Thi trắc nghiệm ngoại ngữ:

5 “bí quyết” đạt điểm cao

“Thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản vì các câu hỏi chắc chắn không quá khó. Thí sinh chỉ có khoảng 1 - 2 phút cho mỗi câu. Không nên ôn tập theo kiểu học tủ của bài thi tự luận”, là lời khuyên chân thành của PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa (ĐH Quốc gia TPHCM).

TPHCM đang gấp rút chuẩn bị ngân hàng đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ, tổ chức cho học sinh thi thử qua các bài kiểm tra 15 phút, 30 phút, 1 tiết.

 

Ngày 6/10, ông Nguyễn Hoài Chương, Trưởng Phòng THPT Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết trong các ngày 11, 12, 13- 10 sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn về phương pháp làm bài thi trắc nghiệm cho giáo viên dạy môn ngoại ngữ các tỉnh phía Nam, sau đó Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiến hành tập huấn cho giáo viên các trường vào cuối tháng 10 này.

 

Ngân hàng đề thi các môn đã sẵn sàng

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa khẳng định, ĐH Quốc gia TPHCM đã có đủ ngân hàng đề thi trắc nghiệm không chỉ cho môn Anh văn mà còn cả các môn khác như: toán, lý, hóa, Pháp, Trung, Nga. ĐH Quốc gia TPHCM sẵn sàng tham gia đóng góp đề thi trắc nghiệm trong các kỳ thi do Bộ GD-ĐT, trường, ngành... tổ chức. Sau mỗi kỳ thi, những câu hỏi không hay (thí sinh điểm cao làm không được, thí sinh điểm kém làm được do chọn ngẫu nhiên) sẽ được loại bỏ và bổ sung thêm câu hỏi mới. Hiện tại, ĐH Quốc gia TPHCM đã có máy chấm thi với tốc độ 1.000 bài/giờ.

Hiểu cặn kẽ để suy luận, làm bài

 

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về công tác chuẩn bị cho học sinh làm quen với phương pháp thi trắc nghiệm, ông Chương cho biết ngay sau đợt tập huấn này, các trường THPT trên toàn TP sẽ dành thời gian hướng dẫn cho học sinh, nhất là học sinh lớp 12, cách làm bài thi trắc nghiệm. Hiện sở đã nhận được mẫu đề thi trắc nghiệm khách quan của Bộ GD-ĐT gởi vào.

 

Từ mẫu này, sở sẽ nghiên cứu cùng với các nguồn đề thi khác để xây dựng thành ngân hàng đề thi. Kế hoạch thi thử cho học sinh cũng đã được sở chỉ đạo cho các trường, theo đó đưa thường xuyên đề thi trắc nghiệm vào các bài kiểm tra 15 phút, 30 phút và 1 tiết, đến tháng 1-2006 tổ chức thi thử trên toàn quốc theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.

 

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng Ban Đào tạo sau ĐH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), đưa ra lời khuyên: Học sinh phải học theo hướng hiểu cặn kẽ, từ đó suy luận để làm được bài. Thứ nhất, học sinh phải học đầy đủ kiến thức từ sách giáo khoa (học rộng) vì bài thi gồm nhiều câu hỏi nhỏ trải khắp chương trình. Thứ hai, phải nắm vững kiến thức cơ bản vì các câu hỏi chắc chắn không quá khó. Thí sinh chỉ có khoảng 1 - 2 phút cho mỗi câu. Không nên ôn tập theo kiểu học tủ của bài thi tự luận. Thứ ba, thí sinh cần có sự khéo léo, nhạy bén khi làm bài thi. Chẳng hạn, không nên mất thời gian cho một câu quá khó hoặc rơi vào phần mình ôn tập chưa kỹ.

 

Sai lầm lớn nhất của thí sinh là cứ cố làm theo thứ tự từ trên xuống. Sau 2 - 3 phút mà không xong câu nào đó thì phải bỏ qua ngay. Đến khi gần hết giờ thì nên đánh ngẫu nhiên tất cả những câu chưa làm xong. Thứ tư, học sinh cần luyện tập, làm bài mẫu giống như thi thật, thời gian thật để tránh bỡ ngỡ, tạo tâm lý tự tin khi thi thực sự. Cuối cùng, thí sinh khi đi thi cần chuẩn bị tốt dụng cụ làm bài như 2, 3 cây bút chì (tốt nhất là 2B), gôm... Chú ý không tô quá mờ, máy sẽ không nhận ra hoặc quá đậm làm mất thời gian.

 

Sách tham khảo đề thi đã có!

 

Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đề thi trắc nghiệm của thí sinh, thị trường sách đã xuất hiện một vài sách giới thiệu đề thi trắc nghiệm tiếng Anh. Mới nhất là quyển 36 bộ đề thi trắc nghiệm tiếng Anh luyện thi tốt nghiệp THPT và ĐH của tác giả Lê Ngọc Bửu, Nhà Xuất bản ĐH Quốc gia TPHCM năm 2005. Các đề thi này gồm 50 câu trắc nghiệm với 4 đáp án A, B, C, D. Cuối sách có cả đáp án và được bán giá 27.000 đồng. Các loại sách giới thiệu các đề thi trắc nghiệm các ngôn ngữ khác chưa thấy bày bán. Nhiều sách giới thiệu các loại đề thi dạng cũ vẫn được bày bán, chiếm hầu hết kệ sách.

 

Tuy nhiên, không có hiện tượng đổ xô đi mua sách tham khảo đề thi trắc nghiệm do thí sinh nắm bắt được thông tin thi trắc nghiệm ngoại ngữ từ trước và đã có sự chuẩn bị.

 

 

Theo Huy Lân - Hữu Nhã

Người Lao Động