83 tuổi vẫn “say” đứng lớp
(Dân trí) - Là giáo viên Toán, nhưng bà giáo Đàm Lê Đức có nhiều trăn trở với việc học lễ nghĩa, kỹ năng mềm của học trò và các giá trị trong cuộc sống. Đã ở tuổi 83, hàng tuần cô vẫn đứng lớp 4 - 5 tiết dạy về đạo đức.
Dạy trò làm người
Học trò Trường bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, TPHCM - nơi học sinh (HS) học thêm và gần đây là Trường THCS - THPT Đức Trí, TPHCM đã rất quen thuộc với hình ảnh bà giáo Đàm Lê Đức với bộ áo dài, giọng sang sảng trong tiết dạy về Đức dục - Trí dục.
Bao nhiêu năm nay, hàng tuần cô Đức đều đặn lên lớp giảng bài về đạo đức cho học trò với giáo án cho chính mình biên soạn tập trung vào các nội dung: hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô và thân ái với bạn bè.
Những bài giảng của cô Đức không quá cầu kỳ, không mang tính giáo huấn, khuyên răn mà là những điều rất giản dị, đời thường trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng nhận ra.
Có khi giảng bài xong, cô nhẹ nhàng hỏi học trò: “Bố mẹ chính là người thầy đầu tiên và lớn nhất trong cuộc đời mỗi người. Vậy đã bao giờ ngày 20/11, em nào tặng cho bố mẹ một món quà, bông hoa hay lời cảm ơn chưa?”
Giờ học nào cũng vậy, lời giảng mộc mạc, chân thành của cô Đức làm nhiều học trò rơi nước mắt, nhiều tiếng nức nở vang lên. Đó cũng là niềm hạnh phúc của bà giáo già vì theo cô đó là giọt nước mắt của nhận thức và thấu cảm.
Nhiều học trò nghe cô giảng bài xong đã thốt lên: “Giá như con được nghe điều này sớm hơn thì con đã không như thế này. Bài giảng của cô giúp con nhận ra nhiều điều”.
Cô Đức tâm niệm, đạo đức con người là trên hết, nhất là ở lứa tuổi phổ thông, ngoài việc học chữ thì việc học làm người quan trọng vô cùng. Thế nên, cô biên soạn môn Đức dục - Trí dục, HS học thêm tại Trường bồi dưỡng 218 Lý Tự Trọng cũng phải học.
Tuy nhiên, không như các môn học khác, việc mời được giáo viên dạy đạo đức rất khó nên chính cô giáo đứng lớp. Cô Đức đã truyền cảm hứng cho rất nhiều giáo viên bộ môn khác khác về môn đạo đức. Đến nay, khi mình cô không thể trực tiếp giảng dạy được hết số lớp tại hai ngôi trường trên thì môn học này được giao cho giáo viên Giáo dục công dân.
Bà giáo “cầu nối”
Cô Đức chia sẻ, dạy đạo đức cho tuổi mới lớn trước hết phải xuất phát bằng chính tấm lòng và sự chân thành của mình. Cô đưa môn học Đức dục - Trí dục vào trường học không phải thực hiện cho có mà cô làm tới nơi tới chốn, theo sát sự thay đổi trong cách ứng xử của học trò. Sau bài dạy, HS sẽ làm bài thu hoạch, qua đó cô nắm được hoàn cảnh, tâm tư, chia sẻ của các em.
Nhiều lần chứng kiến cảnh phụ huynh chở con đến trường, hoặc ngồi chờ con vào học hàng giờ đồng hồ nhưng các em đi thẳng không chào, không cảm ơn bố mẹ lấy một tiếng, cô giáo Đức không khỏi buồn lòng. Và xót xa không kém khi nhiều học trò tâm sự: “Con không thiếu cái gì cả, thích cái gì cũng có nhưng con thèm một bữa ăn gia đình”.
Cô thấy rằng, chỉ giáo viên dạy HS về đạo đức là chưa đủ, phải làm sao để phụ huynh cũng phải hiểu để trở thành người bạn đồng hành của
Cô Đàm Lê Đức sinh năm 1932 tại Quảng Ninh. Năm 25 tuổi, cô đỗ vào khoa Toán ĐH Tổng hợp và từ năm 1983 cô dạy Toán tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Năm 1995, cô thành lập Trường bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng. Năm 2010, cô thành lập trường THCS - THPT Đức Trí với mục tiêu giáo dục toàn diện. |
Có phụ huynh gọi điện cho cô Đức rơi nước mắt khi họ đón nhận tình cảm của con cũng như họ nhận ra thiếu sót của mình. Đây chính là liều thuốc tiếp thêm sức khỏe để cô Đức vẫn dành thời gian lên bục giảng khi mà công việc quản lý ở trường học vốn đã rất bận bịu.
Bà giáo 83 tuổi ấy luôn chạy thoăn thoắt để kịp lo việc này đến việc khác, những người biết về cô nói rằng chỉ thấy cô Đức chạy chứ chẳng thấy cô bước đi bao giờ. Không chỉ dạy ở trường, hiện nay rất tại nhiều chương trình giao lưu với phụ huynh, HS ở TPHCM, cô Đức tham gia rất nhiệt tình để chia sẻ tâm huyết của mình về các giá trị sống.
Thấy cô Đức giảng dạy, đi nói chuyện hăng say, nhiều người thắc mắc: "Đến tuổi này sao cô có thể làm việc hăng say đến vậy", cô Đức cười: “Mình chưa lúc nào thấy mệt mỏi, cứ lên bục giảng là hết mệt”.Cô nói rằng, mình còn khỏe, còn làm được rất nhiều việc. Với cô nghề giáo thiêng liêng và cao cả vô cùng, cô sẽ là “bà giáo Đức” đứng trên bục giảng cho đến khi không thể đứng lớp. Cô lạc quan nói rằng mình đó là lúc mình nhắm mắt xuôi tay, an lòng bước sáng kiếp khác… khi đã sống một đời đẹp đạo với nghề, với cuộc sống.
Hoài Nam