10 sự kiện giáo dục - khuyến học năm 2016

(Dân trí) - Năm 2016 khép lại với nhiều sự kiện quan trọng trong lĩnh vực giáo dục - khuyến học. Trong đó, quyết định thay đổi kĩ thuật kì thi THPT quốc gia sang hướng thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn Toán, đã mở ra nhiều tranh luận trong xã hội và giới khoa học…

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam

Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1981/QĐ-TTg phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. So với khung hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành từ năm 1993, khung mới này không thay đổi về thời gian đào tạo ở các cấp mầm non, giáo dục phổ thông, nghĩa là học sinh vẫn sẽ học 5 năm tiểu học, 4 năm THCS và 3 năm THPT. Học hết bậc THCS, học sinh được phân luồng mạnh mẽ theo hai hướng hoặc là THPT, hoặc là Trung cấp. Hệ thống giáo dục quốc dân mới được đề xuất đảm bảo tính khả thi, liên thông và phân luồng, tạo cơ hội được học tập suốt đời của người dân.

Bầu nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Ngày 22/9/2016, Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam khóa V đã bầu ra 104 đại biểu vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa V (2016 - 2021).

Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam đã thống nhất bầu nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS. Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.

Đại hội đã suy tôn ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa III, IV làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam khóa V.


Tân Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan bắt tay chúc mừng của ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa IV. (Ảnh: Hữu Nghị)

Tân Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS Nguyễn Thị Doan bắt tay chúc mừng của ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa IV. (Ảnh: Hữu Nghị)

Trong bài phát biểu tâm huyết tại Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ V, GS.TS. Nguyễn Thị Doan - tân Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: “Ban chấp hành khóa V sẽ tiếp tục phát huy hết truyền thống 20 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Khuyến học Việt Nam, tiếp tục thực hiện Nghị quyết mục tiêu mà Đại hội đã đề ra. Phát huy thành quả của những người đi trước đã dày công xây dựng Hội được như ngày hôm nay, để sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được duy trì và tiến thêm một bước trong không khí đổi mới, sáng tạo, quyết tâm và thắng lợi”.

Thay đổi kì thi THPT quốc gia theo hướng trắc nghiệm và bài thi tổng hợp

Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, kì thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ thi trắc nghiệm nhiều môn như: Lịch sử, Toán, Giáo dục công dân... Đề thi đáp ứng hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Kì thi sẽ diễn ra với 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Trong đó, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi KHTN (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi KHXH (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí).

Quyết định thi trắc nghiệm môn Toán đã thu hút sự quan tâm của dư luận và giới khoa học. Nhiều chuyên gia uy cho rằng, thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Khi lựa chọn phương thức nào thì cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng về các mặt như nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả, tâm lý của thí sinh và xã hội.

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2016. (Ảnh: Khánh Hiền)
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2016. (Ảnh: Khánh Hiền)

Chuyển hơn 500 trường cao đẳng, trung cấp về Bộ Lao động

Chiều ngày 9/11/2016, Bộ GD-ĐT đã bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo đó, hệ thống 201 trường cao đẳng (CĐ) và 303 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng như hệ TCCN đang được đào tạo tại 200 trường CĐ và 40 trường ĐH sẽ được bàn giao về Bộ Lao động quản lý.

Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Lao động sẽ quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).

Trước đó, theo nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ thống nhất giao Bộ Lao động quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ giáo dục nghề nghiệp ngành sư phạm.

Tự chủ và quyết định tăng vọt học phí của nhiều trường ĐH

Theo đúng lộ trình tại Quyết định 368 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3 phê duyệt đề án tự chủ của trường trong đó có tự chủ về tài chính, một số trường ĐH đã tăng vọt mức thu học khí khiến sinh viên choáng váng.

Trong số 14 trường ĐH, CĐ được Chính phủ giao thí điểm tự chủ, chỉ có một số trường công khai mức học phí trên website hoặc trong cuốn những điều cần biết để thí sinh nắm được thông tin. Còn một số trường đã “quên” công khai học phí trước khi tuyển sinh.

