(Dân trí) - Năm 2022 đánh dấu sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục. Mặc dù vậy, dư luận vẫn băn khoăn về giá sách giáo khoa cao gấp 3 lần và ngành giáo dục đứng trước nỗi lo thiếu giáo viên nghiêm trọng.
Báo Dân trí bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu nhất của ngành giáo dục năm 2022.
Năm 2022, ngành Giáo dục tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 suốt gần 3 năm liên tiếp.
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, ngành Giáo dục vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.
Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường.
Mở cửa trường học và đưa học sinh quay trở lại trường học là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục.
Cùng với việc mở cửa trường học là rất nhiều việc đã và đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm củng cố những chỗ hổng kiến thức, kỹ năng, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chất lượng giáo dục.
Những việc này có thể phải mất nhiều năm, song ngành Giáo dục xác định sẽ kiên trì và quyết tâm giải quyết.
Năm 2022, việc xét tuyển đại học có nhiều điểm mới. Có thể nói, hệ thống tuyển sinh năm nay là ví dụ tiêu biểu, đột phá cho việc chuyển đổi số trong ngành.
Lần đầu tiên, 940.000 thí sinh được đăng ký xét tuyển đại học sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi đã biết điểm. Mọi công đoạn từ việc nộp lệ phí, đăng ký hay sửa đổi nguyện vọng, xác nhận nhập học đều được thực hiện trực tuyến.
Mặc dù vậy, bất cứ sự thay đổi mới mẻ nào cũng gặp những khó khăn nhất định. Nhiều thí sinh và phụ huynh phản ảnh việc gặp khó khăn khi nộp lệ phí tuyển sinh đại học trực tuyến, đăng ký nhầm, thậm chí không có tên trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng, với hệ thống dữ liệu khổng lồ và phức tạp về các phương thức cũng như ngành học có thể gây ra những lỗi không đáng có, làm ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh như trường hợp có em đã đăng ký mà không thấy tên nên Bộ GD&ĐT phải có cách thức phù hợp.
Việc hơn 200 trường đại học lọc ảo chung sáu lần trên hệ thống của Bộ, áp dụng với mọi phương thức xét tuyển, cũng chưa từng có tiền lệ.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, những thay đổi này giúp giảm tỷ lệ thí sinh ảo, các trường đại học được cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và tuyển được số lượng sát với chỉ tiêu.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2022 bùng nổ với hơn 20 phương thức xét tuyển. Đây được xem là bước thay đổi cơ bản sau khi chấm dứt kỳ thi "2 trong 1".
Chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT - vốn là phương thức chủ đạo - giảm mạnh từ 10 đến 50%. Phương thức đa dạng, song nhiều thí sinh còn nhầm lẫn khi các phương thức có tên gần giống nhau, trượt đại học dù đủ điểm.
Vẫn còn tình trạng điểm chuẩn nhiều ngành học ở mức 30 và trên 30 bởi điểm cộng còn nhiều bất cập.
Nhận xét sau khi kết thúc việc xét tuyển đại học năm 2022, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết, từ năm 2023, Bộ yêu cầu các đại học loại bỏ những phương thức không hiệu quả.
Tiếp nối sự thành công của những năm trước, năm 2022, thêm nhiều trường đại học công bố mở kỳ thi riêng để thực hiện tuyển sinh, dần giảm sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.
Nếu trước đây chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi riêng thì nay có thêm nhiều trường đại học cũng tuyển sinh riêng bằng các kỳ thi đánh giá năng lực như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm TPHCM, kỳ thi của Bộ công an.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Nếu năm ngoái, kỳ thi này chỉ mang tính "nội bộ" thì năm nay, có thêm 7 trường đại học đăng ký sử dụng kết quả thi riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để tuyển sinh.
Các trường này gồm: Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Vinh, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng, Quy Nhơn và Sư phạm TPHCM.
Bộ Công an cũng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển và được nhiều trường đại học khác công nhận, dùng xét đầu vào, chỉ tiêu tùy theo từng cơ sở giáo dục.
Tháng trước, hai đại học quốc gia cho biết sẽ xây dựng thang điểm quy đổi hai bài thi đánh giá năng lực để sử dụng kết quả của nhau.
Trong khi đó, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng vừa thông báo sẽ điều chỉnh cấu trúc, nội dung bài thi, thời gian thi được rút ngắn xuống còn 150 phút.
Nếu năm 2022, bậc đại học chuyển đổi số mạnh mẽ thì ở bậc giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT "sốt sình sịch" với việc thừa, thiếu cục bộ và giáo viên "ùn ùn" nghỉ việc.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước thiếu 94.700 giáo viên nhưng ngành giáo dục cũng thừa cục bộ hơn 10.300 người.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc, trong đó mầm non có nhiều nhất: 6.391, tiểu học 4.493, THCS 3.425 và THPT 1.956.
Bộ trưởng và nhiều nhà quản lý nhận định, lương quá thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến giáo viên bỏ nghề, khiến ngành giáo dục kém thu hút, khó tuyển dụng.
Nói về điều này, trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phải thốt lên: "Sau mấy năm tha thiết đi xin mãi, năm nay dự kiến tuyển 27 nghìn giáo viên thì hai năm qua, đã có 29 nghìn giáo viên bỏ việc.
