Xâm hại học sinh: Tiếng chuông cảnh tỉnh về đạo đức nhà giáo trong trường nội trú

(Dân trí) - "Vụ việc xâm hại tình dục học sinh vừa qua gây sự phẫn nộ trong dư luận là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của các thầy, cô giáo trong trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT)"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như vậy ở Hội nghị: “Tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018” tổ chức sáng nay 18/12 tại tỉnh Yên Bái.


Hội nghị: “Tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018”.

Hội nghị: “Tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018”.

Giáo dục đặc thù

Được biết, trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cao vùng Dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Trường PTDTNT có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH và củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng DTTS, miền núi.

Hiện nay, toàn quốc có 315 trường PTDTNT ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ với 109.245 học sinh nội trú. Trong đó, trường PTDTNT tỉnh có 59 trường; cấp huyện có 256 trường; có 3 trường PTDTNT trực thuộc Bộ GD&ĐT. Số lượng trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã đạt khoảng 40%.

Trong hệ thống trường này, hiện cả nước có gần 900 cán bộ quản lý với 12.765 giáo viên giảng dạy. Chế độ làm việc của CBQL, GV trường PTDTNT có nhiều nội dung khác biệt so với các trường phổ thông bình thường là ngoài việc thực hiện kế hoạch dạy học theo quy định, các CBQL, GV phải thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù như quản lý và hướng dẫn học sinh sinh hoạt nội trú, ăn, ở, hướng dẫn học sinh tự học, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, học tiếng dân tộc…

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, mô hình trường PTDTNT đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: CSVC, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chất lượng và hiệu quả đào tạo của hệ thống trường PTDTNT chưa cao; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa được bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề về giáo dục đặc thù phù hợp với nhiệm vụ nuôi, dạy học sinh ở trường PTDTNT; thiếu một số chính sách đặc thù cần thiết…

Đòi hỏi cao về chuẩn mực đạo đức với giáo viên

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đối với đặc thù của trường PTDTNT, đội ngũ giáo viên các trường này hết sức quan trọng. Do đặc thù khi vào học trong trường nội trú, học sinh còn nhỏ, coi các thầy cô như cha mẹ, coi trường như gia đình.

Ngoài việc dạy, các thầy cô cũng có nhiệm vụ quản sinh 24/24 giờ đối với học sinh. Do vậy, hành vi ứng xử của các thầy cô hết sức quan trọng, sự gương mẫu, chuẩn mực là đòi hỏi được đề cao ở đội ngũ giáo viên ở đây.


Hành vi ứng xử của các thầy cô hết sức quan trọng trong trường học nội trú

Hành vi ứng xử của các thầy cô hết sức quan trọng trong trường học nội trú

Theo Bộ trưởng Nhạ, nếu như đội ngũ giáo viên này không chuẩn, không rèn luyện đạo đức thường xuyên, sẽ dẫn đến một số giáo viên không đáp ứng yêu cầu về chuẩn mực đạo đức; từ nhận thức đến hành động dẫn đến sự vụ rất đau lòng như vừa qua ở trường nội trú Thanh Sơn – Phú Thọ. Mặc dù phòng, chống, giới thiệu giáo dục giới tính là cần thiết nhưng ở phía người bị hại thì nhà trường, sự gương mẫu của các thầy cô là quan trọng.

Thầy giáo, cô giáo trong các trường PTDTNT không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, dạy đạo đức lối sống cho học sinh dân tộc thiểu số. Nếu các thầy cô không gương mẫu, mà còn có những hành vi phi đạo đức như trên thì không thể chấp nhận được, đành rằng đây là trường hợp cá biệt.

“Tôi kịch liệt lên án vụ xâm hại tình dục học sinh vừa qua ở trường nội trú Thanh Sơn – Phú Thọ. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của các thầy, cô giáo trong trường PTDTNT” – Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Nhấn mạnh với các đại biểu tại hội nghị, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, với trách nhiệm của cơ quan quản lý chúng ta phải đặc biệt quan tâm để làm sao một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô yên tâm công tác; nhưng mặt khác phải thường xuyên nhắc nhở, có biện pháp, chế tài để nâng cao trách nhiệm của thầy, cô giáo trong việc tu dưỡng đạo đức, lối sống hành vi ứng xử trong nhà trường.

Bộ trưởng cũng cảnh tỉnh, nếu các trường PTDTNT không chú trọng rèn luyện thường xuyên đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo thì chắc sẽ khó tránh khỏi trường hợp như báo chí nêu. Do vậy Bộ trưởng yêu cầu nâng cao hơn nữa giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo trong các trường PTDTNT bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục.

Để trường PTDTNT mang lại hiệu quả giáo dục như mục tiêu trong giai đoạn 2018 – 2028 phải có những định hướng giải pháp phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục và thực tiễn phát triển KT – XH ở vùng DTTS, miền núi hiện nay. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nhạ đề nghị các địa phương tập trung thảo luận về cơ chế chính sách, mô hình phát triển, các kiến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển, hỗ trợ đời sống giáo viên để Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tham mưu với Chính phủ trong kế sách phát triển hệ thống trường PTDTNT cả nước trong thời gian tới.

Hồng Hạnh