Đắk Nông:

Hai cô giáo trẻ “gửi” tuổi thanh xuân ở nơi không điện, không sóng di động

(Dân trí) - “Đã có lúc hai chị em quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, về với gia đình. Nhưng thú thực, mình cũng từng ở trong hoàn cảnh của các em, mình hiểu các em cần phải đến trường. Chính điều đó đã níu chân hai chị em ở lại đây, dạy các em những kiến thức đầu tiên trong hành trình đi tìm con chữ”, cô Thuyền nghẹn ngào chia sẻ về công việc của mình.

Lớp học bên hồ ánh sáng

Điểm Trường Mầm non Hoàng Anh, cách trung tâm xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) hơn 20km, đóng chân trên địa bàn thôn Phú Vinh. Điểm trường nằm lọt trong vùng rừng núi - nơi ở của hàng chục hộ dân là đồng bào dân tộc phía Bắc di cư tự do vào đây.

Nơi vùng đất nghèo khó ấy, điểm trường như một niềm hy vọng của những đứa trẻ về một tương lai không bị “đói chữ” như bố mẹ chúng. Hy vọng ấy được phụ huynh gửi trọn ở hai cô giáo trẻ Cao Thị Thuyền (SN 1997, dân tộc Thái) và Ngân Thị Tươi (SN 1995, dân tộc Mường).

Hai cô giáo trẻ “gửi” tuổi thanh xuân ở nơi không điện, không sóng di động - 1
Cô Tươi vốn là giáo viên hợp đồng của trường Hoàng Anh những năm học trước

Từ sáng sớm, khi mặt trời chưa thức dậy để xua đi màn sương dày đặc của chốn núi rừng, trẻ em trong thôn đã rủ nhau đến trường. Hơn 1 năm nay, ngôi trường nằm nép mình bên hồ thủy điện Buôn Tua Sarh là nơi theo học của 58 đứa trẻ trong vùng. Hai cô giáo trẻ cũng tình nguyện gắn bó với ngôi trường này kể từ ngày ấy.

Trong lớp sương mù dày đặc, khi vừa nghe thấy tiếng học trò vang vọng, hai cô giáo trẻ liền cất vội đồ đạc cá nhân, chạy ra cửa lớp đón học trò. Những đứa trẻ nhem nhuốc, có em chỉ mặc phong phanh tấm ảo mỏng, khẽ giật mình rồi chạy vội vào lớp khi thấy người lạ. Cô Thuyền vội giải thích, trẻ ở đây còn nhát do ít tiếp xúc với người lạ. Khi đến lớp, ngoài bạn bè thì chỉ có hai cô giáo mới nói chuyện được với các em.

Hai cô giáo trẻ “gửi” tuổi thanh xuân ở nơi không điện, không sóng di động - 2
Lớp học với 100% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số

Đúng 7h sáng, hai lớp học đã đầy đủ sĩ số, trẻ ngồi im lặng sau khi có yêu cầu từ cô giáo. Cô Thuyền cho biết, những năm trước đây, khi Phú Hòa và Phú Vinh chỉ là các cụm dân cư tự phát của xã Quảng Phú, trẻ em ở đây hầu như không đến trường, một số ít thì được bố mẹ gửi sang huyện khác học nhờ. Những đứa trẻ trong độ tuổi đi học ngày ngày vẫn theo bố mẹ đi rẫy, đi rừng, có khi cả tuần mới về nhà.

Hai cô giáo trẻ “gửi” tuổi thanh xuân ở nơi không điện, không sóng di động - 3
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, hai cô giáo trẻ lại "tự chế" đồ chơi cho học trò

Năm ngoái, khi có một tổ chức tài trợ kinh phí, người dân trong thôn đã góp tiền, mua một miếng đất và hiến tặng để xây dựng điểm trường. Ba phòng học kiên cố, khang trang nhất vùng được dựng lên không lâu sau đó, trở thành nơi “nuôi dưỡng” giấc mơ thoát nghèo của hàng trăm người dân hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh.

“Ngày đi vào hoạt động, bà con trong thôn phấn khởi lắm, đăng ký cho con đi học ngay. Tuy nhiên, do nơi đây vẫn chưa có điện lưới quốc gia, nên trẻ chỉ đến học chứ không ăn cơm tại trường. Riêng em và chị Thuyền, hàng ngày phải mang theo cơm đi dạy rồi ăn trưa ngay tại điểm trường. Ở đây cũng không có sóng điện thoại, nước sạch nên buổi trưa, hai cô “giải trí” bằng cách làm đồ chơi cho học trò”, cô Tươi tâm sự.

