Vì sao khối ngành Y dược vẫn "án binh bất động" với kỳ thi riêng?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Trong khi nhiều trường đại học lớn đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, khối ngành Y dược - luôn dẫn đầu về chất lượng đầu vào đại học - vẫn đang sử dụng những phương thức xét tuyển truyền thống.

Thông tin từ Trường Đại học Y Dược Thái Bình năm 2023 và 2024, đơn vị này chưa có phương án tổ chức kỳ thi riêng. Việc xét tuyển chủ yếu vẫn từ điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2023, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) không tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, chủ yếu phần lớn chỉ tiêu vẫn dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và học bạ. Đơn vị này đang hoàn thiện đề án tuyển sinh và sẽ sớm công bố.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí ngày 7/3, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, từ nay đến 2025, trường cũng chưa có kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào.

Vì sao khối ngành Y dược vẫn án binh bất động với kỳ thi riêng? - 1

Trong phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhưng sau năm 2025, khi Bộ GD&ĐT có phương án thi khác hiện nay, Trường đại học Y Hà Nội (ĐH) sẽ phối hợp với một số trường đại học lớn, đề thi phân hóa cao để xây dựng phương án thi như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa…

Theo chuyên gia này, năm 2023, nhà trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, chẳng hạn tuyển sinh từ kết quả thi tốt THPT, xét điểm học bạ, xét tuyển thẳng từ các giải quốc gia, quốc tế, phối hợp chứng chỉ ngoại ngữ.

Trường ĐH Y Hà Nội không phải là nơi đào tạo các ngành khoa học cơ bản nên việc đầu tư xây dựng ngân hàng câu hỏi lớn, bài bản sẽ rất tốn kém.

Đấy là lý do vì sao Trường ĐH Y Hà Nội sẽ kết hợp với một số trường khác trong tuyển sinh riêng.

Về câu hỏi khi tuyển sinh vào khối ngành Y dược, thí sinh cần đặc thù riêng, GS Tú cho rằng, việc thi đầu vào trước hết chỉ cần năng lực học tập cơ bản.

Trường Đại học Y Dược TPHCM, năm nay không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào, phương thức xét tuyển chủ yếu vẫn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023.

Theo đơn vị này, việc tổ chức kỳ thi riêng là tất yếu nhưng hiện có hai luồng ý kiến: Một là các trường chung tay đứng ra tổ chức kỳ thi riêng. Hai là, thuê đơn vị khảo thí độc lập tổ chức kỳ thi riêng cho khối ngành Y Dược, để đảm bảo công bằng.

Vì sao khối ngành Y dược vẫn án binh bất động với kỳ thi riêng? - 2

Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Chia sẻ với PV Dân trí, đại diện Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, phương án tuyển sinh của đơn vị này sẽ sớm được đưa ra nhưng dự kiến chưa tổ chức kỳ thi riêng.

Năm ngoái, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tuyển sinh 1190 chỉ tiêu, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 theo từng ngành học.

Đến nay, trên cả nước có hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đã công bố các thông tin tuyển sinh dự kiến trong năm 2023 bao gồm phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều các trường đại học khối ngành Y, dược công bố đề án tuyển sinh.

Thực tế, nhóm ngành Y, Dược luôn lấy điểm chuẩn đại học cao nhất cả nước.

Năm ngoái, ngành Y khoa của trường Đại học Y Hà Nội lấy 28,85 điểm cho ba môn; Đại học Y Dược TP HCM 28,2; trường Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội 28,15; Y khoa Phạm Ngọc Thạch 27,35.

Trước đó, tại Hội nghị giáo dục y học thường niên lần thứ 6 do Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức, đã có nhiều ý kiến đề xuất cần có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng cho nhóm trường đào tạo sức khỏe.

Một số chuyên gia cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính phân loại cao, việc các trường vẫn sử dụng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, các thầy giáo cũng cho rằng theo xu hướng chung việc khối ngành sức khỏe thay đổi cách tuyển sinh trong tương lai là điều chắc chắn.