Trường ĐH Ngoại thương đạt chuẩn 5 sao theo xếp hạng đại học UPM
(Dân trí) - Các trường đại học đạt chuẩn 5 sao là trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế.
Ngày 14/9, Trường ĐH Ngoại thương tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và xếp hạng đại học UPM.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương thông tin, năm học 2021-2022, nhà trường đạt được một số kết quả trong công tác kiểm định và xếp hạng đại học.
Thứ nhất, hoàn thành kiểm định cơ sở giáo dục chu kỳ 2 với kết quả được Hội đồng thẩm định và đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá cao (104 tiêu chí đạt từ 4 điểm trở lên, chiếm 93,60%).
Thứ hai, triển khai tự đánh giá và kiểm định 2 chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn của AUN - QA. Tính đến nay, nhà trường đã hoàn thành kiểm định 17 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của AUN-QA và của Bộ GD&ĐT, chiếm 40.2% tổng số chương trình đào tạo.
Thứ ba, trong năm 2022, nhà trường đăng ký tham gia xếp hạng đối sánh theo bộ tiêu chuẩn của UPM (hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực) và đã đạt kết quả ở mức 5 sao theo định hướng ứng dụng. Trong đó, tiêu chuẩn: Quản trị chiến lược, Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng đều đạt chuẩn 5 sao.
"Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, kiểm định chất lượng, xếp hạng giáo dục đại học là đòn bẩy, là giải pháp có tính chiến lược giúp nhà trường nâng cao chất lượng và thực hiện được các mục tiêu phát triển", PGS Tuấn nhấn mạnh.
TS Tạ Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đại diện trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2) cho Trường Đại học Ngoại thương.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch sáng lập Viện đổi mới sáng tạo UPM đại diện trao chứng nhận xếp hạng đại học UPM 5 sao cho nhà trường.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT ghi nhận những kết quả đột phá của Trường ĐH Ngoại thương trong 5 năm vừa qua, từ sau đợt kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 1 cho tới chu kỳ 2.
PGS Khánh đề nghị nhà trường tiếp tục dành sự quan tâm và nguồn lực thích đáng nhằm thực hiện cam kết dài hạn đối với công tác đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ nhân sự làm công tác đảm bảo chất lượng.
Nhà trường cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để bồi dưỡng đội ngũ nhân sự có chuyên môn, trình độ trở thành các kiểm định viên; lan tỏa những kinh nghiệm quý báu tới toàn hệ thống giáo dục đại học; đảm bảo chất lượng của đơn vị làm công tác kiểm định chất lượng, phát triển mạng lưới nhân lực phù hợp.
Đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng, ĐH Quốc gia Hà Nội, TS Tạ Thị Thu Hiền cho biết Trường ĐH Ngoại thương thuộc top 10% trường kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 2 sớm nhất và cũng thuộc top trường có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo cả tiêu chuẩn trong nước và quốc tế nhiều nhất.
Đợt kiểm định chu kỳ 2 vừa qua, nhà trường đã có những kết quả vượt bậc với 94% tiêu chí đạt, trong đó có nhiều tiêu chí xuất sắc. Điều đó càng góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Trường ĐH Ngoại thương là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu khối ngành Kinh tế - Kinh doanh.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch sáng lập Viện đổi mới sáng tạo UPM đánh giá cao tinh thần cầu thị và cam kết văn hóa chất lượng của Trường ĐH Ngoại thương.
GS Đức khẳng định mục tiêu, chiến lược phát triển của Trường ĐH Ngoại thương có nhiều điểm tương đồng và phù hợp với những tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng UPM, trong đó nổi bật là về quản trị chiến lược, quản trị mục tiêu, quản trị chất lượng và quản trị thương hiệu.
Nhà trường cũng được đánh giá là một điển hình trong xây dựng hệ sinh thái giáo dục đổi mới sáng tạo.
GS Đức bày tỏ mong muốn, Trường ĐH Ngoại thương sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, liên tục có những cải tiến, đột phá để đạt được mục tiêu chiến lược là trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, có vị thế cao ở khu vực châu Á.
Hệ thống UPM (hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực) giúp các cơ sở giáo dục đại học xác định, quản trị mục tiêu chiến lược, hướng tới đạt chuẩn top 100 của đại học châu Á.
Hệ thống tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao. Theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.
Cụ thể, UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1.000 điểm.
8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%), CNTT và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%), Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%) và Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%).
Các trường đại học (đặc biệt là các đại học định hướng nghiên cứu) đạt chuẩn 5 sao là các trường đã có khả năng tiếp cận nhóm 100 châu Á, có chất lượng hàng đầu quốc gia và bắt đầu có uy tín quốc tế.
Các đại học 4 sao là các có uy tín trong nước và khu vực. Các trường đại học 3 sao thực hiện tốt chức năng đào tạo theo phân khúc thị trường và có thể tham gia vào việc trong đổi sinh viên trong khu vực.