“Đứng lớp để mở tương lai cho học trò”

Cũng sinh ra và lớn lên tại những nơi khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông, chính cô Thuyền và cô Tươi cũng hiểu được vai trò của việc học. Trẻ được đến trường, các em càng có cơ hội thoát nghèo, đặc biệt là khả năng giao lưu, thích nghi với xã hội ngoài kia.

Hai cô giáo trẻ “gửi” tuổi thanh xuân ở nơi không điện, không sóng di động - 4

Từ đầu năm học tới nay, cô Tươi tình nguyện đứng lớp không lương vì không được ký hợp đồng 

Hai cô giáo trẻ quan niệm, bậc học nào cũng quan trọng đối với học sinh. Thế nhưng, đối với những trẻ đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh của xã Quảng Phú này, trẻ được đi học mầm non đúng tuổi sẽ giúp các em dễ hòa nhập, chủ động hơn sau khi vào tiểu học.

“Các em ở đây rất hạn chế trong giao tiếp và tiếp xúc với người lạ, dù đã 5 tuổi. Cả lớp có 30 em nhưng chỉ có 1, 2 em bập bẹ tiếng Kinh, còn lại phần lớn vẫn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Như những năm trước, các em không được đi học mẫu giáo mà vào học lớp 1 luôn, các cô ở đó thực sự rất vất vả. Coi như cả học kỳ đầu chỉ để dạy các cháu nói tiếng Kinh”, cô Tươi kể.

Hai cô giáo trẻ “gửi” tuổi thanh xuân ở nơi không điện, không sóng di động - 5

Theo cô Thuyết, những năm trước trẻ em ở đây hầu như không đến trường

Trong lúc nói chuyện, đôi lúc cô Tươi nghẹn ngào, mắt đỏ hoe. Nữ giáo viên tâm sự, hai năm trước cô được hợp đồng với trường vì có 4 cô giáo nghỉ chế độ thai sản. Thế nhưng, từ đầu năm nay, các cô ấy đã đi dạy trở lại, thành ra cô Tươi không được ký hợp đồng nữa.

“Nói thật, mấy tháng nay hai chị em em đứng lớp không lương, tiền xăng cũng lấy từ tiền tiết kiệm “lấy chồng” ra. Vì nhà trường thiếu giáo viên, hai chị em nghỉ thì điểm trường này cũng đóng cửa, các em lại phải ở nhà. Ngày xưa khi chưa thành lập thôn, không có trường thì các em nghỉ học nhưng bây giờ có trường rồi mà không được đi học thì tội nghiệp các em lắm”, cô Tươi tâm sự.

Chia sẻ thêm về công việc của mình, cô Cao Thị Thuyền cho biết, sẽ tiếp tục đứng lớp nếu vẫn được phép. Mong muốn duy nhất của nữ giáo viên cũng như của hàng chục phụ huynh ở đây, đó là trẻ trong thôn được đến trường như trẻ ở những nơi khác.

Hai cô giáo trẻ “gửi” tuổi thanh xuân ở nơi không điện, không sóng di động - 6
Hai cô giáo trẻ sẽ tiếp tục đứng lớp nếu được phép

“Nếu ngày xưa bố mẹ không cho em đi học thì em đã không có ngày hôm nay. Em chọn Sư phạm để được dạy học ở nơi mà mình sinh ra. Trẻ em ở nơi khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông này có cũng quyền được đến trường anh ạ!”, giọng cô Thuyền nghẹn lại thổ lộ những suy nghĩ của mình.

Ông Bùi Văn Út, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Nô cho biết, hiện tại điểm trường mầm non Hoàng Anh tại thôn Phú Vinh là điểm trường khó khăn nhất của huyện vì chưa có điện, không có sóng điện thoại.

“Hiện tại hai cô giáo đang tình nguyện đứng lớp vì năm nay huyện không có chỉ tiêu hợp đồng với giáo viên. Trước tình cảm đó, chúng tôi đã trực tiếp đến động viên các cô vì đã giúp đỡ ngành giáo dục đồng thời cũng có những kiến nghị để có nguồn hỗ trợ cho các cô công tác”, ông Út cho hay.

Chỉ mong có một tấm pin năng lượng mặt trời để lớp học có ánh sáng

Ngày 20/11 sắp tới, hai cô giáo trẻ không mong muốn được nhận quà của học trò vì phụ huynh ở đây rất nghèo. Trẻ đến trường mỗi ngày, được phụ huynh tin tưởng giao con em đã là món quà lớn nhất của hai cô giáo.

“Chúng em chỉ ước có tổ chức nào giúp đỡ, tặng cho điểm trường một tấm pin năng lượng mặt trời để có điện sử dụng trong lớp học. Mùa này thì không sao, chứ đến mùa mưa, cả điểm trường tối om, các cháu chẳng học hành được gì”, cô Tươi nói.

Dương Phong