Bạn đọc viết:

Có cần thiết phải ép con thi vào trường điểm?

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng sẽ cho con học đúng tuyến vì thực lực của con không đủ để thi, quan trọng hơn là con không bị áp lực học hành dẫn đến mệt mỏi, sợ học. Sau rất nhiều lần cân nhắc, tôi cũng nhận ra việc cố ép con thi vào những trường chất lượng cao là không cần thiết.

Mùa hè năm nay, con trai tôi không tỏ ra hào hứng đón đợi như mọi năm. Thay vào đó là những băn khoăn khi chuẩn bị bước vào một môi trường học tập mới bởi năm học cuối cấp tiểu học sắp kết thúc.

Một đứa trẻ lớp 5 có lẽ chưa biết lo lắng nhiều cho việc học tập của mình, bởi thành thật mà nói nhiều khi tôi vẫn phải nhắc con học bài môn này, ôn bài môn kia. Khái niệm tốt nghiệp, ra trường, nhập học trường mới với con còn khá mơ hồ, khiến con nhiều lúc thể hiện sự lo lắng. Đó là khi con hỏi: Mẹ ơi, sang năm con học trường nào? Học lớp 6 có giống như học ở trường cũ nữa không? Các bạn bảo phải thi được điểm cao mới được vào lớp 6, nếu con không thi được thì sao? Học lớp 6 có dễ như tiểu học nữa không?...

Theo con kể thì ở lớp các bạn thường nói chuyện với nhau về việc sang năm sẽ học trường nào. Một số bạn khoe sẽ thi vào trường chuyên, trường điểm là những trường nổi tiếng toàn học sinh giỏi. Có lẽ vì nhận thấy mình không học giỏi bằng các bạn, không đủ tự tin thi đỗ vào những trường chất lượng cao nên con tôi có vẻ buồn.

Trước những thắc mắc của con, tôi đều giải thích cụ thể và dễ hiểu để con không cảm thấy “choáng ngợp” khi rời xa mái trường tiểu học đã gắn bó suốt 5 năm. Song vấn đề học trường nào và chọn “trường điểm” hay “trường làng” là khó giải quyết nhất.

Năm nay ngành giáo dục Hà Nội có sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh lớp 6 vào các trường chuyên, chất lượng cao song song với việc duy trì hình thức xét tuyển theo đúng tuyến cho học sinh. Khi một cánh cửa mở ra cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hy vọng mới xuất hiện. Con được học tập ở những môi trường chất lượng cao, những cái nôi bồi dưỡng học sinh giỏi luôn là nỗi niềm mong mỏi chung của các phụ huynh. Trên địa bàn gia đình tôi sống có tới hai ngôi trường cấp 2 chất lượng cao, lại rất gần nhà nên nói thật tôi rất muốn con được học ở những trường này.

Khi biết một số trường chất lượng cao sẽ tổ chức thi để tuyển sinh học sinh, tôi đã động viên con cố gắng học bài, mua thêm sách vở để con làm bài tập thật nhiều. Lúc đầu con cũng hào hứng và tỏ ra nhiệt tình với việc ôn luyện, làm bài tập nâng cao. Nhưng sau khi mẹ cho làm thử mấy đề thi tuyển sinh vào lớp 6 của các trường điểm thì con tỏ ra đuối sức: “Nhiều bài khó quá, con chưa làm bao giờ nên không biết giải thế nào”; “Ôi, thi vào lớp 6 mà khó thế này thì sao con làm được”…

Bản thân tôi cũng nhận thấy nếu không theo học một khóa ôn luyện bài bản và được giáo viên hướng dẫn thì con sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng để xử lý những bài tập nâng cao, hay dạng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp mà các trường áp dụng. Bởi mặc dù kết quả học tập trên lớp của con là khá tốt, đều đạt điểm 9, 10 các môn nhưng đó chỉ là kết quả đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đại trà. Bây giờ học sinh tiểu học đạt điểm 9, 10 các môn học là chuyện hết sức bình thường. Ở lớp, con rất ít khi phải làm những bài tập khó, các dạng toán nâng cao.

Một số bạn bè của tôi biết cháu sắp vào lớp 6 cũng hỏi han tình hình thi cử, chọn trường lớp thế nào. Có cô bạn khuyên kiểu gì cũng phải cố cho con vào học trường điểm thì môi trường học mới tốt, học cấp 2 là quan trọng, có học giỏi thì mới thi được vào lớp 10 rồi đại học được. Nếu cảm thấy con học chưa tốt thì tìm lớp học thêm, luyện thi ngay cho kịp…

Tuần trước, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, tôi thấy nhiều phụ huynh cũng trao đổi với nhau về vấn đề này. Ai cũng muốn hỏi con chị, con em định học đúng tuyến hay thi vào trường điểm? Học trường đúng tuyến không biết chất lượng thế nào nhỉ? Muốn thi vào trường điểm thì ôn thi ở đâu?/ Con nhà chị đã đi ôn thi ở đâu chưa?... Có người lại tiếc vì thông báo thi tuyển sinh muộn quá nên không kịp cho con học thêm, ôn thi.

Nói chung vấn đề chọn cho con một ngôi trường cấp 2 như ý để sau này không “ân hận” khiến chúng tôi khá căng thẳng. Song nhiều phụ huynh chia sẻ rằng sẽ cho con học đúng tuyến vì thực lực của con không đủ để thi, quan trọng hơn là con không bị áp lực học hành dẫn đến mệt mỏi, sợ học.

Sau rất nhiều lần cân nhắc, đánh giá sức học của con và tìm hiểu môi trường học tập ở những trường điểm, tôi cũng nhận ra việc cố ép con thi vào những trường chất lượng cao là không cần thiết. Bởi việc thi được vào đã khó nhưng quá trình học tập sẽ còn khó hơn, áp lực hơn rất nhiều. Thay vì nhìn con ngồi thẫn thờ, vất vả tìm cách giải cho xong những bài toán nâng cao, tốt hơn là chúng ta trao cho con sự tự tin, niềm hứng khởi để bước vào môi trường học tập mới. Dù học “trường làng” nhưng nếu con có sự tự tin khi được là chính mình, và được cha mẹ chia sẻ, thấu hiểu thì chắc chắn mọi thứ sẽ tốt đẹp.

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm