6 câu hỏi cha mẹ cần đặt ra trước khi mua cho con chiếc điện thoại đầu tiên
(Dân trí) - Khi con lớn dần, cha mẹ sẽ phải nghĩ tới việc mua cho con một chiếc điện thoại riêng. Dù vậy, với quy định hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học, nhiều cha mẹ đang có nhiều băn khoăn.
Theo một khảo sát mới thực hiện bởi nhà mạng Vodafone (Anh), 83% phụ huynh tại Anh thấy cần mua điện thoại cho con để tiện liên lạc với con. Dù vậy, 67% phụ huynh muốn mua điện thoại "cục gạch" cho con trước khi để con sử dụng điện thoại thông minh.
Điện thoại "cục gạch" với tính năng cơ bản gồm nghe gọi, nhắn tin đang được nhiều phụ huynh phương Tây ưa chuộng. Những chiếc điện thoại như thế này dù có khả năng bắt sóng 4G nhưng lại không dễ dàng vào mạng bởi thiết kế tối giản, không ưu tiên việc truy cập Internet.
Với những chiếc điện thoại "cục gạch" như vậy, cha mẹ vẫn có thể liên hệ với con và lại an tâm hơn bởi con không dễ dàng tiếp cận những nội dung độc hại trên mạng.
Bà Emma Robertson, người sáng lập công ty Digital Awareness UK, một đơn vị chuyên hợp tác với các nhà mạng để cung cấp các kiến thức sử dụng công nghệ an toàn, đã khuyến nghị 6 câu hỏi cha mẹ nên tự hỏi bản thân trước khi quyết định mua cho con chiếc điện thoại riêng đầu tiên, đặc biệt nếu đó là điện thoại thông minh.
Con bạn đã biết tự kiểm soát bản thân chưa?
Hãy quan sát xem con bạn dành bao nhiêu thời gian cho điện thoại. Khi quan sát năng lực tự kiểm soát của con, bạn hãy xem con có thể tự xác lập sự cân bằng trong sinh hoạt không.
"Con có thể thích sử dụng điện thoại, nhưng con cũng cần biết cách đảm bảo những việc quan trọng khác trong cuộc sống. Tín hiệu quan trọng nhất chính là cách con đang sử dụng những thiết bị điện tử có sẵn trong nhà, như laptop, máy tính bảng, máy chơi trò chơi điện tử...", bà Emma cho hay.
Liệu con có bị những thiết bị này "mê hoặc" tới mức bị ảnh hưởng tới thói quen ngủ, các hoạt động thể chất hay quá trình tương tác với bạn bè, gia đình hay không.
Nếu trẻ vẫn chật vật tìm cách cân bằng việc sử dụng điện thoại, đó cũng là việc bình thường. Lúc này, con chưa nên có điện thoại riêng, đặc biệt là điện thoại thông minh. Bạn cần phải hỗ trợ con có thói quen sử dụng thiết bị điện tử lành mạnh hơn.
Cụ thể, cha mẹ hãy đặt ra những giới hạn thời gian rõ ràng, tạo nên thời gian biểu cụ thể, trong đó quy định khung giờ con có thể sử dụng thiết bị điện tử. Trong giai đoạn đầu, bạn cần giám sát con. Ngoài ra, chính bạn cũng cần thể hiện những thói quen tốt trong việc sử dụng điện thoại để làm gương cho con.
Nhiều cha mẹ cho biết, việc cho con sử dụng điện thoại "cục gạch" ở giai đoạn đầu sẽ giúp con kiểm soát bản thân tốt hơn khi có điện thoại riêng. Dù vậy, trẻ có thể sẽ sớm đòi được mua điện thoại thông minh, đó là điều cha mẹ cũng cần cân nhắc.
Cùng con ngồi lại để thống nhất những gì?
Khi quyết định mua điện thoại cho con, cha mẹ hãy ngồi lại để cùng con để thống nhất về cách sử dụng chiếc điện thoại một cách hữu ích. Cha mẹ cần thống nhất về những ứng dụng, những trò chơi điện tử mà con có thể chơi trên điện thoại sao cho phù hợp với lứa tuổi.
