Khi cô giáo trở thành... gấu mẹ

Cảnh học sinh lớp 12/9 cầm khẩu hiệu “Học nghiêm túc tiến bộ, vì Gấu mẹ vĩ đại” khi nhận tin vui cô Thương quay lại làm chủ nhiệm lớp khiến nhiều người xúc động. Đây là lớp học từng bị liệt vào dạng “cá biệt” của trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).

Khi cô giáo trở thành... gấu mẹ
Cô Thương (áo đen đứng giữa) và tập thể lớp 12/9 trong ngày nhận tin vui cô được ở lại chủ nhiệm lớp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
 

35 tuổi, “Gấu mẹ” Phạm Hoài Thương được biết đến không chỉ là một cô giáo mẫu mực chuyên cảm hóa học sinh cá biệt trong trường, mà còn là vị cứu tinh giúp đỡ những số phận kém may mắn. Nhiều bà mẹ khó khăn, những đứa trẻ bị bỏ rơi đã được “hồi sinh” nhờ những nghĩa cử cao đẹp của cô.

 
Làm đơn “xin” lại cô chủ nhiệm
 
Một buổi học cuối tháng 10/2014, tập thể học sinh lớp 12/9 trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) hay tin cô Phạm Hoài Thương sẽ được chuyển sang lớp khác, không còn chủ nhiệm lớp mình nữa. Sự việc ngay lập tức tạo thành đề tài nóng khi nhiều học sinh trong lớp tìm mọi cách gây “sức ép” để giữ cô lại. Nhiều phụ huynh, học sinh còn viết đơn khẩn cầu lên lãnh đạo nhà trường  “xin” cô giáo chủ nhiệm ở lại.
 
Lớp 12/9 từng được biết đến là một lớp “cá biệt” của trường. Với nhiều thầy, cô giáo, việc “tránh” khỏi lớp này là một điều đáng mừng nhưng cô Hoài Thương lại tình nguyện dẫn dắt lớp. “Ngày nhận lớp, bản thân mình cũng lo lắm. Lớp từ lâu đã “nổi tiếng” về nhiều thứ. Nhưng khi đã đến với các em rồi thì quyết tâm cùng nhau phấn đấu thôi”, cô Thương kể lại.
 
Vào lớp, đầu tiên cô Thương dành nhiều thời gian làm quen, trò chuyện để nắm bắt tâm tư của các em. Từ đó tìm ra cách dạy phù hợp. Nhờ sự tận tình và phương pháp dạy khác lạ, tình cảm cô trò ngày càng thắm thiết, các em học sinh cũng tiến bộ từ ngày cô Thương về làm chủ nhiệm.
 
Điều đặc biệt, là gần 40 học sinh lớp 12/9 từ đó đều gọi cô giáo là “Gấu mẹ”. Cô Thương chia sẻ: “Chúng coi mình như mẹ chúng, cũng có thể là người bạn cùng tuổi, nên cái gì cũng kể, gặp cái gì cũng hỏi. Nghe nhiều, làm “chuyên gia” nhiều nên bây giờ tính cách mình cũng… teen hẳn”. Cũng vì tình cảm cô trò thắm thiết nên ngày hay tin “mẹ” Thương sắp thôi không chủ nhiệm nữa, cả lớp khóc sụt sùi, nhiều học sinh đã viết những bức tâm thư tha thiết gửi cho cô chủ nhiệm, mong cô ở lại.
 
Kết quả, lãnh đạo trường THPT Ngũ Hành Sơn đã đồng ý theo nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Sau thời gian cô trò cùng cố gắng, tập thể lớp 12/9 đã thu về những quả ngọt khi có tới hơn chục em đạt học sinh tiên tiến, không có học sinh xếp loại yếu, kém và đứng hạng “bét” của trường như hai năm trước.
 
Chia sẻ yêu thương
 
Bận rộn với công tác giảng dạy ở trường, song cô Thương vẫn luôn dành tối đa thời gian để tìm đến giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Chứng kiến những hoàn cảnh éo le trong những lần đi từ thiện, chị đứng ra kêu gọi thành lập “Nhà từ thiện mẹ và bé Đà Nẵng” - hội từ thiện giúp đỡ các bà mẹ nghèo, trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi ở  Đà Nẵng.

“Cô ơi sao cô nỡ bỏ chúng em mà đi. Cô không chỉ là người nâng đỡ, dìu dắt tụi em, cô còn là “Gấu mẹ” truyền cảm hứng cho chúng em tiến bộ. Cô đi rồi, tập thể lớp 12/9 chúng em phải sống sao đây”. Đó là những dòng tâm thư cảm động của bạn Chí Hiếu - lớp trưởng 12/9 gửi đến cô giáo Phạm Hoài Thương với mong muốn cô ở lại chủ nhiệm lớp

 
Trong gần một năm hoạt động, cô Thương cùng một số người bạn đã đi khắp nơi kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ. Sau đó, lặn lội đến nhiều nơi, như Trung tâm nuôi trẻ mồ côi Đà Nẵng (đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà), Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng… để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Như trường hợp bé Hồ Công Quý bị bỏ rơi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, được cô xem như con đẻ. Quý mắc bệnh viêm phổi, lõm lồng ngực, còi xương, phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Những ngày cuối năm, bệnh bé trở nặng, cô Thương và các mẹ đã thay nhau túc trực ngày đêm bên bé. Ngày “con” ra đi, cô Thương như đứt từng khúc ruột.
 
“Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng thiệt thòi nhất trong xã hội. Đi nhiều nơi, đã biết bao lần mình không cầm nổi nước mắt trước hoàn cảnh đáng thương của các bé. Các em quá nhỏ nên rất cần sự sẻ chia. Vì vậy, còn sức bao nhiêu, mình sẽ cố gắng làm những điều phúc đức giúp những người kém may mắn”, cô Thương chia sẻ.
 
Theo Đào Phan

Tiền Phong