

 

Năm nay mình không đón Tết ở Việt Nam, thậm chí còn vừa từ Việt Nam sang đây. Lí do là vì bọn mình vừa về nước làm đám cưới ngay trước Tết. Với mình, Tết là dịp để đoàn tụ gia đình nên những ngày ở Việt Nam cũng chính là những ngày Tết. Cũng dọn dẹp nhà cửa, mua sắm mọi thứ rồi chuẩn bị thức ăn, tiệc tùng đón khách. - không hề khác cảnh tất bật chuẩn bị nhà cửa đón Tết là mấy.

 

Với Hoài An và chồng mới cưới, Tết năm nay là niềm vui nhân đôi
Với Hoài An và chồng mới cưới, Tết năm nay là "niềm vui nhân đôi"



Thậm chí, mình và anh-chồng-mới-cưới còn đặt vé đi du lịch Venice thăm Lễ hội Carnaval ngay trúng vào ngày đầu năm mới. Với mình, Tết năm nay tuy không thực sự được sống trong không khí Tết giống mọi người, nhưng lại chính là cái Tết “2-trong-1” vì đã được nhân đôi niềm vui”.

 

Trần Quỳnh Trang (Périgueux): Ngày đoàn tụ sau 3 mùa Tết xa nhà

 

Nhớ năm đầu tiên ăn tết xa nhà, Trang cũng xúng xính quần áo đẹp, cũng mua vé tàu xuống tận Bordeaux, nơi cách đây một tiếng rưỡi đi tàu để ăn tết. Trang đã hi vọng có thể tìm lại được chút gì đấy thân quen nhưng rút cuộc là đã đón nhận một cảm giác lạc lõng ngay giữa cộng đồng người Việt Nam.

 
Tết 2 năm sau đấy Trang không tham gia nữa. Trang tập dần với suy nghĩ Tết thì cũng là một ngày như mọi ngày mà thôi. Năm thứ 2 ăn Tết xa nhà trôi qua như mọi ngày, là một ngày trong tuần. Cả ngày Trang đi học ở trường, tối về đi làm cho một khách sạn đến hơn 11 giờ đêm rồi về nhà nấu ăn và học bài.

 

Thực sự lúc đó cũng chẳng có nhiều thời gian để suy nghĩ xem ngày nào là Tết. Trong đầu chỉ lo làm sao có thể hiểu hết bài ở trường, được điểm cao và làm sao đến cuối tháng đủ tiền để trả tiền nhà, điện nước, điện thoại…

 

Tết này Trần Quỳnh Trang quyết định về quê ăn Tết cùng gia đình
Tết này Trần Quỳnh Trang quyết định về quê ăn Tết cùng gia đình
 
 

Tết năm ngoái thì có khá khẩm hơn, Trang không còn một mình nữa nên cũng thấy vui hơn hẳn. Do bạn trai là người nước ngoài nên Trang cũng muốn người yêu hiểu được không khí tết cổ truyền của người Việt. Trước tết, Trang làm nhiều món ăn châu Á, còn chuẩn bị cả thịt bò khô, dưa muối... để ăn trong dịp Tết. Ngày Tết, hai đứa còn xuống tận Bordeaux để đi chợ Châu Á, mua bánh chưng, ăn phở, xem đốt pháo bông và cả múa lân.

 

Sau 3 năm ăn tết xa nhà, Trang nhận ra là ăn Tết ở đâu cũng không bằng ở nhà, nên năm nay Trang quyết định về nhà ăn tết. Quyết định này cũng mới đưa ra cách đây hơn một tuần thôi, và cũng là một quyết định hết sức khó khăn. Phải xin nghỉ làm trong khi công ty đang thiếu người.

 

Phải xin nghỉ học trong khi chương trình học không cho phép nghỉ một buổi nào trong suốt năm học (hậu quả là sẽ có một môn 0 điểm vì kiểm tra rơi trúng vào lúc vẫn còn đang ở Việt Nam). Và với tổng số tiền để về Việt Nam thì đủ cho sinh hoạt phí cả mấy tháng bên này. Tuy vậy, Trang vẫn không hối hận về quyết định của mình. Cái cảm giác gọi điện về nhà báo cho ba má Tết này con về thật là sung sướng không thể tả”.

 

Xin cám ơn những chia sẻ chân thành của tất cả các bạn và chúc các bạn một mùa Tết ấm áp bên gia đình.

 

MINH TRANG

Từ Montpellier, Pháp

Dòng sự kiện: Tết Việt muôn nơi