"AI và đào tạo nghề cần hướng tới nhóm lao động kỹ năng thấp"

Lê Trường

(Dân trí) - Đại diện UNESCO cảnh báo trong sự phát triển của AI và đào tạo nghề, nhóm lao động không có kỹ năng nghề hoặc kỹ năng nghề thấp cần phải được chú trọng để không bị đào thải khỏi thị trường lao động.

Tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (WSC Lyon 2024) đang diễn ra tại Pháp, bên cạnh việc đua tài của các thí sinh, các chuyên gia, nhà giáo dục, doanh nghiệp có dịp tham gia hội thảo mang tên "AI và tương lai của đào tạo nghề".

Mở đầu buổi hội thảo, cựu thí sinh từng giành huy chương kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới và là một sáng lập viên của công ty khởi nghiệp tại quê nhà Shweta Ratanpura cho biết tại Ấn Độ, việc ứng dụng AI đang diễn ra rộng rãi, không chỉ trong ngành công nghệ thông tin mà được ứng dụng trong hầu hết các ngành công nghiệp, y tế, xây dựng...

Tuy nhiên việc đào tạo nghề cũng đang đối mặt với thách thức phải chuyển đổi công nghệ để các học sinh, sinh viên học nghề ra phải đáp ứng ngay được với yêu cầu của thị trường lao động. Việc học viên có đáp ứng được đòi hỏi công việc hay không cũng là tiêu chí quan trọng đối với danh tiếng của mỗi trường nghề.

AI và đào tạo nghề cần hướng tới nhóm lao động kỹ năng thấp - 1

Đại biểu Shweta Ratanpura chia sẻ về kinh nghiệm trường đào tạo nghề tại Ấn Độ thích nghi với những thay đổi công nghệ và AI (Ảnh: Vũ Phong).

Để giải quyết vấn đề này, nhiều trường nghề tại Ấn Độ đã sớm chuẩn bị bằng cách chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp thuê hoặc mượn máy móc để thực hành, đưa học sinh của mình tới các doanh nghiệp để thực tập. Kết quả của các em phần lớn sẽ được chính các doanh nghiệp, nhà máy đánh giá, thông báo điểm tới nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cử các giáo viên tham gia các chương trình huấn luyện, các cuộc thi nghề trong khu vực và thế giới để xác định được nghề đó được định vị ra sao trong 5-10 năm tới, thậm chí xa hơn, để từ đó cùng lãnh đạo trường thiết kế bài giảng, tính toán khả năng cung cấp trang thiết bị, kiến thức cần thiết tới học sinh, sinh viên của mình.

"Không có cách nào khác, tin học hóa, AI, chuyển đổi năng lượng xanh, những bước tiến như vũ bão về công nghệ và yêu cầu nghề đòi hỏi mỗi trường nghề xác định thế mạnh cốt lõi, nhu cầu thực sự của nghề liên quan tại thị trường lao động, đòi hỏi các trường cần sự linh hoạt, cập nhật liên tục về khung chương trình để học sinh, sinh viên không bị sớm đứng ngoài lề thị trường lao động ngay khi tốt nghiệp", Shweta Ratanpura khẳng định.

AI và đào tạo nghề cần hướng tới nhóm lao động kỹ năng thấp - 2

Lãnh đạo của nhiều tập đoàn lớn như Autodesk, Microsoft, Linkedin, Festo Didactic là khách mời chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Vũ Phong).

Cũng tại hội thảo, ông Borhene Chakroun, Giám đốc Chính sách và Hệ thống Học tập suốt đời tại UNESCO đưa ra lời cảnh báo: "Chúng ta cần nghĩ đến việc nâng cao kỹ năng cho những người yếu thế và bị ảnh hưởng nặng nề từ biến động, yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hiện nay, chưa đến 4% người đến tuổi lao động không có kỹ năng nghề hoặc có kỹ năng thấp tham gia học nghề. Việc bồi dưỡng những người đã có kỹ năng tốt là cần thiết để đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn với công nghệ mới. Nhưng chúng ta cũng không được bỏ quên một số lượng lớn đối tượng trên. Chúng ta không thể bỏ lại bất kỳ ai phía sau".

Ông Mike Haley, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu của tập đoàn Autodest, cho biết: "Tôi phụ trách nhóm nghiên cứu lớn về AI và tôi có thể nói rằng chúng ta chỉ mới chỉ nghiên cứu được 5% - 10% giá trị cốt lõi của AI.

Những điều AI đã thực hiện được mà chúng ta nghĩ rằng "làm thay đổi kinh ngạc cả thế giới" mới chỉ là những bước rất sơ khởi cho những gì AI thực sự có thể làm được trong tương lai.

AI và đào tạo nghề cần hướng tới nhóm lao động kỹ năng thấp - 3

Thí sinh Hàn Quốc Jeong bo thực hiện nghề thi Công nghệ nước (Ảnh: Vũ Phong).

Công tác đào tạo nghề thích ứng ra sao với AI hay ngược lại, đó là câu hỏi về sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường. Một khi có sự gắn kết và cập nhật liên tục giữa các bên, đào tạo nghề sẽ không còn là kiến thức suông.

"Các cơ sở đào tạo nghề cũng cần tạo được cho các học viên những giá trị phổ quát, cốt lõi nhất với thị trường, tạo cho các em sự linh hoạt khi bước vào thị trường lao động.

Giống như các em cần được huấn luyện những kỹ năng cơ bản như giữ bóng, sút bóng hay thái độ chuyên nghiệp trước khi trở thành những tiền đạo, hậu vệ xuất sắc ở mỗi ngành mình tham gia", ông Haley ví von.

Hôm nay (14/9) là ngày thi thứ 4 và cũng là buổi thi cuối cùng của các thí sinh tại WSC Lyon 2024. Theo kế hoạch, tối 15/9 theo giờ địa phương, lễ bế mạc và trao giải sẽ diễn ra.

Đoàn Việt Nam có 12 thí sinh tranh tài ở 9 nghề là lắp cáp mạng thông tin, cơ điện tử, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, tiện CNC, phay CNC, robot di động, sơn ô tô, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin và công nghệ công nghiệp 4.0.

Lần gần đây nhất, tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 năm 2022, đoàn Việt Nam đoạt hai tấm huy chương bạc. Đây cũng là thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam trong các lần tham gia kỳ thi kỹ năng nghề thế giới.

Lê Trường

(Từ Lyon, Pháp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm