Giáo sư Việt trong lùm xùm bài báo quốc tế bị gỡ: "Tôi bị lạm danh"

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - GS.TS Võ Xuân Vinh, người lọt vào top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, cho biết mình bị lạm danh để đứng tên trong một bài báo khoa học quốc tế.

Giáo sư Việt trong lùm xùm bài báo quốc tế bị gỡ: Tôi bị lạm danh - 1

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM (Ảnh: UEH).

Báo cáo bị "lạm danh" từ một tháng trước khi bài bị gỡ 

Ngày 10/5, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) chính thức có thông cáo báo chí liên quan tới việc GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh bị lạm danh để đứng tên trong một bài báo quốc tế bị gỡ bỏ hồi tháng 3/2024. 

Cụ thể, Tạp chí Environmental Science and Pollution Research (ESPR) thuộc Nhà xuất bản Springer hồi tháng 3 thông báo gỡ bỏ (retracted) bài báo của nhóm tác giả Trung Quốc, Việt Nam, Ghana, Eswatini.

Bài báo bị gỡ bỏ có tên "Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries", được xuất bản ngày 13/4/2021.

Tác giả Việt Nam có tên trong bài báo bị gỡ là GS.TS Võ Xuân Vinh (tác giả thứ 5 trong số 9 tác giả). 

Giáo sư Việt trong lùm xùm bài báo quốc tế bị gỡ: Tôi bị lạm danh - 2

Tạp chí Environmental Science and Pollution Research thông báo gỡ bỏ bài báo, trong đó có tên tác giả Võ Xuân Vinh (Ảnh chụp màn hình lúc 15h30 ngày 9/5).

Lý do Nhà xuất bản Springer gỡ bỏ bài báo khoa học trên bởi kết quả điều tra cho thấy bài báo này nằm trong một nhóm bài có nhiều vấn đề như: Các tài liệu tham khảo không phù hợp hoặc không liên quan; chứa nhiều cụm từ không chuẩn, không nằm trong phạm vi, chủ đề của tạp chí...

Sau khi hội ý với tổng biên tập, nhà xuất bản và tạp chí không còn tin tưởng vào các kết quả và kết luận của bài báo nên quyết định gỡ bài.

Cũng theo thông báo gỡ bài, trong số 9 tác giả, chỉ có 2 người phản hồi gồm tác giả đầu Mohammed Musah không đồng ý với quyết định; Tác giả Võ Xuân Vinh tuyên bố không biết đến việc nộp và xuất bản bài báo này.

Các tác giả Kaodui Li, Stephen Antwi, Jonas Bawuah, Yusheng Kong và Mary Donkor không phản hồi thông báo từ nhà xuất bản về việc gỡ bài. Hai tác giả còn lại là Isaac Mensah và Joseph Agyemang, nhà xuất bản không thể liên lạc được qua email. 

Theo Đại học Kinh tế TPHCM, nhà trường đã xử lý vụ việc vào tháng 3/2024. Ông Vinh đã tường trình và cung cấp các minh chứng cần thiết.

Theo đó, ngay sau khi phát hiện bị lạm danh, ông Vinh đã chủ động liên hệ Tổng biên tập tạp chí từ ngày 15/2/2024, một tháng trước khi bài báo bị gỡ bỏ. Trong nội dung thư gửi, ông Vinh khẳng định không liên quan đến bài báo, quy trình nộp bài báo, không đồng ý và không cho phép việc tên mình ở mục tác giả của bài báo. Ông Vinh đã đề nghị tạp chí xóa tên mình ra khỏi bài báo.

Ngày 21/3/2024, ông Vinh nhận được email hồi đáp từ tổng biên tập tạp chí cho biết tác giả Mohammed Musah đã gửi thư cho tổng biên tập xác nhận về việc tự ý đưa tên GS. Võ Xuân Vinh vào bài báo mà không có sự đồng thuận từ phía ông Vinh, đồng thời, xin lỗi về sự việc này. Tạp chí cũng đã chuyển tiếp thư này đến bộ phận Liêm chính học thuật của Nhà xuất bản để xử lý các bước tiếp theo.

Tác giả lên tiếng

Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 9/5, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) xác nhận ông đang bị ảnh hưởng bởi lùm xùm từ một bài báo vừa bị tạp chí quốc tế gỡ bỏ.

Ông khẳng định không là tác giả bài báo này và đã phản hồi tới nhà xuất bản trước khi bài báo bị gỡ. 

GS Võ Xuân Vinh cho biết: "Tôi bị lạm danh, sử dụng danh nghĩa để đứng tên đồng tác giả bài báo trên. Tôi không phải là tác giả của bài báo.

Trước khi bài báo bị thông báo gỡ, tôi đã báo với tổng biên tập tạp chí về việc bị người khác sử dụng danh nghĩa và họ đã có xác nhận. Tôi cũng đã chuyển email xác nhận của nhà xuất bản cho Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế của UEH".

Cũng theo GS Võ Xuân Vinh, trong số tác giả của bài báo này, ông Vinh đã từng làm việc với tác giả thứ nhất Mohammed Musah và tác giả thứ hai Yusheng Kong trong một dự án Nature Fund về phát triển bền vững. Hai tác giả này ở Đại học Giang Tô, một đại học lớn tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bài báo bị gỡ, ông Vinh không tham gia và không liên quan. Hai tác giả đầu của bài báo đã gửi email cho tổng biên tập xác nhận việc họ tự ý đưa tên GS Vinh vào.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí vào tối 10/5, ông Vinh cho biết thêm trong nội dung thông báo gỡ bài, tạp chí này cũng đã không còn đề chữ tác giả (Authors) trước tên ông Vinh.

Còn Đại học Kinh tế TPHCM cho biết cá nhân GS Võ Xuân Vinh không nhận tài trợ/thưởng từ nhà trường cho bài báo này. 

Nhà trường đề nghị ông Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác công bố quốc tế của cá nhân. Bên cạnh đó, với vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, ông Vinh cần có chính sách quản lý và cơ chế kiểm soát chặt chẽ mạng lưới các chuyên gia nghiên cứu cộng tác rộng khắp của đơn vị trên cơ sở bộ quy tắc của Hội đồng liêm chính học thuật để tránh xảy ra vụ việc tương tự.

GS.TS Võ Xuân Vinh là "nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam", 1 trong 4 người Việt Nam lọt "top 1% được trích dẫn nhiều nhất thế giới" của Clarivate.

Đồng thời, ông nằm ở vị trí thứ 8 trong danh sách 47 người Việt vào "top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới" trong bảng xếp hạng của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Hoa Kỳ).

Giáo sư là thành viên hội đồng biên tập nhiều tạp chí khoa học quốc tế có uy  tín có xếp hạng cao như International Review of Financial Analysis (ISI, Scopus, hạng A), Journal of Behaviorial and Experimental Finance (ISI, Hạng A), Singapore Economic Review (ISI, hạng B), Eurasian Economic Review (Scopus), Journal of Economic Development (Scopus), Journal for Global Business Advancement (Scopus).

Ngoài ra, Giáo sư cũng là đồng tổng biên tập của chuỗi sách chuyên khảo quốc tế: Vietnam and the Global Economy được công bố bởi nhà xuất bản World Scientific Singapore nhằm mục tiêu giới thiệu các nghiên cứu kinh tế của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế. 

GS.TS Võ Xuân Vinh là thành viên ban điều hành của nhiều Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực khoa học kinh tế và kinh doanh. 

Ông Vinh từng là thành viên Hội đồng khoa học ngành kinh tế của Quỹ Nafosted giai đoạn 2016-2021.

GS.TS Võ Xuân Vinh đã từng tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học New South Wales, Australia và Đại học Western Sydney, Australia. Ông cũng đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở các vị trí quản lý cấp cao ở các công ty, tập đoàn và các ngân hàng lớn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm