Bạn đọc viết:

“Vỡ mộng” với trường điểm

(Dân trí) - Năm nay con tôi lên lớp 6. Ngôi trường mà con đang theo học có điểm xét tuyển rất cao. Học sinh muốn trúng tuyển phải đạt hầu hết các điểm 10 ở những kì thi cuối năm của bậc tiểu học và ít nhất là 1 giải thưởng trong cuộc thi học sinh giỏi cấp quận ở một môn học nào đó.

Rõ ràng, để có được kết quả ấy, hành trình học tập của các con không hề đơn giản. Thế nên, cả cha mẹ lẫn con đều cảm thấy vô cùng phấn khởi, tự hào nếu vào được ngôi trường này.

Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, bao nhiêu háo hức ban đầu dần tiêu tan hết, thay vào đó là nỗi ấm ức, thất vọng vừa ngấm ngầm vừa công khai.

Trước hết là “nạn” quá tải sĩ số. Theo thông báo tuyển sinh ban đầu chỉ tiêu số lượng là 6 lớp với 210 học sinh tức là trung bình mỗi lớp chỉ có 35 em. Đó con số mơ ước, lý tưởng cho một lớp học chất lượng cao. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến ngôi trường hấp dẫn ngay từ ban đầu khiến phụ huynh tha thiết cho con em mình vào học bằng được. Nhưng thực tế thì sĩ số hiện nay đã lên đến 50 em một lớp, không khác gì các lớp học đại trà khác. Hiện tượng “chạy” trường, “chạy” lớp xưa nay không phải hiếm trong xã hội ta nhưng từ 35 lên tới 50 thì là một con số quá đáng, nghĩa là cứ mỗi lớp có tới 1/3 học sinh xin vào.

Từ ngày khai giảng chính thức đến nay đã hơn 2 tháng mà lớp học vẫn “rả rích” vài hôm lại có thêm bạn mới. Như thế rõ ràng là bất công, vô lý với những đứa trẻ phải đổ mồ hôi công sức học tập vất vả để đủ điểm xét tuyển vào trường.Tất nhiên trong số các bạn xin vào có nhiều em học tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả đều tốt và việc tuyển sinh ồ ạt sai khác so với thông báo ban đầu là đúng đắn.

Sau đó là nỗi thất vọng về cơ sở vật chất. Gọi là trường điểm, mới xây, cơ ngơi khang trang nhất quận nhưng thiết kế các phòng học lại không có đầu dây chờ để lắp điều hòa, rèm treo cửa cũng không có. Học sinh phải tự đóng tiền chi phí toàn bộ. Thậm chí hệ thống điện của trường không đủ khả năng để tải được 1 lớp hai chiếc điều hòa, muốn lắp phải thuê đơn vị khảo sát, thiết kế, làm dây dẫn từ cột điện kéo vào từng lớp, vô cùng tốn kém.

Ngoài ra, nhà trường tuy được đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi nhưng học sinh lại không hề được sử dụng đại trà, ai muốn bơi thì phải tham gia lớp học bơi với mức phí đóng háng tháng khá cao. Vậy con nhà nghèo sẽ không bao giờ có cơ hội được thụ hưởng loại hình cơ sở vật chất này. Phòng học chức năng tuy có nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Bằng chứng là lớp của con tôi bị cắt bỏ môn tin học do trường thiếu máy tính, để nhường cho các anh chị lớp trên cần hơn.

Không chỉ vậy, trường còn tồn tại vấn đề nổi cộm là hiện tượng lạm thu. Bất cứ khoản tiền nào cần đóng góp cũng cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các trường khác. Từ tiền ăn bán trú đến tiền đóng điều hòa, tiền học thêm, tiền quỹ các loại. Nhà trường cũng giống như nhiều nơi khác thông qua lá bài là hội đại diện cha mẹ học sinh để đưa ra thập cẩm các khoản thu, trên danh nghĩa không trực tiếp thu nhằm né tránh dư luận nhưng ai cũng hiểu trường đã bật đèn xanh cho hội phụ huynh từ trước rồi. Phần lớn các bậc cha mẹ vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con nên cắn răng đóng góp cho xong.

Chất lượng học tập thì chưa biết ra sao. Chỉ thấy kết quả bài kiểm tra giữa kì theo đề chung của Sở cho tất cả các trường trong quận tương đối thấp, mà lượng kiến thức thì rất đơn giản, nằm hoàn toàn ở những bài đầu của chương trình lớp 6, không có gì liên quan đến bậc tiểu học. Trung tâm tiếng Anh mà trường liên kết cũng không đạt chất lượng như phụ huynh và học sinh kì vọng. Nhiều em bỏ giữa chừng để ra học thêm ở trung tâm khác.

Tóm lại, tôi và nhiều phụ huynh khác có con được vào lớp 6 của trường khi trước kì vọng bao nhiêu thì nay lại thấy thất vọng bấy nhiêu. Qua đó mới thấy trường điểm không có nghĩa là tốt, ngôi trường mơ ước không có nghĩa là đẹp như ước mơ nên các bậc phụ huynh đừng buồn nếu con em mình không vào được những ngôi trường ấy và cũng đừng quá thúc ép con phải học thật giỏi để vào bằng mọi giá.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!