Vụ hiệu trưởng xâm hại học sinh: Sẽ không nương nhẹ cho bất kỳ ai “biết mà im lặng”

(Dân trí) - Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Chúng tôi sẽ xử lý đúng người, đúng tội, không bao che, không có bất kỳ sự nương nhẹ, châm chước cá nhân nào liên quan và kiên quyết đưa cho ra khỏi ngành để môi trường sư phạm thực sự trong sạch”.

Liên quan đến sự việc hiệu trưởng xâm hại tình dục nhiều học sinh nam ở Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ngày 19/12, PV Dân trí đã có trao đổi thông tin nhanh với ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ để làm rõ hơn sự việc.

Theo ông Dũng, hiện tại việc quan trọng nhất là cần giúp các em học sinh ổn định tâm lý để học tập trở lại bình thường.


Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My, hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn

Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My, hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn

Thưa ông, sự việc xâm hại học sinh nam của hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn Đinh Bằng My đang gây chấn động dư luận mà báo chí phản ánh, tỉnh đã xử lý đến đâu rồi?

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: Khi nhận được thông tin phản ánh từ truyền thông, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo ngay trong ngày 12/12, giao cho các cơ quan liên quan xuống kiểm tra nắm tình hình cụ thể.

Qua điều tra, xác minh những nội dung liên quan, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My.

Hiện nay, đang trong quá trình điều tra, nếu thực tế đúng như phản ánh thì phải xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Không có bất kỳ sự nương nhẹ, châm chước nào cho dù cá nhân hiệu trưởng này đã có nhiều thời gian đóng góp cho ngành. Khi có kết luận rõ ràng từ vụ việc thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý thích đáng.

Bên cạnh đó, ngoài việc xử lý vi phạm của vị hiệu trưởng, chúng tôi cũng phải ổn định tình hình của đội ngũ thầy cô trong nhà trường và cả tình hình khu vực huyện Thanh Sơn vì đây là trường phổ thông dân tộc nội trú.

Sự việc kéo dài nhiều năm qua, tại sao các thầy cô giáo trong trường không phát hiện, không tố cáo, mà thậm chí có biết nhưng lại bỏ qua?

Tất cả thông tin này chúng tôi biết trên truyền thông vì cơ quan công an vẫn đang xác minh làm rõ.

Sự việc đáng tiếc là chính các học sinh bị xâm hại nhưng không lên tiếng. Còn việc các thầy cô trong trường, có trách nhiệm liên quan, có biết sự việc mà không thông tin, không tố giác, không có ý kiến phản hồi báo cáo với cơ quan chức năng thì sau khi làm rõ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chúng tôi sẽ xử lý đúng người, đúng tội, không bao che và kiên quyết đưa cho ra khỏi ngành để môi trường sư phạm thực sự trong sạch.

Hiện nay, vì sự việc này mà tâm lý nhiều thầy cô ở trường cũng bị ảnh hưởng rất lớn, luôn trong cảnh bị dị nghị, dèm pha.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm, vụ việc này là bài học xương máu về giáo dục giới tính. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây không chỉ liên quan đến giáo dục giới tính mà còn liên quan tới đạo đức thầy cô cũng nhưng việc quản lý giám sát trong nhà trường đã để xảy ra sự việc này. Ý kiến của ông thế nào?

Sự việc xảy ra rất đau lòng. Tạo hóa đã tạo ra con người này, đó cũng là đau khổ cho cá nhân con người đó nhưng đây là trường hợp cá biệt xảy ra trong ngành giáo dục chứ không phải mang tính chất trào lưu, phổ biến. Đây là bài học cộng hưởng thêm mặt trái của xã hội và nhiều vấn đề khác dẫn đến hậu quả như vậy.

Đối với các thầy cô giáo để dạy học sinh nên người thì nên phải tự đào tạo mình trong suốt cả quá trình.

Qua sự việc, chúng ta cần thực hiện tốt công tác dân chủ, vai trò trách nhiệm người đứng đầu, từng người đảng viên, từng người cán bộ. Bên cạnh đó, phải có vấn đề kỹ thuật để tránh xảy ra những việc đau lòng như thế này.

Trước mắt, tăng cường công tác kiểm tra, chăm sóc các cháu để không để xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua và có sự giám sát chéo lẫn nhau giữa nhiều bộ phận quản lý. Nhưng đối với công tác nội trú phải có giải pháp cụ thể từ trong ngành giáo dục, từ trên trở xuống.

Với những em học sinh là nạn nhân của xâm hại này vẫn phải tiếp tục học tập. Vậy tỉnh phải có biện pháp gì để giúp đỡ bảo vệ các em?

Đây là vấn đề quan trọng. Dứt khoát chúng ta phải bằng mọi cách để giúp đỡ động viên các cháu về mặt tâm lý ngay từ bây giờ và cả mai sau; hướng cho các cháu đây là một tai nạn, không may, điều đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, bằng các biện pháp sư phạm, biện pháp gia đình và xã hội để các cháu thấy được đó bài học vì bản thân các cháu cũng phải biết giữ mình. Các cháu cần vượt qua tổn thương này để hòa nhập cộng đồng.

Một vấn đề nữa theo tôi, chúng ta đào tạo các cháu ngay từ bé về giáo dục giới tính, về các mối quan hệ giữa con người với con người để các cháu hiểu. Đồng thời, cha mẹ, thầy cô cũng phải quan tâm truyền đạt cho con kiến thức giới tính thường xuyên hơn. Khi bị xâm hại nhiều cháu ngại và xấu hổ không dám nói ra, thậm chí có cháu để xảy ra nhiều lần, như vậy chính bản thân các cháu tiếp tay cho việc đáng lên án này.

Chúng ta phải làm sao để các cháu biết cách tự vệ, phản ứng lại việc sự xâm hại. Tôi tin, khi các cháu được giáo dục giới tính, được trang bị các kỹ năng tự vệ thì các cháu sẽ có phản ứng quyết liệt, sẽ không xảy ra trường hợp đáng lên án như vừa qua.

Các cơ quan quản lý cần phải có kế hoạch, chiến lược như thế nào để giúp đỡ các em vì việc này để lại hậu quả quá lớn về tâm lý?

Đương nhiên phải có chiến lược rất lớn. Quan trọng phải giáo dục cho các cháu biết, không chỉ học sinh ở trường dân tộc nội trú mà cả các học sinh ở trường khác sẽ không tránh khỏi ý đồ xấu như thế này.

Đây cũng là bài học để quán triệt không chỉ trong toàn ngành giáo dục mà các ngành khác, lĩnh vực khác, cả hệ thống chính trị phải có biện pháp dứt khoát tập trung giúp đỡ để bảo vệ các cháu trước những vấn đề xấu.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh – Thế Nam