Vụ nam sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng: Thủ phạm cũng là nạn nhân

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng, trong vụ nam sinh lớp 7 bị bạn đánh đến rối loạn tâm thần, người gây ra tội lỗi cũng là nạn nhân của yếu tố giáo dục, môi trường sống.

Thời gian qua, vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận như một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề bạo lực học đường.

Vụ việc để lại hệ quả nghiêm trọng khi nạn nhân là học sinh lớp 7 bị rối loạn phân ly (một dạng của rối loạn tâm thần), đáng chú ý cả nạn nhân và thủ phạm đều đang ở độ tuổi trẻ em.

Bàn về câu chuyện này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, vấn đề bạo lực học đường như là góc khuất của trường học, nó tồn tại mọi nơi, mọi quốc gia.

Theo Cục trưởng Cục trẻ em, nếu những đối tượng bạo hành cháu K. là người lớn thì dư luận có thể lên án mạnh mẽ và yêu cầu pháp luật trừng trị, đòi lại công bằng cho người bị nạn.

"Còn trong trường hợp này chúng đều là những đứa trẻ. Ở góc độ nào đó, những đứa trẻ trong các sự việc bạo lực, kể cả là nạn nhân hay thủ phạm đều là nạn nhân của yếu tố giáo dục, môi trường sống.

Vụ nam sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng: Thủ phạm cũng là nạn nhân - 1

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Trẻ chưa thành niên hoàn toàn non nớt về thể chất và trí tuệ. Cho dù các em gây ra những tội lỗi, nhưng phải lấy ứng xử yêu thương, giáo dục nghiêm khắc, không nên dùng phương pháp bạo lực", ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, người gây ra tội lỗi phải xử lý nghiêm khắc, quan điểm cảm xúc đó không sai, nhưng phải nghĩ sâu xa hơn để có phương pháp giải quyết tốt đẹp hơn.

Lãnh đạo Cục trẻ em nêu quan điểm, với bất kỳ ai, kể cả trẻ em, đều phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những hình phạt đối với trẻ chưa thành niên thì nên lấy nguyên tắc kiên trì để hướng các em trở thành con người tốt.

"Nếu pháp luật quy định thì phải áp dụng biện pháp nghiêm khắc. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam quy định, dù áp dụng biện pháp hành chính hay hình sự thì vẫn tuân thủ nguyên tắc chủ yếu là giáo dục để các em có cuộc sống tốt hơn", ông Nam bày tỏ.

Ông Nam phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường, trong đó có vụ việc xảy ra tại trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

"Hiện tại, môi trường sống, đặc biệt trên không gian mạng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ em. Các chất liệu về tình dục, bạo lực tràn ngập trên không gian mạng. Do đó, người lớn phải tìm cách hạn chế việc trẻ tiếp cận môi trường độc hại trên mạng.

Còn trong gia đình, nếu cha mẹ không nêu gương, uốn nắn con trẻ hướng đến những điều tốt đẹp, mà lại cổ vũ cho hành vi bạo lực, ân oán trả thù, ứng xử không chuẩn mực… cũng tác động tiêu cực đến con trẻ.

Đặc biệt, trong môi trường học đường, trước hết thầy cô phải là người làm gương cho trẻ, phải tôn trọng học sinh, tránh sử dụng hình phạt bạo lực dẫn đến "bạo lực sinh ra bạo lực", ông Nam trao đổi.

Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, muốn giải quyết tốt vấn đề bạo lực học đường, giáo dục cần phải phát triển công tác tham vấn tâm lý học đường để ngăn chặn từ sớm, từ xa các vụ việc liên quan đến bạo lực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm