Xúc động bài viết “thức tỉnh từ bệnh tật” của cô học trò 3 lần thay tủy xương

(Dân trí) - Những cái nhỏ nhặt nhất của cuộc sống mà bạn đang có đôi khi lại là ước muốn mãi không bao giờ với tới của nhiều người. Trong những ngày nằm viện trước kia, tôi vẫn luôn có một mơ ước giản đơn đó là được quay trở lại Sài Gòn, tận hưởng buổi sớm với tô phở bốc khói nghi ngút...

Bài viết "Quả ngọt từ khu rừng bệnh tật" của cô học trò V.H.P. (học sinh lớp 12, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM, từng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo) làm nhiều người phải giật mình về sự sống. Đây là bài viết của em P. trong dự án Memento Mori (Sống thêm một cuộc đời) thuộc bộ môn Văn tại trường theo chủ đề lấy cảm từ cuốn sách "Khi hơi thở hóa thinh không" - câu chuyện của một bác sĩ bị bệnh ung thư.

Cô học trò nói về thay đổi trong cách nhìn của mình về cuộc sống khi đối mặt với bệnh hiểm nghèo. Đó cũng là lời thông điệp nhắc nhở mọi người quý trọng sức trẻ và trân quý cuộc sống hơn.

Bài viết mang hơi thở cá nhân nhưng cũng là sản phẩm của môn học, em P. còn thể hiện được kiến thức, hiểu biết khá dồi dào, Đồng thời, cô học trò cũng thể sự chuyên nghiệp của một người viết khi cuối bài có chú thích cụ thể các nguồn trích dẫn.

Được biết, bài viết của em P. đạt 66/70 điểm. Ngoài bài viết cá nhân, em H.P. và nhóm của mình cũng thực hiện album ảnh FOR PAUL BEFORE DAY 667 (667 ngày bác sĩ Paul chiến đấu với ung thư) từ cuốn sách "Khi hơi thở hóa thinh không".

Xin đăng tải bài viết "Quả ngọt từ khu rừng bệnh tật" của em V.H.P:

Vào một ngày cuối tháng Tám bốn năm về trước, cuộc đời tôi đã có một bước ngoặt to lớn.

Tôi - một cô bé 15 tuổi với tương lai sáng ngời, vừa được nhận vào học tại một ngôi trường cấp ba danh tiếng của thành phố - đã phải chấp nhận bỏ lại tất cả sau lưng, khăn gói sang xứ người, chiến đấu giành giật lại mạng sống từ tay căn bệnh mà chỉ 1/50.000 dân số thế giới mắc phải.

Tại đất nước xa lạ kia, tôi đã trải qua hơn sáu tháng truyền hóa chất đầy mệt mỏi, 3 lần ghép tủy và không biết bao nhiêu là nước mắt , để ngày hôm nay - một ngày đầu tháng 9 sau bốn năm - nhìn lại hành trình phi thường mà mình đã đi qua, tôi cảm thấy mình ‘được’ nhiều hơn là ‘mất’.


(Ảnh: Album ảnh của V.H.P và nhóm bạn kể lại chuyện đời của bác sĩ Paul trong cuốn tự sự Khi hơi thở hóa thinh không)

(Ảnh: Album ảnh của V.H.P và nhóm bạn kể lại chuyện đời của bác sĩ Paul trong cuốn tự sự "Khi hơi thở hóa thinh không)

Đối với tôi, việc trải qua một biến cố lớn trong đời giống như việc phải tìm đường ra khỏi một khu rừng tối vậy. Có những người may mắn vượt qua được và đã tìm thấy một khởi đầu mới tốt đẹp hơn ở bên kia cánh rừng, số còn lại bị may mắn lãng quên, mãi mãi mắc kẹt trong bóng tối, không cách nào thoát ra được.

Kì diệu thay, tôi được cuộc đời ưu ái trao tặng cho sự may mắn đó. Sau 2 năm dài đằng đẵng chiến đấu với căn bệnh, cuối cùng tôi cũng “tìm được lối ra”, mang theo bên mình không ít những vết thương nhưng nhờ đó mà tôi đã gặt hái cho bản thân được nhiều triết lý sống quý giá - những “quả ngọt” mà “khu rừng bệnh tật” đã dành tặng cho tôi.

“Quả ngọt” thứ nhất: Hãy sống cho hiện tại và tận hưởng nó

Tác giả Phạm Lữ Ân đã từng viết trong tác phẩm của ông rằng: “Phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một tình bạn, một tình yêu… Và rốt cuộc, cả cuộc đời.”. Tôi của trước kia cũng như nhiều người hiện nay thường có một lối sống (hay nói đúng hơn là kiểu tồn tại) - nghe thì có vẻ vô lý nhưng là thực trạng của xã hội ngày nay - đó là việc chúng ta thường sống cho quá khứ và tương lai nhiều hơn là hiện tại. Chúng ta đã dành phần lớn thời gian để nghĩ về ta của ngày hôm qua, lo lắng cho ta của ngày mai và vô tình chúng ta quên mất ta của giây phút hiện hữu.


(Ảnh: Album ảnh của V.H.P và nhóm bạn kể lại chuyện đời của bác sĩ Paul trong cuốn tự sự Khi hơi thở hóa thinh không)

(Ảnh: Album ảnh của V.H.P và nhóm bạn kể lại chuyện đời của bác sĩ Paul trong cuốn tự sự "Khi hơi thở hóa thinh không)

Trong một đoạn clip dài gần sáu phút của mình trên Youtube, Prince Ea đã từng nói: “Cái chết không phải là điều đáng sợ nhất, đáng sợ là việc đến khi cận kề cái chết, ta mới nhận ra rằng: ta đã không thật sự sống đúng nghĩa.”. Và đó chính xác là những gì mà tôi đã thấu hiểu được khi nằm trên giường bệnh cách đây bốn năm. Thật sự, tôi phải cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi một lần được trải nghiệm cái mong manh của sự sống, bởi chính những giây phút đó là cơ hội để tôi nhận ra cuộc sống này quý báu đến nhường nào, rằng tôi đã lãng phí nó nhiều như thế nào. Bây giờ tôi cảm thấy việc chúng ta cứ mãi lo lắng cho quá khứ và tương lai là những việc phí phạm nhất của đời người. Bạn sẽ không thể thay đổi quá khứ, càng không bao giờ biết trước được tương lai, vậy tại sao lại tốn quá nhiều thời gian cho nó trong khi bạn có thể tận hưởng cái thực tại đáng quý này?

Các bạn phải biết được rằng, những cái nhỏ nhặt nhất của cuộc sống mà bạn đang có đôi khi lại là ước muốn mãi không bao giờ với tới của nhiều người. Trong những ngày nằm viện trước kia, tôi vẫn luôn có một mơ ước giản đơn đó là được quay trở lại Sài Gòn, tận hưởng buổi sớm với tô phở bốc khói nghi ngút và cái nắng nhẹ của chớm đầu xuân. Thế nhưng tôi đã phải chờ tận hai năm để thực hiện ước nguyện ngày đó. Và cho tới tận hôm nay, tôi vẫn luôn tự nhủ rằng phải luôn ghi nhớ cái cảm giác nắng sớm rơi nhẹ nhàng trên tay, bởi rất có thể ngày mai sẽ không còn tia nắng nào nữa.

Các bạn hãy tận hưởng hiện tại này đi trước khi quá muộn, hãy sống cho giây phút này chứ đừng sống cho tương lai và quá khứ, đừng để sau này các bạn phải nói câu “giá như”, đừng để sau này thứ các bạn khao khát nhất lại là một tia nắng sớm.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các bạn sống mà không màng tới tương lai, sống là phải có mục đích chứ! Nhưng hãy sống một cuộc đời tự do, đừng để gánh nặng tương lai chi phối hiện tại, hãy để sự hài lòng của hiện tại quyết định con đường tương lai bạn đi.

“Quả ngọt” thứ hai: Sức khỏe là kho báu quý giá nhất của con người

Tôi đã được nghe và thấy câu nói “Sức khỏe là vàng” ở khắp mọi nơi từ khi còn bé, từ bệnh viện, ti vi, báo đài, loa phát thanh, cho đến những lời nói hằng ngày, bài giảng, v.v. Thế nhưng thật thú vị làm sao, tôi chưa bao giờ tin vào điều đó cho đến khi tôi phải giành giật từng hơi thở với tử thần trong nhiều tháng ở bệnh viện. Và tôi khá chắc nhiều bạn trẻ ngày nay cũng chưa ý thức được việc sức khỏe quan trọng với họ như thế nào đâu.

Bằng chứng là trong một cuộc khảo sát các thanh thiếu niên ở Rhode Island, người ta nhận thấy chỉ có 20% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 ngủ đủ số tiếng so với thời gian mà các chuyên gia khuyến nghị là 7 tiếng/đêm và có đến 85% thanh thiếu niên thiếu 10 giờ ngủ trong 1 tuần so với thời gian chuẩn [3]. Không dừng lại ở việc thức khuya, chế độ ăn uống của các bạn trẻ ngày nay cũng rất phản khoa học: 97,4% sinh viên ở trường Đại học Trakya thừa nhận có tiêu thụ thức ăn nhanh trong các bữa ăn của mình [4], và chỉ có 50% học sinh thực hiện khảo sát trên trang Lady Moom Farm có sử dụng rau xanh trong bữa ăn hằng ngày. Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt và tập thể dục của các bạn trẻ ngày nay cũng thường không điều độ.

Bốn năm về trước, tôi cũng từng phí phạm sức khỏe của mình như thế. Tôi luôn cho rằng việc một người trẻ tuổi có sức khỏe là điều đương nhiên và đã là đương nhiên thì chẳng việc gì ta phải gìn giữ cả. Thế nhưng các bạn hãy tin tôi đi, trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra, và thường thì những điều tồi tệ sẽ đến một cách bất ngờ hơn bao giờ hết, giống như việc bệnh tật ghé thăm tôi vậy. Nó ập tới quá nhanh, đến mức tôi không kịp nhận ra sức khỏe đã bỏ tôi mà đi như thế nào.

Người ta thường nói “con người chỉ biết quý một điều gì đó khi họ đánh mất nó” và trong trường hợp của tôi thì đó là sức khỏe. Tôi đánh mất sức khỏe ở giai đoạn mà tôi chẳng bao giờ ngờ tới, thế nhưng tôi lại cảm thấy may mắn vì điều đó bởi cuộc đời đã trao tôi một cơ hội thứ hai, và chính sự trải nghiệm “đánh mất sức khỏe” ở giai đoạn quá sớm như vậy đã là bài học xương máu để tôi có thể quý trọng sức khỏe của mình hơn trên quãng đường đời phía trước.

Cách đây vài hôm, tôi có đọc một cuốn sách với tựa đề: “Khi hơi thở hóa thinh không” kể về hành trình chiến đấu với bệnh ung thư phổi của bác sĩ Paul Kalanithi. Tôi rất ngưỡng mộ cách suy nghĩ, ý chí cũng như tài năng của ông, thế nhưng tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng về việc ông phải làm việc quá nhiều đến mức sức khỏe ông bị vắt kiệt đến cùng cực. Điều này khiến tôi luôn cảm thấy sự nặng nề trên từng con chữ kể về cuộc đời ông. Tuy nhiên chính câu chuyện của Kalanithi lại giúp tôi củng cố niềm tin về tầm quan trọng của sức khỏe đối với con người. Tôi chỉ muốn khuyên các bạn rằng, có sức khỏe là có tất cả. Đừng đợi đến khi nằm trên giường bệnh rồi các bạn mới biết quý trọng sức khỏe bởi không phải ai cũng may mắn có được cơ hội thứ hai đâu!

“Quả ngọt” thứ ba: Kết quả phụ thuộc vào cách suy nghĩ của bạn

Trong cuộc sống, chắc chắn ai rồi cũng phải bị “ném” cho những điều tồi tệ, không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Tuy nhiên chính cách suy nghĩ khác nhau lại cho ra kết quả khác nhau. Tôi đã từng nghe một câu chuyện kể về một người đàn ông khỏe mạnh, tuy nhiên có một vị bác sĩ vì muốn kiểm tra sức mạnh của suy nghĩ nên đã nói với người đàn ông đó rằng ông đang bị bệnh và chính ông cũng bắt đầu nghĩ như thế, kết quả là sau 7 ngày, từ một người khỏe mạnh ông bỗng trở thành một bệnh nhân thật sự, tất cả cũng chỉ vì cách suy nghĩ của ông.

Tôi bây giờ vẫn luôn cảm thấy rất may mắn vì cuộc đời đã cho tôi nếm trải cái mong manh của sinh tử, để ngày hôm nay đối mặt với những điều khó khăn trong cuộc sống, tôi vẫn tìm được sự lạc quan. Thử hỏi xem, còn gì có thể tệ hơn việc bạn đón sinh nhật lần thứ 16 trong phòng cấp cứu với hàng tá ống dẫn nối vào người bạn? Còn gì có thể tệ hơn bạn phải trải qua tận ba lần ghép tủy? Vì vậy đối với tất cả những ai ngoài kia, hãy luôn cảm thấy mình thật sự may mắn đi, ít ra bạn vẫn đang được sống, ít ra bạn có những thứ mà trước kia tôi đã từng ước ao. Chính cách suy nghĩ này sẽ giúp các bạn vượt qua mọi khó khăn đang cản trở bạn trên bước đường đời.

Nhìn lại căn bệnh của tôi bốn năm về trước, tôi thấy nó như một món quà hơn là một vết thương, bởi nhờ có nó mà tôi đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân: từ việc biết cách sống cho hiện tại, biết quý trọng sức khỏe hơn cho đến việc biết đón nhận những khó khăn. Tôi chỉ có một vài lời khuyên như thế này: Hãy biết yêu quý cuộc sống này, luôn suy nghĩ lạc quan và đặc biệt, đừng vội từ chối khó khăn, bởi biết đâu sau cơn giông bạn sẽ thu được nhiều “quả ngọt”, giống như tôi vậy!

Hoài Nam (ghi)