Trả lời về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết: Việc các trường thí điểm tự chủ tài chính đã có đủ hệ thống văn bản quy định lộ trình tăng học phí đến năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, lộ trình tăng của các trường có hợp lý hay không phải xem xét nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố cơ sở vật chất cũng như các môn học phù hợp cho đúng với số tiền quy định ở các tín chỉ.

10 sự kiện giáo dục - khuyến học năm 2016 - 3

Năm 2016 là năm đầu tiên tất cả các đội tuyển Việt Nam thi Olympic quốc tế đều đoạt Huy chương Vàng

Năm 2016, Việt Nam có 35 học sinh tham gia 44 lượt dự thi tại các kỳ thi Olympic Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Nga, mang về 39 huy chương và bằng khen cho tổ quốc. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên, tất cả các đoàn xuất quân đều có huy chương Vàng (HCV), trong đó có 1 HCV đã phải chờ đợi hơn 15 năm qua mới có được từ môn Sinh học.

Tham dự Hội thi Khoa học, kĩ thuật quốc tế (Intel ISEF), Việt Nam có 6 dự án dự thi với 4 dự án đoạt giải, tỉ lệ đoạt giải là 67%, đây là thành tích tốt nhất của học sinh Việt Nam sau 5 năm tham dự hội thi. Tại cuộc thi khoa học trẻ quốc tế (IJSO), cả 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó có 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam sau 10 năm tham dự IJSO….

Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kì thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) lần thứ 27 2016 (diễn ra tại Hà Nội tháng 7/2016). (Ảnh: Kim Khang)
Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kì thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) lần thứ 27 2016 (diễn ra tại Hà Nội tháng 7/2016). (Ảnh: Kim Khang)

Thông tư 22 thay thế Thông tư 30

Thông tư 30 được triển khai trên cả nước trong hơn 2 năm qua đã làm giáo viên “kêu ca”, nhất là khi thực hiện đánh giá học sinh. Từ ngày 6/11/2016, Thông tư 22 do Bộ GD&ĐT ban hành trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30.

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục. Việc đánh giá học sinh cũng được quy định linh hoạt trong Thông tư 22, giúp cho giáo viên thuận lợi hơn, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kì cho hiệu trưởng, khắc phục được những bất cập trong việc thực hiện trước đây với Thông tư 30.

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục.
Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục.

“Lật tẩy” lớp học kích não giúp trẻ thành thiên tài

Cuối tháng 11/2016, báo chí đồng loạt đưa tin việc nhiều trung tâm rầm rộ quảng bá các lớp học với phương pháp kích hoạt bán cầu não giúp trẻ thành thiên tài. Trước thông tin này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Bộ không cấp phép bất kỳ lớp học nào như thế này.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đến kiểm tra tại lớp học kích não. Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, xét về mặt y học, nói học bằng những phương pháp đó để kích thích não phát triển là hoang đường, lừa lọc bởi không có bất cứ một cơ sở y học nào.

Triển khai mô hình trường học mới (VNEN) trên cơ sở tự nguyện

Ngày 18/8/2016, Bộ trưởng GD&ĐT gửi công văn tới các địa phương về mô hình trường học mới (VNEN). Theo nhìn nhận của Bộ, sau 3 năm thử nghiệm cho thấy, mô hình có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận việc áp dụng mô hình này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn.

Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng. Bộ vẫn khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện.

Được biết, năm học 2016- 2017, một số địa phương đã chủ động xin ngừng và không nhân rộng chương trình VNEN.

Vẫn “nóng” tình trạng bạo lực học đường

Năm qua, tình trạng bạo lực học đường vẫn không có dấu hiệu giảm sút với hàng loạt clip học sinh đánh nhau dã man được đăng tải trên mạng Internet khiến người lớn giật mình.

Trước vấn nạn này, các chuyên gia giáo dục một lần nữa nhấn mạnh yếu tố giáo dục giới trẻ ngay từ gia đình, và đẩy mạnh hơn nữa sự gắn kết giữa gia đình - nhà trường - xã hội để có thể kịp thời chấn chỉnh các em khi có những hành vi không thích hợp về đạo đức.

Ban Giáo dục