Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Chàng trai Hrê định "nghỉ học đi chở keo", lội ngược dòng thành... thủ khoa
(Dân trí) - Chàng trai Hrê Phạm Quốc Toản dự định sau khi thi tốt nghiệp THPT sẽ đi học lái xe về chở keo thuê. Nhưng nhờ lời động viên của cô giáo, cậu trở thành thủ khoa của Trường Đại học Quy Nhơn.
Câu chuyện của nam sinh dân tộc Hrê Phạm Quốc Toản gắn liền với sự thành công của dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tại địa phương.
Với tổng điểm 27,78, xét tuyển vào ngành Sư phạm lịch sử, nam sinh Phạm Quốc Toản, cựu học sinh Trường THPT Phạm Kiệt, Ba Tơ, Quảng Ngãi trở thành thủ khoa đầu vào năm 2023 của Trường Đại học Quy Nhơn.
Hành trình đến với cánh cổng đại học của chàng trai Hrê này có nhiều điều vô cùng bất ngờ mà chính bản thân cậu không lường đến.
Hãy cho biết về hoàn cảnh của em trước khi trở thành thủ khoa đại học?
- Sinh ra và lớn lên ở thôn Krầy, xã Ba Tiêu, huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi, vùng đất còn nhiều khó khăn, từ rất sớm gia đình và chính bản thân em có kế hoạch... em chỉ học hết 12, thi xong tốt nghiệp THPT sẽ nghỉ để lao động kiếm sống.
Cũng dễ hiểu khi hàng ngày, em không có nhiều thời gian dành cho việc học. Hầu như chỉ có những buổi sáng học và ôn bài trên lớp nên trong giờ học, em rất tập trung nghe giảng, học đến đâu cố gắng hiểu bài đến đó.
Còn buổi chiều và những ngày cuối tuần, em theo bố mẹ lên nương, đi chở keo từ núi xuống bán. Có những ngày đi từ sáng đến đêm mới xong việc, về nhà sách vở vẫn nằm im trong cặp sách.
Trong môi trường đó, bố em đã lên kế hoạch con trai sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi học lái xe rồi về làm công việc chở keo thuê. Công việc này vất vả và cả nguy hiểm nhưng đó là con đường tương lai cho con mà người bố nhìn thấy được rõ nét nhất vào thời điểm đó.
Điều gì xảy ra đã khiến cho em không còn phải nghỉ học?
Kế hoạch "nghỉ học đi chở keo" của em bẻ ngoặt vào học kỳ 2 năm lớp 12. Cô giáo dạy tiếng Anh mới về trường khi biết dự định của em tìm cách động viên em hãy bước theo con đường học hành, đừng bỏ cuộc. Cô khen em là người năng nổ, nhiệt huyết, học lực tốt...
Chính những lời động viên, khích lệ này đã thôi thúc khát khao học tập trong em. Lúc đó, em mới chính thức có kế hoạch ôn thi cùng tuyên bố "con muốn học đại học". Người thân, họ hàng phấn khởi thay cho em, chỉ có bố im lặng không nói gì.
Khi biết em đỗ đại học, bố cũng chỉ cười không nói gì. Khi biết con đỗ thủ khoa, dường như bố mới thay đổi ít nhiều, có niềm tin vào lối đi khác của con.
Kết quả đỗ thủ khoa cũng là điều nằm ngoài dự tính của em. Thật ra, em thích học văn nhưng lại "liều" đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm lịch sử của Trường Đại học Quy Nhơn với mục đích thử sức mình.
Sử là ngành thường lấy điểm rất cao, em nghĩ mình không thể nào đỗ nên đăng ký để thử sức. "Lọt sàng xuống nia", kế hoạch của Toản, khi rớt nguyện vọng 1, sẽ xuống nguyện vọng 2 là ngành văn, ngành cậu yêu thích.
Nào ngờ, Toản không những không rớt nguyện vọng 1 là ngành Sư phạm lịch sử mà còn trở thành... thủ khoa đầu vào của trường.
Đạt thủ khoa là nỗ lực không nhỏ của em nhưng Toản cũng hiểu rõ điểm số chỉ là kết quả ở thời điểm đó, trong kỳ thi đó. Còn thực tế, xung quanh rất nhiều người, rất nhiều bạn bè giỏi hơn em.
Việc đỗ thủ khoa với nhiều kỳ vọng cũng trở thành áp lực lớn đối với em.
Em đã mang theo những hành trang gì vào đại học?
- Ngày khăn gói vào học đại học, em mang theo chiếc áo truyền thống của các chàng trai Hrê như một hành trang cho bản thân cùng lời nhắc nhở giữ gìn bản sắc dân tộc cùng nỗ lực học tập.
Em thích sử, tìm hiểu về sử nhưng đây không phải là môn học thế mạnh. Học sử với em khó khăn hơn rất nhiều so với các môn học khác nên việc học ở giảng đường với cậu còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước.
Bước chân vào đại học, em ấp ủ trở thành một giáo viên để theo đuổi con đường dạy học. Em mong muốn sau này ra trường có thể về quê dạy học, được làm việc, được lao động để kiếm sống lo cho bản thân, cho gia đình và lớn hơn nữa là góp sức mình cho quê nhà.