Gặp gỡ nữ du học sinh nóng bỏng từng bị miệt thị ngoại hình
(Dân trí) - Sở hữu ngoại hình cá tính, lại theo đuổi phong cách phóng khoáng từ khi còn nhỏ, Kiều Hoàng Nhật Linh sớm vun đắp ước mơ du học Mỹ và điều đó đã thành hiện thực từ khi 17 tuổi.
Kiều Hoàng Nhật Linh sinh năm 2001, hiện là sinh viên K20 - Đại học Quốc gia Hà Nội, khóa liên kết với trường Troy. Nữ sinh theo học ngành Kinh doanh quốc tế, bởi có niềm yêu thích đặc biệt với ngành nghề này, nhất là mảng xuất nhập khẩu. Ngoài ra, cô cũng thường tìm tòi về kiến thức marketing, thiết kế... để trau dồi kĩ năng phục vụ cho công việc tương lai.
Thành tích đạt được:
- Học bổng cấp 3 Trường Besant Hill (Hoa Kỳ)
- Ban chỉ đạo Student Government của trường Besant
- Trưởng nhóm tình nguyện ở Besant
- Khen thưởng của trường Besant cho thành tích học tập xuất sắc. GPA: 3.76
- Học bổng Đại học Temple (Hoa Kỳ)
- Học bổng Kelley School of Business - Indiana University (một trong những trường kinh doanh hàng đầu tại Mỹ)
- Trợ giảng cho giáo sư Đại học Indiana, môn Computer in Business
- Học bổng toàn phần Châu Âu Erasmus 2020 của VNU - Koc University cho khóa trao đổi sinh viên tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2/2022
- Troy GPA: 3.77
- UEB GPA: 3.66
- IELTS 7.0
Thể hiện cá tính qua ngoại hình
Kiều Hoàng Nhật Linh gây ấn tượng với người đối diện bởi làn da nâu khỏe khoắn, vóc dáng săn chắc và nụ cười luôn rạng rỡ, song ít ai biết cô gái này từng nhận nhiều lời bình phẩm không hay về ngoại hình.
"Nhiều người chê em da đen, nhìn em họ không nghĩ rằng em "có học", có bác phụ huynh còn không dám cho bạn chơi với em. Tuy nhiên, em vẫn giữ vững quan điểm của mình: Ngoại hình là để thể hiện cá tính của bản thân, không thể hiện những gì mình có và đạt được", cựu nữ sinh THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.
Chia sẻ thêm, Linh thừa nhận khi bước vào tuổi biết làm điệu, đỏm dáng, các bạn nữ xung quanh đều thích style Hàn Quốc nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng bản thân cô lại thấy không hợp, mà chỉ theo đuổi phong cách châu Âu, châu Mỹ.
"Đối với em, ngoại hình là một cách để thể hiện bản thân. Có thể phần nào đoán được tính cách của một số người qua cách ăn mặc hay phong thái của họ. Tuy vậy, không thể đánh giá phẩm chất của mỗi người qua ngoại hình. Cá tính không nói lên được những thành tựu, trình độ học tập hay khả năng họ có được", Nhật Linh khẳng định.
Một câu châm ngôn mà nữ sinh rất tâm đắc là "You were born to stand out, stop trying to fit in" (tạm dịch: Bạn sinh ra là để nổi bật, đừng cố gắng hòa tan - PV) của Roy T. Bennett. Câu nói này đã truyền cảm hứng cho Nhật Linh tự tin thể hiện cá tính của bản thân, bất chấp nhiều định kiến hay quan điểm trái ngược của xã hội. Cô cũng học được cách tập trung vào chính mình, phát huy những điểm mạnh mà mình có thay vì so sánh bản thân với người khác.
Hành trình du học đầy duyên nợ
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Nhật Linh cho biết cô từng có thời gian du học Mỹ từ khi lên lớp 11 tại trường Besant Hill School, và sau đó là Indiana University. Quãng thời gian du học "khác lạ" này đến với Linh như một cái duyên, và cũng là kết quả cho ước mơ xuất ngoại từ khi còn nhỏ của nữ sinh Hà Nội.
"Em may mắn được đi du học từ sớm. Trước đây, anh trai em cũng có đi du học và có nhiều thay đổi tích cực, nên bố mẹ em cũng muốn em được "ra biển lớn". Thực sự lúc đó em rất bất ngờ vì em mới hoàn thành lớp 10. Do hồi bé, em cực thích học tiếng Anh, điểm trên lớp lại khá là cao, nên em đã được nhận vào trường Besant Hill School kèm theo học bổng. Thế là sau một mùa hè với những vòng phỏng vấn, làm thủ tục, em lên máy bay sang Mỹ!" Nhật Linh kể lại.
Tuy vậy, sau 3 năm học tập bên Mỹ, do dịch Covid-19 bắt đầu bùng lên, nữ sinh quyết định tạm dừng và trở về Việt Nam. Dù không tránh khỏi cảm giác mông lung, và cũng tiếc nuối vì chưa thể quay trở lại với "giấc mơ Mỹ", song đó lại chính là cơ duyên đưa Nhật Linh đến với khóa học BSBA Troy ở ĐH Quốc gia Hà Nội, khóa học liên kết với trường Đại học Troy - Mỹ.
"Sau khi cân nhắc về bằng cấp, học phí, chất lượng và cả việc khóa học này chấp nhận các tín chỉ cũ của Indiana University, em quyết định hoàn thiện nốt 3 năm học sắp tới của mình tại đây", nữ sinh cho biết.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa 2 môi trường học tập, Nhật Linh khẳng định các thầy cô giảng viên ở Việt Nam không hề thua kém giảng viên quốc tế, thậm chí quá trình học còn diễn ra trôi chảy hơn khi du học bởi không còn rào cản ngôn ngữ. Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam đoàn kết, tập trung vào việc học và "sợ" bị trượt môn hơn các sinh viên Mỹ. Bù lại, môi trường, văn hóa phương Tây khiến các bạn trẻ tự lập sớm, từ đó trở nên tự tin, hăng hái bày tỏ chính quan điểm của mình hơn.
Dự định gần nhất của Nhật Linh là lên đường tham gia khóa trao đổi sinh viên tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2/2022 tới đây, đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Nữ sinh mong muốn mình được trải nghiệm học tập, làm việc và du lịch ở nhiều nơi trên thế giới nên luôn cố gắng học và tham gia các hoạt động ngoại khóa để làm đầy hồ sơ, tìm kiếm học bổng của mình. Cô định hướng sẽ theo đuổi ngành nghề liên quan tới kinh doanh, ngoại giao để phù hợp với tính cách sôi nổi, hướng ngoại của bản thân.
Ảnh: NVCC