Hoa hồng trên giấy

(Dân trí) - ‘Đến ngày 20/11, con có chuẩn bị quà tặng cho thầy cô của mình không? - “Con có ạ, đó là bông hoa hồng đỏ ạ!”. - Ồ, con mua hoa ở đâu hay trong vườn nhà mình có nhỉ? - “Dạ hoa hồng trên giấy cô dạy con vẽ ạ!”…

Ngược về nơi ấy

Những ngày này, trong khi nhiều nơi trên cả nước tổ chức sự kiện trọng đại để tri ân các thầy cô giáo thì chúng tôi, cũng vẫn mục đích ấy nhưng tìm về vùng cao, nơi cách Hà Nội gần 400km. Đó là Trường Phổ Thông Dân Tộc bán trú Chế Là đóng trên địa bàn xã Chế Là, một xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.


Một giờ học thường ngày ở trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chế Là

Một giờ học thường ngày ở trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chế Là

Đường từ Hà Nội lên Hà Giang vốn chẳng dễ dàng chút nào, nhất là từ những khu vực địa bàn miền núi, những con đường cheo leo và rình rập nhiều hiểm nguy. Càng đến gần huyện Xín Mần, rồi đến xã Chế Là cách trung tâm huyện 18km, đường càng khó đi.

Con đường chỉ có một chiều đi lên, nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm. Những khúc quanh gấp chỉ cỡ 15 đến 20 độ. Xe liên tục về số và bắt cua, độ cao lên nhanh. Trên một mặt núi mà các tầng đường chồng lên nhau mãi, đi phía dưới thì không biết con đường phía trên là thế nào, mà đi phía trên thì con đường phía dưới đã ẩn vào bóng núi. Đi lâu lắm mới lại gặp vài ba mái nhà. Và đi mãi mới gặp được điểm trường…

3 điểm trường thuộc 3 thôn cách trường chính 6 km đường mòn đá Tai Mèo. Một bên là vực sâu, một bên là núi đá dựng đứng, đoàn chúng tôi đã phải di chuyển bằng xe máy và đi bộ men theo đường dân sinh qua các núi đá.


Lớp học ở một điểm trường tại xã Chế Là.

Lớp học ở một điểm trường tại xã Chế Là.

Đến được điểm trường đầu tiên, những tưởng ai cũng sẽ cần phải nghỉ ngơi một lúc vì đã thấm mệt thì bất ngờ chúng tôi nhìn thấy các em học sinh đã xếp hàng ngay ngắn trong những tấm áo mong manh, mặt mũi còn lấm bẩn đứng chờ sẵn cùng vỗ tay, cùng hát chào đón. Những nụ cười hồn nhiên, háo hức trên khuôn mặt bé thơ đã khiến mọi người quên đi quãng đường vừa trải qua. Cả đoàn ai cũng xúc động, có người không cầm nổi nước mắt… Chúng tôi cùng là thành viên của một đoàn thiện nguyện muốn được góp chút công sức nhỏ bé để ươm những mầm xanh nơi đây. Khỏi phải nói các em học sinh vui mức nào khi được nhận những phần quà thiết thực như áo ấm, chăn ấm, đồ dùng học tập, bánh kẹo… nhưng có lẽ chúng tôi cảm nhận các thầy cô còn vui hơn khi họ nhìn thấy những học trò thân yêu của mình vốn hàng ngày thiếu thốn đang được quan tâm chia sẻ.

Cùng có mặt đón đoàn, ông Tô Xuân Hưng – Phó Chủ tịch xã Chế Là không giấu nổi xúc động: “Chúng tôi thực sự cảm kích tấm chân thành của người miền xuôi đã vượt một chặng đường quá gian truân để đến thăm thầy cô và học sinh của trường. Món quà vô cùng ý nghĩa này không thể nói hết bằng lời, nó là nguồn động viên lớn để chúng tôi cố gắng vượt qua khó khăn trong sự nghiệp giáo dục ở địa bàn”.

“Xót lòng” lớp học vùng cao

Theo ông Hưng, xã Chế Là có 3 điểm trường: trường mầm non, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung Học cơ sở. Ở tại trường chính chỉ có trường Trung học. Nhưng ngay cả trường chính thì cái gì cũng thiếu, thậm chí là thiếu nhiều, từ phòng học, bàn ghế đến các các đồ dùng học tập, thiết bị dạy học… mọi thứ đều mang tính chất tạm bợ, sơ sài. Với điểm trường tiểu học và mầm non thì cơ sở vật chất càng tồi tàn hơn, 90% lớp học được xây dựng bằng những bức tường mỏng hoặc ghép ván không đảm bảo cơ sở vật chất cho việc dạy học. Đến phòng công vụ bố trí cho giáo viên thì cũng phải ghép từ 3-5 giáo viên chung một phòng với diện tích là 4x6m2…

Hoa hồng trên giấy - 3

Trường học nội trú nhà tranh, vách đất đúng nghĩa là ở đây

Trường học nội trú "nhà tranh, vách đất" đúng nghĩa là ở đây

Có đến tận nơi, chúng tôi mới cảm nhận được sự khập khiễng đến mức chẳng dám so sánh với điều kiện dạy học ở Hà Nội. Đúng như lời của Phó Chủ tịch xã Tô Xuân Hưng chia sẻ, lớp học “nhà tranh, vách đất” đúng nghĩa là ở đây, nơi các em hàng ngày ngồi học với bốn bề chỉ được lợp tạm bằng vách đất, tranh, tre, nứa lá, xập xệ, nguy hiểm luôn rình rập.

Giáo viên cho biết, những ngày mưa nước dột chảy xuống nhiều, mùa đông gió lùa lạnh giá, các thanh xà gồ mỏng manh như không còn đủ sức chịu đựng những tấm ngói Proximang cứ đập dồn dập kèm theo những tiếng gió rít luồn qua khe nghe đến ghê người. Đến mùa khô hanh, gió Lào thổi mạnh, nhiều hôm có cơn lốc như muốn hất tung cả lớp học, luôn đe dọa tính mạng thầy trò bởi hầu hết cột nhà, các vỉ kèo chỉ là những cây gỗ, cây tre tạm không biết sập đổ bất cứ lúc nào… Chẳng ai dám nghĩ đến điều gì có thể xảy ra!

Thầy Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chế Là nói trong xót xa: “Lớp học không đảm bảo an toàn, chúng tôi rất thương các em. Chỉ mong trường được xây dựng nhà lớp học kiên cố, để thầy trò an tâm dạy và học”.

Món quà cảm động

Đến trường vào những ngày này, chúng tôi thực sự tò mò về việc học sinh ở đây sẽ làm gì biểu lộ tình cảm của mình với thầy cô. Vây quanh tôi lúc này là những gương mặt bé nhỏ hồn nhiên. Nhưng tôi ấn tượng với em bé gái Cu Thị Xanh - người dân tộc Mông. Em có đôi mắt rất quyết đoán, đầy nghị lực. Em chăm chăm nhìn tôi. Và tôi lại gần hỏi em:

“Con có biết ngày 20.11 là ngày lễ gì không nhỉ?

- Dạ, là ngày Nhà Giáo Việt Nam cô ạ!

- Đúng rồi, ngày đó còn được gọi là ngày hội thầy cô. Vậy con có chuẩn bị quà tặng cho thầy cô của mình không?

- Con có ạ, đó là bông hoa hồng đỏ ạ!

- Ồ, con mua hoa ở đâu hay trong vườn nhà mình có nhỉ?

- Dạ hoa hồng trên giấy cô dạy con vẽ ạ!


Em Cu Thị Xanh cho biết sẽ tặng cô giáo bông hoa hồng trên giấy nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Em Cu Thị Xanh cho biết sẽ tặng cô giáo bông hoa hồng trên giấy nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tôi bất ngờ "ồ" lên với câu trả lời ấy xen lẫn cảm xúc khó tả. Lòng tôi như nghẹn lại. Tôi chợt hình dung đến giây phút các em học sinh lần lượt lên tặng cô những bức tranh hoa hồng do chính tay mình vẽ. Chắc hẳn sẽ thật nhiều sắc thái, và không thiếu những nét vẽ nguệch ngoạc, nhưng bức tranh nào cũng đẹp bởi được gửi cả tấm lòng của những học trò nghèo dành cho cô giáo. Tôi tin rằng, cô của các em sẽ rất hạnh phúc bởi sẽ chẳng có lời tri ân nào, có món quà nào ý nghĩa hơn thế.

Cô giáo Vũ Thị Nga đã có 4 năm gắn bó với trường nội trú Chế Là
Cô giáo Vũ Thị Nga đã có 4 năm gắn bó với trường nội trú Chế Là

Vẫn cảm xúc rưng rưng ấy, tôi trò chuyện với cô giáo Vũ Thị Nga, sinh năm 1988, quê Hưng Yên. Cô Nga đã có 4 năm công tác ở trường Chế Là. Giọng cô trìu mến nhớ lại những ngày đầu lên đây: “Thời gian đầu, em đã gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy vì các con nói tiếng địa phương. Em không hiểu các con nói gì. Vì thế, em phải đi học tiếng của người Mông và người Nùng, từ đó mới giao tiếp được và dạy các em học tiếng Kinh! Em cũng chẳng nhớ tự lúc nào đã thấy gắn bó với nơi này. Em yêu các con lắm!”.

Những phần quà đoàn gửi tặng các thầy cô dù có cố gắng chu đáo thì cũng không thấm gì so với những khó khăn mà họ đang ngày đêm phải đối mặt, song chúng tôi thấy may mắn vì có cơ hội được bày tỏ sự trân trọng của mình đối với các thầy cô.

Thầy Thích Giác Tại đích thân trao quà cho các em học sinh của trường
Thầy Thích Giác Tại đích thân trao quà cho các em học sinh của trường

Thầy Thích Giác Tại trụ trì Chùa Phúc Lâm (Hà Nam), Trưởng Đoàn thiện nguyện cho biết: “Tôi thực sự biết ơn tấm lòng của các tập thể thầy cô nơi này. Họ đã hi sinh để các cháu có được con chữ hầu mong (nguyện ước - PV) bước vào đời vững chãi”.

Con đường về vẫn khúc khuỷu như lúc lên, nhưng lòng người dường như ai cũng nhẹ nhõm, ấm áp hơn. Bởi chúng tôi đã được sưởi ấm từ trái tim của những người thầy đem con chữ lên vùng cao - những người là chiếc cầu nối đưa các mầm xanh đến bến bờ tương lai.

Lâm Mỹ - Lan Hương