Muốn đỗ khối ngành Công nghệ thông tin ở các trường “tốp đầu”, cần bao nhiêu điểm?

(Dân trí) - Một số trường đại học tốp đầu về khối ngành CNTT đã đưa ra những dự báo về điểm chuẩn năm 2018 cho thí sinh. Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành trong khối ngành CNTT năm nay có thể giảm từ 1-3 điểm so với năm ngoái.

Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ ngày 15/7, một thí sinh đặt câu hỏi: "Khối A01 năm nay cháu thi được 24 điểm, muốn học khối ngành CNTT ở ĐH Bách Khoa Hà Nội có được không, hay trường nào khác?"

Trả lời băn khoăn trên, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong 5 - 6 năm gần đây, nhà trường đều có điều kiện sơ tuyển về tổ hợp xét tuyển trong hồ sơ của các em thí sinh. Đối với ngành Công nghệ thông tin (CNTT), trường xét tuyển theo tổ hợp A00 và A01, tổng trung bình của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 6 kỳ THPT phải trên 20 điểm. Sau này nhà trường sẽ hậu kiểm.

Nhằm cung cấp thông tin tới phụ huynh và học sinh một cách tốt nhất, năm nay nhà trường có đưa ra dự báo điểm chuẩn. Ngành CNTT của ĐH Bách khoa Hà Nội với chương trình đào tạo đại học chính quy đại trà có tách ra 3 mã ngành đào tạo sâu hơn gồm: Khoa học máy tính (IT1), Kĩ thuật máy tính (IT2) và Công nghệ thông tin (IT3).

Riêng ngành CNTT có mã ngành IT3 có thể thí sinh chưa hiểu kĩ nên số lượng hồ sơ đăng ký đến thời điểm 20/4 là rất đông. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng, ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” và gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, nhà trường đưa ra dự báo điểm trúng tuyển vào khối ngành IT3 cao hơn so với IT1 và IT2

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay điểm chuẩn vào khối ngành CNTT của trường có thể giảm 1-3 điểm.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay điểm chuẩn vào khối ngành CNTT của trường có thể giảm 1-3 điểm.

PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, trường hợp của em có thể đỗ vào 3 chương trình này. Ngoài ra, trường còn 2 chương trình liên kết CNTT (chương trình Việt - Nhật đào tạo theo chuẩn Nhật Bản và chương trình CNTT toàn cầu – ICT) với mức điểm đỗ thấp hơn 3 chương trình phía trên. Do đó, nếu muốn vào học CNTT ở ĐH Bách Khoa Hà Nội, thí sinh trên sẽ có 5 lựa chọn và nếu lựa chọn hết 5 lựa chọn đó, khả năng trúng tuyển vào khối ngành CNTT ở trường của em rất cao.

Cũng theo ông Tớp, hầu hết các trường kỹ thuật hiện nay ở Việt Nam đều có ngành CNTT, có trường điểm cao, có trường điểm thấp. Vì vậy, vị này khuyên phụ huynh học sinh tham khảo ngành CNTT của trường khác, điểm trúng tuyển của năm ngoái và kể cả năm trước nữa.

“Lấy điểm trúng tuyển của năm ngoái, lùi đi 1 vài điểm, thậm chí có những ngành lùi đi 3 điểm thì có thể trở thành điểm trúng tuyển của năm nay”, PGS.TS Trần Văn Tớp tư vấn.

Theo TS. Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN), thí sinh yêu thích nhóm ngành CNTT có nhiều lựa chọn ở các trường đại học. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đây hiện là nhóm ngành rất “hot”. Các trường như ĐH Công nghệ Hà Nội, ĐH Mỏ - Địa chất cũng có nhóm ngành CNTT chất lượng, với điểm đầu vào ở tốp thấp hơn so với trường ĐH Bách Khoa.

TS. Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN).
TS. Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN).

Ông Bình cũng nhắn nhủ thêm rằng: “Nếu bạn trẻ yêu thích ngành CNTT thì yên tâm rằng, khi ra trường nhà tuyển dụng không hỏi anh/ chị tốt nghiệp ở trường nào mà chỉ cần yêu cầu ứng viên giỏi CNTT. Đã giỏi về CNTT thì anh/ chị tốt nghiệp ở trường nào người ta cũng trọng dụng”.