Ngành Giáo dục nắm mọi thứ nhưng có hai thứ không thể là vấn đề giáo viên và tài chính. Do đó, chúng ta cần sòng phẳng nhìn nhận với nhau, không nên đổ lỗi cho một Bộ trưởng trừu tượng nào đó".
Đầu năm học này, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có mức cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa hiện hành gây lo lắng cho nhiều phụ huynh.
Theo lý giải của NXB, SGK tăng giá một phần do chất lượng giấy tốt hơn, sách in màu và không được trợ cấp một phần chi phí.
Trong khi đó, theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021" của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, năm 2021, đơn vị này đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra.
Cứ phát hành một quyển sách giáo khoa, NXB Giáo dục Việt Nam thu về hơn 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng.
Nhờ số lượng sách giáo khoa phát hành tăng mạnh, tổng doanh thu NXB Giáo dục đạt 1.828 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhưng NXB Giáo dục vẫn "kêu" khó trăm bề.
Trả lời PV Dân trí, ông Lê Hồng Hải - Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, bất ngờ phủ nhận việc lãi "khủng" từ việc phát hành SGK.
Ông Hải cho hay, đơn vị này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực SGK mà còn rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Lợi nhuận NXB Giáo dục Việt Nam là tổng lợi nhuận của tất cả các hoạt động kinh doanh ấy.
Một trong những sự kiện tốn nhiều giấy mực trong năm qua là tranh cãi môn lịch sử nên tự chọn hay bắt buộc.
Ban đầu đây là môn lựa chọn và được Quốc hội thông qua từ 5 năm trước nhưng trước kỳ họp Quốc hội thứ ba, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng việc không bắt buộc học Lịch sử có thể gây "hậu quả, hệ lụy khó lường". Ý kiến này thu hút nhiều tranh cãi trên truyền thông và mạng xã hội.
Theo yêu cầu của Quốc hội, hai tháng trước khi năm học mới bắt đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh chương trình giáo dục THPT, đưa Lịch sử thành môn bắt buộc với 52 tiết mỗi năm, tổng số môn bắt buộc tăng lên 8.
Sau khi cấp tốc sửa môn Lịch sử, chương trình THPT sẽ giảm 18 tiết/năm. Thay đổi này tác động trực tiếp tới hơn một triệu học sinh lớp 10, thay đổi số môn và tổ hợp môn lựa chọn.
Năm 2022 học phí cả bậc đại học và phổ thông đều tăng, ảnh hưởng đến 25 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học.
Ở bậc đại học, mức trần học phí tất cả khối ngành tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm, khối Y, Dược tăng mạnh nhất.
Nhiều sinh viên phải bỏ ngành học yêu thích bởi mức học phí đại học tăng "khủng".
Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần trên. Với chương trình đạt chuẩn kiểm định trong và ngoài nước, các trường được tự xác định học phí.
Ngày 20/12, Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu các địa phương không tăng học phí năm học 2022-2023 với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Cụ thể, với các cơ sở mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022- 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương.
Với địa phương đã quyết định tăng học phí năm học 2022-2023 trước đó, Chính phủ yêu cầu dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm so với học phí năm học 2021-2022.
Mức hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định. Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.
Với bậc đại học, nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022.
Báo cáo về kết quả thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 của học sinh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Năm 2022, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích).
Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Đặc biệt, đoàn học sinh Việt Nam xếp thứ 4/104 quốc gia tại Olympic Toán học quốc tế lần thứ 63. 6/6 thí sinh Việt Nam đoạt giải với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Trong đó, em Ngô Quý Đăng, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt điểm tuyệt đối 42/42 - sau 19 năm kể từ năm 2003 Việt Nam mới lại có học sinh giành điểm tuyệt đối tại một kỳ Olympic Toán học quốc tế.
Việt Nam cũng có 7 dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022), trong đó, 2 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Tại buổi gặp mặt mới đây, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 10 học sinh, Huân chương Lao động hạng Ba cho 7 học sinh. 9 học sinh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic và cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế năm 2022.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022 đã giành 2 huy chương Bạc nghề Phay CNC và Tiện CNC. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam trong 15 năm tham dự kỳ thi này.
Sau nhiều lần bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022 diễn ra với một phiên bản đặc biệt.
Năm nay, kỳ thi có sự góp mặt của hơn 1.000 thí sinh và 1.000 chuyên gia, đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự thi ở 62 nghề.
Đoàn Việt Nam có 11 thí sinh dự thi 10 nghề, bao gồm Cơ điện tử, Điện toán đám mây, Lắp cáp mạng thông tin, Công nghệ nước, Lắp đặt điện, Phay CNC, Tiện CNC, Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và Thiết kế các kiểu tóc.
Đoàn Việt Nam sẽ thi tại sáu quốc gia bao gồm Đức, Pháp, Áo, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kinh phí tham dự của các thí sinh được lấy từ nguồn xã hội hóa và nguồn tự đảm bảo của các đơn vị tài trợ.
Với hai Huy chương Bạc, Việt Nam đạt thành tích tốt nhất 15 năm qua ở kỳ thi kỹ năng nghề thế giới.
Thiết kế: Đỗ Diệp
Nội dung: Mỹ Hà
Tháng 1/2023