"Ẵm" học bổng toàn phần du học Australia ngay sau cuộc phỏng vấn online
(Dân trí) - Đỗ Phương Nga xuất sắc nhận được học bổng 100% du học Australia chỉ 2 tiếng sau cuộc phỏng vấn theo hình thức trực tuyến.
Xác định điểm mạnh và chứng minh năng lực
Phương Nga (sinh năm 2003, quê Phú Thọ) hãnh diện kể: "Hiện tại em đang học chuyên ngành kép Marketing và Business Analytics tại ĐH La Trobe (Australia). Em nghĩ ngành học này là một sự kết hợp hài hòa giữa sáng tạo và tư duy phân tích cũng như làm việc con số.
Đây đều là 2 ngành đang phát triển và thực sự là nó đổi mới từng ngày, có những xu thế tiêu dùng đúng trong năm nay nhưng năm sau lại không đúng nữa. Và em luôn cảm thấy hứng thú khi được cập nhật với những xu thế mới nhất, nên em thấy 2 chuyên ngành rất đúng với sở trường của bản thân".
Cuộc phỏng vấn xin học bổng của Nga diễn ra theo hình thức online và giới hạn 10-15 phút trình bày.
"Ngoài điểm GPA và các thành tích học tập khác, trường cũng chú trọng hoạt động ngoại khóa và năng lực lãnh đạo. Còn về bài luận, em bắt đầu lên ý tưởng từ khá sớm, trong vòng 4-5 tháng, em viết nhiều bản nháp khác nhau rồi sau đó mới chốt xem ý tưởng nào hay nhất.
Sau vòng đơn sẽ có một vòng phỏng vấn. Theo kinh nghiệm của em, vòng phỏng vấn chỉ đơn giản là một cơ hội để hội đồng tuyển sinh nói chuyện trực tiếp với mình để xem con người mình ở ngoài có giống với con người mà mình thể hiện trong bộ hồ sơ hay không.
Thế nên, em nghĩ cái quan trọng là câu trả lời của mình phải nhất quán với những gì mình viết trong CV hay bài luận, để làm sao họ đọc luận, nghe mình trình bày và sẽ có một bức chân dung rõ ràng về con người mình. Chẳng hạn, đây là một con người rất có đam mê về một lĩnh vực nào đó hay hứng thú với các dự án cộng đồng", Phương Nga nói.
2 tiếng sau khi cuộc phỏng diễn ra, Phương Nga nhận cuộc gọi từ trung tâm tư vấn du học với thông báo cô đã được suất học bổng 100% ngành Marketing & Business Analytics tại Đại học La Trobe. Phương Nga hết sức bất ngờ và vô cùng vui với kết quả đã đạt được.
Chia sẻ bí quyết để thành công trong một buổi phỏng vấn apply học bổng, Nga cho rằng, đầu tiên, cần biết cụ thể điểm mạnh của mình là gì. Sau đó, hãy chứng minh năng lực và sự am hiểu thông qua hoạt động, ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, nếu bạn nói bạn có năng lực lãnh đạo thì trong một chương trình nào đó bạn đã thể hiện điểm mạnh ấy ra sao… Việc đưa ra những dẫn chứng thực tế sẽ thuyết phục hơn nhiều so với việc đưa ra một danh sách ưu thế của bản thân mà không chứng minh được.
Nga cho rằng: "Nếu muốn xây dựng cái gì đó thành điểm mạnh của bản thân thì phải kiên trì và phải ưu tiên nó so với những thứ khác. Vì chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ một cách hoàn hảo, nên hãy chọn ra một vài thứ mà mình nghĩ là rất quan trọng với bản thân và tập trung sức lực, tinh thần vào những thứ đó, đừng để những thứ khác làm mình bị xao nhãng".
Tập trung vào mục tiêu nhưng đừng quên trải nghiệm
Phương Nga cho biết, trước đó cô đã được nghe bố mẹ kể về đất nước Australia khá nhiều, nên khi có ý định đi du học, cô nghĩ đến đất nước này đầu tiên.
"Em hy vọng chặng đường này sẽ giúp em trưởng thành và cứng cáp hơn. Đó là mục tiêu chính, còn những thứ khác thì chắc là tùy duyên thôi. Em không còn đặt quá nhiều áp lực vào việc phải biết đích đến cụ thể trong tương lai của mình nữa. Em vẫn có nhiều kỳ vọng về mặt học hành và sự nghiệp, nhưng em cũng nghĩ mình cũng chỉ có thể làm tốt những gì mình đang làm thôi. Bởi em đã trải qua 3 năm cấp 3 đặt một mục tiêu quá cụ thể rồi ép bản thân bằng mọi giá phải đạt được nó thì mình khó mà tận hưởng được những cái mình đang có", Nga bộc bạch thêm.
Ngoài hành trang tri thức, Phương Nga lên đường đi học với một tinh thần vững vàng, xác định được "con đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn". Nga luôn tự nhắc nhở bản thân sống theo quan điểm "Take it one day at a time" (Giải quyết mọi việc mỗi ngày một lần).
Trong cách nhìn nhận của cô gái Phú Thọ, cuộc sống là một quá trình dài học hỏi và cởi mở với việc thay đổi một quan điểm nếu bản thân nhận ra nó không còn phù hợp nữa. Theo đó: "Hồi cấp 2, em luôn cho rằng mình phải kiểm soát được tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống, không có gì là không thể, chỉ là bản thân chưa đủ nỗ lực. Còn hiện tại, em nghĩ, có những thứ buộc phải chấp nhận nó và phân biệt rạch ròi những thứ mình có thể kiểm soát và những thứ ngoài ý muốn".
Còn về quan điểm nghề nghiệp, Nga tin rằng không một đỉnh núi cao nhất, mà sẽ luôn có một đỉnh núi cao hơn. Tức là con đường phát triển sự nghiệp không phải là một đường thẳng đi từ chân núi đến đỉnh núi là hết, mà thực ra đỉnh của ngọn núi này là chân của một ngọn núi khác cao hơn. Thế nên không phải thành công một lần rồi từ đó chỉ có đi lên, mà đôi lúc sau một thành công lớn mỗi người lại trải qua một vài thất bại khác. Và chính những thất bại đó chuẩn bị cho chúng ta những bài học sâu sắc để chinh phục "ngọn núi" tiếp theo cao hơn.
Kết thúc cuộc trò chuyện, Phương Nga nhắn gửi: "Đừng chỉ dành toàn bộ thời gian tập trung vào việc apply học bổng. Em biết đối với những bạn thực sự nghiêm túc với việc đi du học thì 3 năm cấp 3 giống như một guồng quay để chuẩn bị mọi thứ cho một bộ hồ sơ hoàn hảo. Việc này khiến ta nhiều lúc quên mất là vẫn có những thứ quan trọng khác, như sức khỏe tinh thần hay vốn sống của bản thân. Hãy tập trung vào mục tiêu mình đã đặt ra, nhưng đừng ngần ngại dành một chút thời gian trải nghiệm những thứ mới".
Ảnh: NVCC