Cô giáo mầm non tìm trẻ để giữ, nhận giúp việc nhà mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Cô Mai (giáo viên mầm non tư thục ở TPHCM) gọi điện cho hai phụ huynh có con đang theo học tại lớp mình, hỏi có cần giữ trẻ không. Hiện phụ huynh đã thu xếp được nên cô chuyển sang tìm việc thời vụ.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường học tại TPHCM đóng cửa, ít nhất đến hết tháng 2/2020. Ở lĩnh vực giáo dục, có thể nói, khó khăn lớn nhất chính là hệ thống trường tư thục, trong một thời gian ngắn bỗng chốc mất nguồn thu, giáo viên cũng đang trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. 

Cô giáo mầm non tìm trẻ để giữ, nhận giúp việc nhà mùa dịch Covid-19 - 1

Một cô giáo mầm non tại TPHCM giữ trẻ tại gia đình đợt nghỉ học vì dịch bệnh 

Trong thời gian nghỉ dạy, rất nhiều giáo viên trường tư thục sớm xoay xở tìm việc cho mình. Một số giáo viên có kết nối phụ huynh nhận giữ trẻ tại trong lúc này với mức thu nhập thỏa thuận. 

Cô N.T.T., giáo viên mầm non một trường tư thục ở Gò Vấp cho biết, ngay sau Tết, tuần đầu tiên thông báo nghỉ học, cô được một phụ huynh nhờ giữ hai bé, trong đó một bé là học sinh của cô, để họ đi làm. Hàng ngày cô đến nhà phụ huynh, hàng ngày lo chuyện ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi cho hai bé. 

Hiện tại trường nghỉ học nên cô cũng như các đồng nghiệp khác không biết có lương hay không, trường chưa có thông báo chính thức. Tuy nhiên, cô T. nói: "Hầu hết ở trường là giáo viên trẻ ở các tỉnh. Tháng nào cũng phải lo chi phí nhà trọ, ăn uống, chi tiêu sinh hoạt... chứ không dư dả nên các cô phải tự tìm cách để có nguồn thu nhập". 

Ngoài cô, nhiều đồng nghiệp ở trường cũng nhận đến tại nhà phụ huynh giữ trẻ như cô T.

Tuy nhiên, không hẳn giáo viên nào cũng tìm được việc làm thêm trong đợt nghỉ đúng chuyên môn chăm sóc trẻ. 

Cô Trần Ánh Mai (nhân vật yêu cầu đổi tên), giáo viên tại một trường mầm non tư ở quận 1 cho hay, thời gian đầu nghỉ dịch bệnh, do không biết lịch nghỉ dài, kế hoạch chỉ nghỉ một tuần nên nhà trường vẫn liên tục tổ chức công tác chuyên môn, vệ sinh, rồi tập huấn về dịch bệnh.... 

Tưởng gian nghỉ ngắn, cô dành thời gian làm một số việc mà lâu nay mình trì hoãn như dọn nhà, đọc sách. Nhưng khi có thông báo, tiếp tục nghỉ hết tháng 2, có thể nghỉ luôn tháng 3 thì cô không thể chờ được nữa. Cô hiểu, các trường tư sẽ rất khó khăn khi tạm ngưng hoạt động vì tiền mặt bằng, chi phí, tiền lãi ngân hàng, lương giáo viên... 

Cô Mai mạnh dạn gọi điện cho hai phụ huynh có con đang theo học tại lớp mình, hỏi có cần người giữ trẻ không. Hiện tại, cả hai phụ huynh đã thu xếp được người trông trẻ nên cô vẫn chưa tìm được trẻ để giữ. Cô cũng hướng sang tìm một vài công việc thời vụ khác. 

"Giáo viên mầm non thu nhập thấp, trong khi hầu hết các cô gánh chi phí tiền nhà trọ, sinh hoạt rất cao nên nhiều người vẫn sống theo kiểu tháng nào hết tháng nào. Nên khi gặp sự cố, không có thu nhập là khó khăn ngay luôn", cô Mai cho hay. 

Đồng nghiệp của cô Mai, dạy tại một trường học đóng trong một chung cư, nơi nhu cầu về giúp việc nhà rất lớn, lại dễ kiếm việc. Một số cô giúp việc nhà theo giờ, ngày 2-3 ca, mỗi ca tầm 2 tiếng, mỗi tiếng khoảng 50.000 - 60.000 đồng, các cô hay nói đùa là thu nhập cao hơn đi dạy. Người bạn cũng rủ cô Mai sang làm cùng, cô cũng đang cân nhắc vì đi lại khá xa. 

Cô giáo mầm non tìm trẻ để giữ, nhận giúp việc nhà mùa dịch Covid-19 - 2

Nhiều cô giáo đi tìm việc thời vụ trong đợt tạm "thất nghiệp"

Chưa lúc nào, giáo viên có nhu cầu tìm nhiều việc làm thêm như lúc này trước ảnh hưởng trường dừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cô Lê Ngọc S., dạy trường công lập nhưng diện hợp đồng cho biết, nghỉ dạy, có thể cô sẽ không có lương hoặc có thì chỉ một phần rất ít. Trong khi, lương hợp đồng của cô cũng chỉ hơn 3 triệu đồng vốn đã khó khăn.

Mới đây, cô S. nhận pha cà phê, làm đồ ăn sáng cho một tiệm của người quen, ngoài ra cô bán thêm hàng mỹ phẩm online. Trước mắt cũng tạm ổn. 

"Kiếm một việc tạm thời có thu nhập không phải là quá khó. Nhưng có nhiều cô giáo mang tâm lý ngại ngần, chưa kể nhiều cô gắn bó với công việc dạy học, yêu trẻ nên rất nhớ trường, nhớ lớp", cô S. nói thêm. 

Thời gian đầu, TPHCM thông báo nghỉ từng tuần, tuần tiếp theo có thể đi học lại... làm nhiều trường tư thục hy vọng có thể sớm hoạt động lại. Các trường tư phải tự chủ toàn bộ về tài chính, tiền giáo viên, nhân viên, mặt bằng.... trường nghỉ thì không có nguồn thu, nên kéo theo rất nhiều áp lực, khó tránh ảnh hưởng đến giáo viên. 

Khi có thông báo nghỉ hết tháng, dự kiến có thể nghỉ hết tháng 3, "thoát" được cảnh chờ đợi, nhiều giáo viên đã lập tức kiếm việc thời vụ. Trên mạng xã hội, các diễn đàn việc làm, các hội..., rất nhiều người đăng thông báo tìm việc làm với giới thiệu: Giáo viên tạm "thất nghiệp", cần kiếm việc làm... 

Lê Đăng Đạt