Tranh cãi chấm tiếng Anh thi vào lớp 10: "Sai chính tả vẫn được điểm"

Hoài Nam

(Dân trí) - Thí sinh viết sai chính tả không bị trừ điểm trong hướng dẫn chấm thi môn tiếng Anh vào lớp 10 của TPHCM, kéo theo nhiều tranh cãi.

Trong công bố đáp án và hướng dẫn chấm thi vào lớp 10 môn tiếng Anh của Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố, ở phần VII của đề thi, có nội dung: "Thí sinh viết sai chính tả, thiếu dấu câu nhưng không ảnh hưởng ý nghĩa của câu: Không trừ điểm". 

Tranh cãi chấm tiếng Anh thi vào lớp 10: Sai chính tả vẫn được điểm - 1

Học sinh TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022-2023 (Ảnh: Hải Long).

Cách chấm thi này đã kéo theo nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó nhiều người cho rằng việc sai chính tả, thiếu dấu câu khi làm bài mà không bị trừ điểm là... điều khó chấp nhận. 

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên tiếng Anh Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ việc sai chính tả, sai dấu câu lại không bị trừ điểm là "không ổn". 

Đối với học sinh lớp 1, 2, 3, các em mới học chữ cùng với tâm lý lứa tuổi có thể chấp nhận việc các em nói sai, viết chưa đúng chính tả, chưa trọn chữ, trọn nét. Từ lớp 4, lớp 5, các em đã bắt đầu hướng đến sự chính xác về chính tả, dấu câu, viết hoa đầu câu...

Kể cả với các em nhỏ, khi các em viết chưa chuẩn, bà Thụy Anh cho rằng giáo viên không nên gạch chéo từ sai của các em mà sửa bằng cách viết một câu đúng bên cạnh để các em hình dung. 

Theo bà Thụy Anh, đối với học sinh thi vào lớp 10, các em đã trải qua một quá trình học tập và rèn luyện ở tiểu học. Chỉ 2 - 3 năm nữa là các em học nghề, vào đại học nên phải hướng đến sự chính xác, chỉn chu, không thể du di như học sinh tiểu học. 

Bà Nguyễn Hồ Thụy Anh nhấn mạnh các em học tiếng Anh để tương lai bước ra thế giới, làm việc với người nước ngoài chứ không phải chỉ để nói với người Việt, hay để viết những bức thư tình vui vui. Vì thế phải hướng các em đến ý thức cẩn thận, chỉn chu trong viết lách. 

Không bàn đến kỹ thuật chấm nhưng bà nêu quan điểm, việc trừ điểm làm sao để tạo được ý thức cẩn thận, cân nhắc cho học sinh khi viết lách, đó cũng là nền tảng quan trọng cho quá trình làm việc sau này. Việc trừ điểm đó khác với việc trừ điểm để "đánh rớt" các em. 

Tranh cãi chấm tiếng Anh thi vào lớp 10: Sai chính tả vẫn được điểm - 2

Hướng dẫn chấm thi vào lớp 10 môn tiếng Anh: "Thí sinh viết sai chính tả, thiếu dấu câu nhưng không ảnh hưởng ý nghĩa của câu: không trừ điểm".

Theo nhiều ý kiến, việc không trừ điểm lỗi chính tả, dấu câu trong một kỳ thi còn dẫn đến việc không công bằng đối với những học sinh làm bài cẩn thận, kỹ lưỡng. Một em viết sai nét, thiếu dấu cũng bằng điểm với một em viết đúng, viết đủ. 

Anh Trần Minh Duy, cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) bày tỏ, anh đồng ý với một số lỗi trong tiếng Anh có thể vẫn hiểu được nhưng trong một bài thi thì đó vẫn là lỗi sai. Mà với lỗi sai, nếu không trừ thì có thể hình thành thói quen xấu. 

"Chưa kể, những em đang chỉn chu để làm đúng cũng sẽ dần cảm thấy việc mình làm không còn cần thiết (vì sai tí có sao đâu). Lâu dần, việc không trừ điểm này tuy nhỏ nhưng lại để lại hậu quả không hề nhỏ", anh Duy lo ngại. 

Hướng đến việc hiểu nghĩa nhiều hơn ngữ pháp 

Trao đổi về hướng dẫn chấm thi "sai chính tả vẫn được điểm này", chị Lê Nguyệt, giáo viên tiếng Anh, người được mệnh danh là "phù thủy phát âm tiếng Anh" chia sẻ, chị không bàn đến cách chấm vì điều này phụ thuộc vào bên ra đề.

Trong trường hợp này, có thể sai chút chính tả, chẳng hạn như từ appropriate, nếu bị thừa - thiếu một chữ p thứ 2 chẳng hạn, lỗi đó có thể châm chước, có lẽ vì vậy mà người ta chọn theo hướng không trừ điểm.

"Tôi nghĩ, họ tập trung vào việc hiểu nghĩa hơn là bắt lỗi ngữ pháp", chị Lê Nguyệt nêu quan điểm. 

Tranh cãi chấm tiếng Anh thi vào lớp 10: Sai chính tả vẫn được điểm - 3

Đáp án tiếng Anh kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, cũng như môn văn, tiếng Anh là một môn ngôn ngữ, nếu trong câu các em có sai lỗi nhỏ do sự bất cẩn không ảnh hưởng đến nghĩa của câu thì không trừ điểm học sinh trong kỳ thi này.

Điều này còn xuất phát từ việc mức điểm nhỏ nhất là 0,25 điểm nên chỉ có thể có hai phương án: một là có điểm, hai là không có điểm.

Nếu câu đó học sinh đã viết đúng nghĩa nhưng quá trình viết có thể sơ xuất một lỗi nhỏ như dấu câu, thiếu nét... không ảnh hưởng đến nghĩa của câu thì các em vẫn được điểm. Còn thiếu 2 lỗi, sai nghĩa thì chắc chắn các em không có điểm. 

"Chưa kể, đây là kỳ thi đại trà cho nhiều đối tượng, có thể có những học sinh viết chữ xấu, có em viết nhanh nên có thể thiếu nét. Với một lỗi nhỏ đối với môn ngôn ngữ mà mất điểm câu đó hoàn toàn thì chưa thỏa đáng cho các em", ông Hồ Tấn Minh cho biết.