Thứ trưởng GD&ĐT: Không yêu cầu học sinh đeo mũ che giọt bắn trong lớp

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, không có yêu cầu học sinh trở lại trường phải đeo mũ chống giọt bắn, các địa phương nên cân nhắc để đưa ra khuyến cáo phù hợp.

Từ đầu tuần, nhiều địa phương đồng loạt cho học sinh trở lại trường, nhiều nơi buộc trẻ nhỏ phải đeo khẩu trang, đội mũ có tấm chắn giọt bắn và không bật điều hòa trong điều kiện thời tiết nắng nóng…

Vấn đề thời sự này được đặt ra với lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo tại cuộc họp báo Chính phủ tối 5/5 khi nhiều gia đình, phụ huynh đã lên tiếng về những hình ảnh “quá khổ” của con trẻ tại trường.

Thứ trưởng GDĐT: Không yêu cầu học sinh đeo mũ che giọt bắn trong lớp - 1
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tại cuộc họp báo tối 5/5.

Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo báo cáo, các địa phương trên cả nước đã có 3 đợt tổ chức cho học sinh đi học trở lại, rải rác từ trước đợt nghỉ lễ 30/4 đến nay.

Cho đến ngày hôm qua thì toàn bộ 63 tỉnh thành trên cả nước đã mở lại trường học nhưng chủ yếu vẫn là học sinh THPT và THCS, tập trung vào 2 khối lớp là lớp 9 và lớp 12 để đáp ứng yêu cầu các kỳ thi chuyển cấp sắp tới của học sinh. Tỷ lệ học sinh đi học trở lại rất cao.

Thứ trưởng Độ nhấn mạnh quan điểm của Bộ Giáo dục – Đào tạo là “đã đi học phải an toàn”, mà an toàn phải căn cứ vào đánh giá của cơ quan chuyên môn.

Ông Độ cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục dựa vào khuyến cáo này xây dựng tiêu chí đánh giá của nhà trường an toàn, trong đó có một số tiêu chí cứng như: Giữ khoảng cách; đeo khẩu trang; rửa tay; khử khuẩn nhà trường…

“Nhưng không có tiêu chí nào là phải đeo nón chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương”, ông Độ nhận xét và cho rằng nên làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế chưa khuyến cáo thì địa phương nên cân nhắc để đưa ra khuyến cáo cho phù hợp.

Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng, đại học với học sinh lớp 12, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện luật Giáo dục đại học, hiện có rất nhiều trường đại học được thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có việc tự chủ phương án tuyển sinh.

Theo đó, các trường này đều có thể lựa chọn sử dụng các phương án như thi tuyển trực tiếp hoặc xét tuyển thi THPT. 3 năm qua, tỷ lệ trường đại học tuyển sinh dựa trên xét tuyển thi THPT giảm dần, từ mức 81,5% số sinh viên được tuyển vào theo kết quả thi này vào năm 2017 giảm xuống mức 73% vào năm 2018 và 62,2% năm 2019.

Số lượng trường tự chủ tổ chức thi tuyển, như vậy, nhiều hơn qua các năm.

Xu hướng ngược lại, ông Độ dẫn chứng, Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển từ phương án tổ chức thi thành sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi hoàn toàn có thể đánh giá kết quả 12 năm học phổ thông củahọc sinh. Đề thi năm nay được thiết kế theo tinh thần chương trình được tinh giản, sẽ giảm độ khó nhưng vẫn có độ phân loại để đánh giá chuẩn xác học sinh khá, giỏi, trung bình đảm bảo cho các trường sử dụng làm căn cứ tuyển sinh.

Thái Anh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm