5 nhóm ngành mũi nhọn nhưng thí sinh lại "không muốn vào"
(Dân trí) - Đó là những nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường.
Thông tin trên do Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2021 ngày 25/3.
Trong năm 2020 có 5 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp nhất, bao gồm: Khoa học tự nhiên (41,43%), Nông lâm ngư nghiệp và thủy sản (43,91%), Dịch vụ xã hội (49,98%), Khoa học sự sống (54,43%), Môi trường và bảo vệ môi trường (65,28%).
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, đây là những nhóm ngành học mũi nhọn, xã hội đang rất cần nguồn nhân lực cao ở lĩnh vực này nhưng lại khó tuyển sinh.
Theo bà Thủy cũng cho biết, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020.
Bộ chỉ bổ sung thêm một số quy định nhằm thuận lợi hơn cho thí sinh như được đăng ký nguyện vọng bằng 1 trong 2 hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu.
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học, thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, lọc ảo…
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2020, số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) là 900.066 em. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH là 643.271 em; số thí sinh xét bằng kết quả học bạ là 256.795 em.
Tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH, CĐ là 541.301. Trong đó, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 307.281, chiếm 56,77%; xét học bạ là 234.020, chiếm 43,23%.
Chỉ tiêu vào sư phạm là 58.360. Trong đó, xét học bạ là 32.923, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 25,534.
Số mã tuyển sinh là 323/337, trong đó sư phạm là 104. Số nguyện vọng là 2.48.288, sư phạm là 115. 374.
Tổng số nguyện vọng sau điều chỉnh: 2.587.977.
Về những hạn chế trong tuyển sinh năm 2020, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, nhiều trường chưa kiểm soát được các điều kiện sơ tuyển, đến khi nhập học thí sinh mới phát hiện không trúng tuyển do chưa đủ điều kiện.
Ngoài ra, một số trường còn nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố trước đó; báo cáo thí sinh nhập học thiếu, không nhập hoặc nhập không đúng thời gian quy định, cấu trúc.
Một số cán bộ mới làm công tác tuyển sinh nên chưa nắm bắt được các quy trình và nhiệm vụ, thậm chí để xảy ra sai sót không đáng có.
Thí sinh và cán bộ tại một số điểm tiếp nhận chưa nắm vững quy chế, quy định về đăng ký xét tuyển, đối tượng ưu tiên, không thực hiện hết quy trình điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đăng ký vào các ngành, trường không đủ điều kiện sơ tuyển…
Ngoài ra, một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỷ lệ học sinh đỗ ĐH bằng cách khuyến khích một số thí sinh không có nguyện vọng học ĐH nhưng vẫn tham gia đăng ký xét tuyển.
"Các hạn chế trên, các cơ sở giáo dục cần khắc phục trong mùa tuyển sinh năm 2021" - lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.