“Phá đi làm lại” vào đề Văn học sinh giỏi ở TPHCM

(Dân trí) - "Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại/ Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông" - câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân nói lên thực trạng và cũng là lời cảnh tỉnh về sự nông nổi của người trẻ đã được đưa vào đề Văn kỳ thi Học sinh giỏi lớp 12 tại TPHCM diễn ra ngày 5/3.

Cụ thể câu 1 của đề thi: 

"Tập thơ "Có người sực tỉnh cơn mơ…", nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trải lòng: 

Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại

Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông

Rồi đến lúc chẳng còn nhiều lựa chọn

 Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn. 

Từ đó đề yêu cầu thí sinh: “Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ bài thơ trên”.

“Phá đi làm lại” vào đề Văn học sinh giỏi ở TPHCM - 1

Đề Văn kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 của TPHCM 

Nhiều giáo viên đánh giá, đề chọn dữ liệu của một nhà thơ trẻ nhưng đặt ra vấn đề rất gần gũi và sâu sắc với thế hệ học trò, thế hệ trẻ. Đó không chỉ là thực trạng, tâm thế của rất nhiều bạn trẻ "cậy" vào tuổi tác của mình, cho mình cái quyền được nông nổi, được sai một cách dễ dàng, dễ dãi với suy nghĩ "phá đi làm lại". 

Việc suy nghĩ bồng bột làm họ dễ bị đẩy đến những cái sai hay chấm nhận cái sai của người khác. Trong khi, những điều xấu còn đến từ sự im lặng trước cái sai của người tốt. 

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là đề không đưa ra đánh giá, không áp đặt một tư tưởng hay khuôn mẫu cho thí sinh. Các em có thể đồng tình nhưng cũng có thể phản biện bảo vệ cái sự nông nổi, không ngại sai của tuổi trẻ khi xem đó là những trải nghiệm, là những bước thăng trầm của cuộc sống để mình bước qua. 

Không làm sai chưa chắc đã biết mình cần làm đúng, cuộc sống sẽ khó tránh việc sai - đúng. Quan trọng nhất là cách mình nhìn nhận, đánh giá và vượt qua theo hướng tích cực. 

Một cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM nhận xét có lẽ, đề thi đã thức tỉnh trong người trẻ về ý nghĩa thời gian của tuổi trẻ. Liệu suy nghĩ "trẻ thì dễ phá đi làm lại" có phù hợp? Liệu có đúng không khi cho rằng người trẻ có quyền liều lĩnh, nông nổi vì còn có nhiều thời gian để khắc phục, sửa chữa?

 

Ắt hẳn trong quá trình bàn luận, giải quyết các vấn đề của đề các em cũng sẽ ý thức hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn về hành động, thái độ của mình trước những lựa chọn quan trọng sắp tới như nghề nghiệp, người yêu...

 

“Đề thi không chỉ là thước đo kĩ năng, kiến thức, tâm hồn mà còn là sự tự trải nghiệm và tự thức tỉnh”, thầy giáo này đánh giá.

Cũng trong đề Văn nói trên, câu hỏi phần nghị luận văn học đưa câu bình của tác giả Huỳnh Như Phương: "Đọc văn là một cách để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác thông qua những mối tương giao tinh thần với nhân loại". 

Từ đó, đề yêu cầu thí sinh trình bày cách hiểu của mình về "mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác" bằng những trải nghiệm đọc các tác phẩm văn học".

Câu hỏi này cũng nhận được nhiều đánh giá cao về chọn dữ liệu có chiều sâu về văn học, phù hợp với kỳ thi học sinh giỏi, cách đặt vấn đề và sự "tự do" trong lựa chọn tác phẩm chính là trải nghiệm của thí sinh chứ không ràng buộc trong giới hạn nào.

de Van hoc sinh gioi tphcm-.jpg

Sau buổi thi ngày 5/3, nhiều học trò, giáo viên thích thú chia sẻ về đề thi này.

Đề thi cũng mang ý nghĩa văn học là nhân học khi đặt ra giá trị của văn học đối với đời sống tinh thần của mỗi người. "Sống thêm một cuộc đời khác" để hiểu biết, đồng cảm, yêu thương, mở lòng và từ đó chúng ta sẽ có khát khao để hoàn thiện bản thân. 

"Trong cùng một đề thi, hai câu độc lập nhưng lại có một sự liên kết nhuần nhuyễn. Từ thực trạng sự bồng bột, từ "cậy được sai" cho đến lắng mình lại để chia sẻ, đồng cảm, đặt mình vào người khác", cô Nguyễn Như Anh, một giáo viên dạy Văn đánh giá về đề Văn nói trên. 

Hoài Nam 

 

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục