Vụ thầy giáo Tin học “sàm sỡ” nữ sinh lớp 7: Nhức nhối quấy rối tình dục học đường

(Dân trí) - Vụ nữ sinh lớp 7 bị thầy giáo dạy Tin học tại Nhà Thiếu nhi TPHCM có hành vi “sàm sỡ” khiến nhiều người bức xúc. PGS. TS Trần Thành Nam cho hay, hiện chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định về hành vi quấy rối tình dục nói chung hay hành vi quấy rối tình dục học đường.

Mới đây, thầy giáo dạy Tin học tại Nhà Thiếu nhi TPHCM  có hành vi "sàm sỡ" như sờ đùi, vuốt má, kéo tay nữ sinh. Mặc cho nữ sinh này né tránh, liên tục đưa tay đẩy ra, phản ứng khó chịu, có lúc đưa chân lên muốn hất ra nhưng người đàn ông vẫn liên tục vuốt tóc, nựng má, giữ chặt tay không cho nữ sinh phản kháng và còn sờ đùi em nữa.

Sự việc được bố mẹ em theo dõi và lén quay camera ở lớp học. Thầy giáo hiện đã bị đình chỉ công tác.

Đánh giá về vụ việc trên, PGS.TS Trần Thành Nam Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho hay, hiện chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định về hành vi quấy rối tình dục (QRTD) nói chung hay hành vi QRTD học đường.

Vụ thầy giáo Tin học “sàm sỡ” nữ sinh lớp 7: Nhức nhối quấy rối tình dục học đường - 1

Thầy giáo có hành vi "sàm sỡ" sờ đùi, vuốt má, kéo tay nữ sinh ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Từ clip). 

Chuyên gia này khẳng định, nghiên cứu về QRTD học đường còn rất mới ở nước ta và chưa có nhiều nghiên cứu quy mô, toàn diện về vấn đề QRTD học đường.

Trên thế giới, nghiên cứu về hành vi QRTD mới chỉ tập trung vào môi trường làm việc. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, hành vi này được thực hiện bởi bạn học và các nhóm đồng trang lứa ở trường phổ biến hơn rất nhiều so với tỉ lệ bị QRTD tại nơi công sở.

Cũng theo chuyên gia này, năm 2016 và 2017, có một vài nghiên ngứu về QRTD nhưng tiếp cận về tình trạng quấy rối trong công sở cũng như khía cạnh pháp luật, không phải về quấy rối học đường.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay, vào năm 2014, Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia Đình và Môi Trường đã tiến hành khảo sát trên 2.046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến hành vi QRTD và đánh các đánh giá, nhận biết về hành vi này.

Theo khảo sát đó, có 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị QRTD với các hành vi thường thấy như: huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng tiến hành nghiên cứu trên 400 học sinh thuộc các khối 10 và 11 tại 1 trường THPT ở Hà Nội và 1 trường THPT ở Nam Định.

Tại mỗi trường, chọn 200 học sinh, trong đó có 100 học sinh khối 10 và 100 học sinh khối 11 và điều tra bằng câu hỏi. Tất cả các thông tin sau khi khảo sát, đều được tiến hành kiểm tra rà soát về độ tin cậy, làm sạch số liệu bằng thống kê để loại bỏ các biến số ngoại lai.

Kết quả cho thấy, năng lực nhận diện của học sinh về hành vi QRTD còn nhiều thiếu sót. Các em chỉ nhận diện tốt với những hành vi QRTD nghiêm trọng, có liên quan đến động chạm cơ thể, có thể quan sát và đo đếm được.

Vụ thầy giáo Tin học “sàm sỡ” nữ sinh lớp 7: Nhức nhối quấy rối tình dục học đường - 2

Mặc cho nữ sinh này né tránh, có lúc đưa chân lên muốn hất ra nhưng người đàn ông vẫn liên tục sàm sỡ (Ảnh: Từ clip). 

Với những hành vi ít nghiêm trọng hơn, thể hiện thông qua lời nói hoặc các hình thức gián tiếp như bình luận về hình ảnh, gửi tin qua mạng xã hội thì phần lớn các em xác định nhầm đó là những hành vi chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.

Các em cũng cho rằng nếu cá nhân không nhìn thấy, không nghe thấy những lời bình xúc phạm hoặc bức ảnh chế của mình thì hành vi đó cũng không phải là QRTD. Tất cả những nhận thức như vậy là chưa đúng.

Cũng theo nghiên cứu của nhóm này, số liệu gây sốc khi có 63% học sinh chắc chắn rằng hành vi QRTD đã xảy ra trong trường học của mình.

Có 91,5% học sinh chắc chắn rằng đã chứng kiến, hoặc đã là mục tiêu của QRTD trên thực tế và khoảng 93,5% học sinh chắc chắn đã chứng kiến, gây ra hoặc đã là mục tiêu của QRTD trực tuyến, hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội ...

Mặc dù nghiêm trọng như vậy nhưng theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, ở Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về hành vi QRTD nói chung hay hành vi QRTD học đường.

“Hiện chúng ta mới chỉ có một Bộ quy điều về hành vi ứng xử trong đó có đề cập đến vấn đề chống hành vì QRTD tại nơi làm việc.

Tuy vậy, gần 20% học sinh nhận thức sai khi cho rằng ở Việt Nam đã có những văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những hành vi này.

Cũng trên thực tế khảo sát, chưa có bất cứ Ban giám hiệu trường nào đưa ra những chính sách quy định về việc QRTD học đường nhưng vẫn có đến 12% khách thể nghiên cứu nhầm lẫn cho rằng, nhà trường đã đưa ra những chính sách này”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

M. Hà