Buổi đầu thi kỹ năng nghề thế giới: Thí sinh Việt Nam khởi đầu thuận lợi

Lê Trường

(Dân trí) - Trong buổi đầu tiên của kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (WSC Lyon 2024), các thí sinh Việt Nam có khởi đầu khá suôn sẻ, hoàn thành theo đúng yêu cầu đề ra tại một số môn thi.

Buổi đầu thi kỹ năng nghề thế giới: Thí sinh Việt Nam khởi đầu thuận lợi - 1

Thành Đạt khởi đầu thuận lợi tại nghề thi phay CNC (Ảnh: Vũ Phong).

Sau một ngày được làm quen với thiết bị, máy móc và dự đêm khai mạc giàu cảm xúc tại LDLC Arena (Lyon, Pháp), vào sáng 11/9 giờ địa phương (tức đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam), cùng với hơn 1.400 thí sinh khác, các thí sinh Việt Nam đã chính thức bước vào buổi thi đầu tiên của WSC Lyon 2024.

Ở nghề thi phay CNC, được biết thí sinh thực hiện nội dung theo bản vẽ với vật liệu bằng nhôm, và có tối đa 4 giờ 15 phút thực hiện. Với tâm lý tốt, thí sinh Phạm Thành Đạt của đoàn Việt Nam đã hoàn thành bài trong khoảng thời gian cho phép, đồng thời cũng không để xảy ra lỗi về máy tính hay máy gia công.

Trong buổi tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, Thành Đạt sẽ bước vào bài thi thứ hai là lập trình với máy trong 2 giờ 45 phút.

Buổi đầu thi kỹ năng nghề thế giới: Thí sinh Việt Nam khởi đầu thuận lợi - 2

Thiết bị do Cù Đức Hiếu điều khiển khi làm bài gặp lỗi cần sự can thiệp của chuyên gia (Ảnh: Vũ Phong).

Tại nghề thi sơn ô tô, thí sinh Nguyễn Minh Dũng cũng sớm hoàn tất bài thi. Tuy nhiên, tại nghề thi này, Dũng gặp phải sự cạnh tranh lớn bởi thí sinh các nước dự thi được đầu tư rất bài bản, được chuẩn bị công phu và có sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, máy móc hiện đại.

Vì vậy theo chuyên gia Trần Văn Thanh của nghề sơn ô tô tại kỳ thi, thí sinh cần bình tĩnh tự tin, tập trung làm chắc từng bài thi của mình và luôn ghi nhớ những gì đã học không bị cuống trong khi thực hiện nội dung.

Buổi đầu thi kỹ năng nghề thế giới: Thí sinh Việt Nam khởi đầu thuận lợi - 3

Thí sinh Lê Duy Linh thực hiện bài thi đầu của nghề lắp cáp mạng thông tin (Ảnh: Vũ Phong).

Tại nghề thi lắp cáp mạng thông tin, sau những phút đầu có chút căng thẳng, thí sinh Lê Duy Linh cũng dần hoàn thành nội dung (modul) đầu tiên.

Được biết tại nghề lắp cáp mạng, nam sinh trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long phải cạnh tranh với thí sinh đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong đó có các đoàn rất mạnh luôn thuộc top đầu kỳ thi kỹ năng nghề như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil, Colombia, Singapore và một vài nước lần đầu tiên tham gia.

Thí sinh Cù Đức Hiếu thực hiện bài thi tiện CNC khá trôi chảy. Tuy nhiên do lỗi khách quan liên quan tới thiết bị, cần sự can thiệp của giám khảo, chuyên gia nghề nên thí sinh Việt Nam được cộng thêm thời gian để hoàn tất bài thi. Sáng 12/9 (theo giờ Việt Nam), Hiếu sẽ tiếp tục modul thứ hai của nội dung tiện CNC.

Buổi đầu thi kỹ năng nghề thế giới: Thí sinh Việt Nam khởi đầu thuận lợi - 4

Thí sinh Hồ Chí Nguyên tại modul đầu tiên của nghề quản trị mạng thông tin (Ảnh: Vũ Phong).

Tình hình buổi thi đầu khá thuận lợi cũng diễn ra đối với các thí sinh Việt Nam ở các nghề còn lại như quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, cơ điện tử, công nghiệp 4.0, robot di động.

Theo ông Tô Huỳnh Thiên Trường, chuyên gia Kỹ năng nghề thế giới, chuyên gia trưởng ASEAN và Việt Nam nghề lắp cáp mạng thông tin, kỳ thi kỹ năng nghề thế giới là sân chơi kỹ năng và công nghệ lớn nhất hành tinh dành cho những thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho các quốc gia.

Do đó khi tham gia dự thi các thí sinh cần bình tĩnh, tránh bị áp lực, từ đó thể hiện tốt nhất kỹ năng của mình. Đồng thời kỳ thi là một chuỗi gần 10 ngày với nhiều sự kiện khác nhau nên các thí sinh cũng cần chuẩn bị và giữ gìn sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần để có thể hoàn thành tốt cũng như trải nghiệm được toàn bộ kỳ thi.

Buổi đầu thi kỹ năng nghề thế giới: Thí sinh Việt Nam khởi đầu thuận lợi - 5

Trước đó trong buổi làm quen với máy của các thí sinh, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường đã tới động viên các thí sinh Việt Nam tại WorldSkills 2024 (Ảnh: Vũ Phong).

Được biết, tại WSC Lyon 2024, trong số các nghề mà thí sinh Việt Nam tham dự, nghề thi cơ điện tử có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất với 36 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, tiếp theo là thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD (31), phay CNC (26), tiện CNC, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin (25).

Lê Trường

(Từ Lyon, Pháp)