3 trường đại học tổ chức diễn đàn khoa học quốc tế bàn về bảo hộ thương mại

(Dân trí) - Trường ĐH Thương mại, trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế và ĐH Sofia (Bulgary) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại”.

Đây là một diễn đàn khoa học để các nhà quản lý kinh tế, nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về tác động của bảo hộ thương mại đến tổ chức, điều hành trong quản lý kinh tế vĩ mô cũng như quản trị của các tổ chức, các doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế và thương mại Việt Nam.

3 trường đại học tổ chức diễn đàn khoa học quốc tế bàn về bảo hộ thương mại - 1

Các nhà khoa học dự hội thảo

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, cuối năm 2019, sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn thế giới đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe, đồng thời đã có những tác động lớn định hình lại hệ thống thương mại và thị trường toàn cầu.

Bối cảnh dịch bệnh mới này đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây ra tình trạng thất nghiệp, tiêu dùng giảm, dòng chảy hàng hóa và hoạt động sản xuất, phân phối bị gián đoạn.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến thương mại toàn cầu sẽ giảm mạnh ở mức kỷ lục từ 13-32% trong năm 2020. Các khu vực gặp nhiều nguy cơ nhất là Bắc Mỹ và châu Á. Theo kịch bản xấu nhất, xuất khẩu của những nước này có thể giảm lần lượt 40% và 36%. Thương mại châu Âu và Nam Mỹ cũng sẽ sụt giảm hơn 30%.

Nhóm các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết duy trì một môi trường đầu tư và thương mại tự do, công bằng, không phân biệt, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định. Tuy nhiên, các biện pháp thương mại đáp ứng trong tình hình dịch Covid-19 có xu hướng bị chia rẽ.

Trước bối cảnh khó khăn trên, với các giải pháp hợp lý được Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu vượt bậc.

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%...

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu với 9,94 tỷ USD, vượt xa so với con số kỷ lục 7,2 tỷ USD được thiết lập năm 2018. Kết quả này đã đưa Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới.

Từ thực tế trên, các nhà khoa học đã gửi tới hội thảo trên 150 bài viết, tập trung vào 3 nội dung chính là Bảo hộ thương mại, Các hiệp định thương mại tự do và một số chủ đề khác bao gồm các nội dung nghiên cứu theo một số lĩnh vực cụ thể: quản trị và phát triển nguồn nhân lực, liên kết phát triển kinh doanh của các tỉnh, vùng; thương mại điện tử và kinh doanh online; các hoạt động đổi mới trong quảng cáo, marketing, thương hiệu đối với sản phẩm hàng hoá; hành vi tiêu dùng của khách hàng;…

Hội thảo với chủ đề “Phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại” thực sự có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.