Cha mẹ cũng cần thống nhất về cách đôi bên sẽ liên hệ với nhau khi có việc cần. Có nhiều thứ cần thống nhất nhưng cơ bản cha mẹ cần giúp con hiểu được những giới hạn, để chiếc điện thoại đưa lại những lợi ích tốt nhất cho con.
Lý do khiến bạn mua điện thoại cho con là gì?
Đa số cha mẹ mua điện thoại cho con bởi muốn an tâm hơn, để cha mẹ và con có thể liên lạc nhanh chóng. Đối với trẻ nhỏ, việc có điện thoại nhiều khi là để theo kịp bạn bè, để có thể tham gia vào các tương tác trên mạng xã hội với bạn bè. Điều đó giúp trẻ cảm thấy hòa đồng và tự tin hơn.
Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng có một chiếc điện thoại thông minh đòi hỏi trẻ phải biết hành xử trách nhiệm, phải biết cân nhắc để tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Cha mẹ cũng cần dạy con cách cất giữ điện thoại để không bỏ quên, làm rơi, làm mất.
Có phải con đang bị áp lực chạy đua theo bạn bè không?
Cảm thấy cần phải có thứ gì đó giống như những người xung quanh mình là một thứ áp lực rất tự nhiên đối với cả trẻ nhỏ và người lớn. Nhưng nếu chỉ vì bạn bè mà con muốn mua điện thoại thông minh, vậy bạn chưa nên mua ngay cho con.
Theo chuyên gia Emma, đây có thể là cơ hội để cha mẹ dạy trẻ cách thoát khỏi tâm lý đám đông, không hành động theo thị hiếu của người khác. Bạn hãy nói cho con hiểu rằng lý do khiến con đưa ra một quyết định, không nên là vì "mọi người khác đều như thế".
Hãy thống nhất với con về một thời điểm phù hợp hơn để bạn cho con sở hữu một chiếc điện thoại riêng. Có thể những cuộc đối thoại này sẽ không dễ dàng, trẻ sẽ có nhiều phản ứng tiêu cực nhưng đây là những đối thoại cần thiết để con học cách tư duy độc lập, tự chủ, không a dua. Xuyên suốt quá trình đối thoại, cha mẹ nên từ tốn, nhẹ nhàng, tỏ ra thấu hiểu và cảm thông với con.
Bạn có cần liên hệ với những phụ huynh khác không?
Nếu cảm thấy băn khoăn trước việc đã nên cho con sử dụng điện thoại chưa, bạn có thể chủ động liên hệ với các phụ huynh khác để được chia sẻ kinh nghiệm.
Đặc biệt, bạn nên liên hệ với những phụ huynh là cha mẹ của những trẻ hay chơi với con. Nếu những phụ huynh này cũng chưa cho con sở hữu điện thoại riêng, hoặc chỉ mua cho con điện thoại "cục gạch", như vậy tình huống sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Mỗi phụ huynh sẽ có cách hành động khác nhau, nhưng nếu một nhóm phụ huynh có con hay chơi với nhau lại có thể cùng chia sẻ quan điểm với nhau, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Làm thế nào để đảm bảo con sử dụng điện thoại đúng cách?
Giúp con hiểu được những lợi ích và nguy cơ khi sử dụng điện thoại thông minh là một quá trình kéo dài. Ban đầu, bạn hãy giúp con học cách sử dụng các ứng dụng nhắn tin, các mạng xã hội mà con muốn dùng để kết nối với bạn bè. Tiếp đến, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của trẻ, cha mẹ cần giúp con học cách vào mạng an toàn, tiếp cận các nội dung một cách có trách nhiệm.
Khi có những vấn đề cần giúp đỡ, con có thể tìm tới cha mẹ. Điều quan trọng là con được cha mẹ cung cấp những kiến thức cơ bản, được hỗ trợ khi cần. Dần dần, con sẽ học được cách tự quản lý việc sử dụng điện thoại sao cho hiệu quả, an toàn.