8 học sinh đánh bạn đến rối loạn tâm thần đang được điều trị tâm lý

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Ngoài hỗ trợ cho cháu K., Trung tâm công tác xã hội Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đang điều trị tâm lý cho 8 học sinh đánh bạn đến rối loạn tâm thần.

Liên quan vụ việc cháu V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội), bị nhóm bạn đánh hội đồng nhiều lần đến rối loạn tâm thần, bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Tổng đài 111 đang phối hợp cùng Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội hỗ trợ gia đình trong việc điều trị cho K.

Theo bà Hải, sau khi kết thúc việc hỗ trợ miễn phí tâm lý đợt 1 cho K., Tổng đài 111 đang theo dõi, đánh giá tình trạng của nam sinh này để tiếp tục hỗ trợ miễn phí tâm lý đợt 2.

Ngoài ra, theo Trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em, Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đồng thời đang tiến hành hỗ trợ tâm lý cho 8 cháu học sinh tham gia đánh K.

8 học sinh đánh bạn đến rối loạn tâm thần đang được điều trị tâm lý - 1

Em K. (áo cam) bị nhóm bạn đánh hội đồng dẫn đến rối loạn tâm thần (Ảnh: Minh Quang).

Ở góc độ cơ quan bảo vệ trẻ em, bà Hải nêu quan điểm, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ, không chỉ nạn nhân mà cả những em tham gia đánh bạn đều cần được bảo vệ.

"Những ngày qua, song song với việc hỗ trợ K. và gia đình, Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đã cử 4 cán bộ trực tiếp xuống hỗ trợ tâm lý cho 8 cháu tham gia đánh bạn. Dù sao các cháu cũng là trẻ em và cũng cần được bảo vệ trước sức ép của dư luận.

Chúng tôi đã phối hợp cùng Trung tâm công tác xã hội hỗ trợ các gia đình của nhóm học sinh đánh bạn những kỹ năng ứng phó với dư luận để bảo vệ con, cũng như có những biện pháp giáo dục các cháu", bà Hải nói.

Tiến sĩ (TS) Phạm Thị Thúy - chuyên gia xã hội học và tâm lý học cho rằng, các vụ bạo lực học đường đang bị xử lý mang tính hình thức và hành chính hóa, không thực sự đi vào giải quyết nguyên nhân sâu xa của vụ việc.

"Đây là nguyên do khiến bạo lực học đường tái đi tái lại, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước", TS Phạm Thị Thúy nhận định.

Theo bà Thúy, để làm được việc lắng nghe, đối thoại, thấu hiểu với cả hai phía gồm nạn nhân và thủ phạm bạo lực học đường, rất cần sự hiện diện của chuyên viên tham vấn tâm lý học đường.

"Các giáo viên không được đào tạo về kỹ năng, kiến thức tham vấn tâm lý sẽ không đảm đương được", bà Thúy nói.

8 học sinh đánh bạn đến rối loạn tâm thần đang được điều trị tâm lý - 2

K. đang được hỗ trợ, điều trị bệnh rối loạn tâm thần (Ảnh: Minh Quang).

Nữ chuyên gia xã hội học và tâm lý học cho rằng, các trường học cần những buổi tập huấn sâu cho học sinh đang có vấn đề bạo lực về sự tôn trọng và cách quản lý xung đột, cung cấp cho các em kỹ năng, cách thức kiểm soát cảm xúc bất đồng tuổi mới lớn, hóa giải mâu thuẫn.

Dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho học sinh bị đánh và học sinh đánh bạn cũng rất cần thiết. Học sinh phải hiểu rõ hành vi của mình sai ở đâu và chịu trách nhiệm gì về hành vi sai đó. Từ đó, học sinh mới không mắc phải sai lầm tương tự.

Theo TS Phạm Thị Thúy, để giải quyết căn cơ vấn đề bạo lực học đường, người lớn cần phải thay đổi trước. Những người lớn, phụ huynh, giáo viên hợp tác với nhau như thế nào để cùng chung tay xây dựng trường học hạnh phúc, một môi trường học tập có yêu thương, tôn trọng, an toàn.