Những lưu ý khi đăng ký chương trình CNTT liên kết nước ngoài

Thí sinh đặt câu hỏi: “Em rất thích ngành CNTT nhưng chỉ được 21,5 điểm cả điểm ưu tiên. Ở trường ĐH Bách Khoa có những chương trình CNTT liên kết với nước ngoài như Đức và Úc, dự kiến điểm chuẩn chỉ 18-20,5 điểm nên em hi vọng mình có thể đỗ. Tuy nhiên, em có một băn khoăn, điểm chuẩn giữa các ngành CNTT của trường lại cao (khoảng 25-26 điểm) hơn chương trình CNTT liên doanh. Với mức điểm chuẩn khác nhau, có sự thay đổi gì về chất lượng đào tạo không?”

Các chuyên gia lưu ý, để hoc chương trình CNTT liên kết quốc tế, ứng viên cần chú ý đến điều kiện về tài chính và khả năng ngoại ngữ.
Các chuyên gia lưu ý, để hoc chương trình CNTT liên kết quốc tế, ứng viên cần chú ý đến điều kiện về tài chính và khả năng ngoại ngữ.

PGS.TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, câu hỏi của thí sinh cũng là câu hỏi mà nhà trường thường nhận được về điểm trúng tuyển khối ngành CNTT. Theo đó, các chương trình chính quy về CNTT của nhà trường kiên định với mục tiêu đảm bảo chất lượng, đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra.

Riêng đối với các chương trình CNTT liên kết với quốc tế, chuẩn đầu ra chính là chuẩn mà các trường đối tác nước ngoài liên kết đặt ra. Hiện, trường Bách Khoa có 4 chương trình liên kết với các trường sau đây: ĐH LaTrobe (Úc), ĐH Victoria Wellington (New Zealand) và ĐH Grenoble INP (Pháp)...

Thông thường, những chương trình này yêu cầu đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình liên kết với sự tham gia giảng dạy của các đối tác nước ngoài. Do đó, các em có thể đi học theo hình thức 2+2, 3+1, hoặc toàn phần ở đại học. Trong trường hợp, sinh viên có 1-hoặc năm đi học ở trường đối tác thì sẽ được cấp bằng của trường đối tác và học phí những năm đi du học phải đóng theo mức của trường đối tác. Hiển nhiên, giai đoạn các em học ở ĐH Bách Khoa Hà Nội được đối tác công nhận.

Do vậy, một điểm lưu ý đối với thí sinh là chương trình lựa chọn ứng viên đảm bảo có đủ năng lực và ngoại ngữ để học cùng sinh viên nước ngoài bằng tiếng Anh. Học phí của các chương trình này từ 45-50 triệu đồng/ năm (cao hơn so với chương trình đại học chính quy đại trà khoảng 2,2 lần). Học phí ngành CNTT năm nay ở trường Bách Khoa khoảng 20 triệu đồng/ năm).

Riêng chương trình liên kết với ĐH Troy (Hoa Kỳ), do trường đối tác đảm đương giảng dạy phần lớn môn học, 100% giảng dạy bằng tiếng Anh, việc xét cấp bằng hoàn toàn do ĐH Troy thực hiện nên mức học phí sẽ cao hơn (khoảng 75 triệu đồng/ năm).

TS. Lê Xuân Thành (Trưởng phòng công tác sinh viên, ĐH Mỏ - Địa chất) lưu ý: Để học chương trình quốc tế và liên kết thì ngoài điều kiện về tài chính thì khả năng ngoại ngữ là rào cản tương đối lớn đối với các ứng viên.

TS. Lê Xuân Thành (Trưởng phòng công tác sinh viên, ĐH Mỏ - Địa chất)
TS. Lê Xuân Thành (Trưởng phòng công tác sinh viên, ĐH Mỏ - Địa chất)

“Các em phải tự tin và trau dồi ngoại ngữ để theo được chương trình CNTT liên kết với quốc tế. Mặc dù ngưỡng điểm đầu vào có thể thấp hơn một chút so với chương trình đào tạo đại trà trong nước một chút nhưng những chương trình này lại được khống chế chuẩn đầu ra theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Nếu như, sinh viên không đảm bảo yêu cầu của đối tác liên kết thì các em sẽ không được tốt nghiệp”, ông Thành cho hay.

Lệ Thu