Thi vào lớp 10: Chiến thuật đạt điểm cao bài thi môn Tiếng Anh
(Dân trí) - Song song với việc trang bị kiến thức, học sinh lớp 9 cần rèn luyện kỹ năng và chiến thuật làm bài thi để giành điểm cao đối với môn Tiếng Anh thi vào lớp 10.
Thông thường thời gian làm bài thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút. Vì vậy để có thể ghi điểm trọn vẹn, học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài thi ngay từ thời điểm này, từ đó áp dụng kinh nghiệm vào làm bài thi chính thức.
Chiến thuật làm bài thi đối với từng dạng bài cụ thể
Với nhiều năm kinh nghiệm dạy học và luyện thi môn Tiếng Anh, thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã tư vấn cho học sinh lớp 9 các chiến thuật làm bài thi đối với từng dạng bài cụ thể.
Đối với phần đọc - hiểu văn bản, đây là dạng bài bắt buộc có trong đề thi và thường chiếm trọng số điểm cao. Trước tiên học sinh cần phải nhận diện đoạn văn, nhận diện câu hỏi trong bài, sau đó áp dụng chiến thuật làm bài thi theo 3 bước:
Bước 1: Đọc câu hỏi đề tìm từ khóa.
Bước 2: Dựa vào từ khóa đó để đối chiếu với đoạn văn và tìm thông tin.
Bước 3: Đọc đoạn thông tin đó và tìm ra đáp án.
Thông thường, dạng bài đọc - hiểu sẽ kiểm tra kiến thức từ vựng cũng như các kỹ năng, khả năng phản xạ của học sinh trong quá trình làm bài. Vì vậy, điểm mấu chốt để làm tốt bài đọc hiểu là từ vựng và kỹ năng làm bài.
Với vốn từ vựng lớn cùng kỹ năng làm bài như kỹ năng đọc (đọc kỹ và đọc lướt đoạn văn, bài văn), kỹ năng quan sát và phát hiện thông tin tốt sẽ giúp học sinh tự tin giải quyết bài đọc hiểu.
Do đó, học sinh cần luyện tập để trau dồi vốn từ vựng và nâng cao kỹ năng của bản thân thông qua các phương pháp như học từ đồng nghĩa và trái nghĩa, luyện dịch văn bản, học theo cụm từ thường đi liền với nhau, nâng cao tần suất làm dạng bài đọc hiểu trong các đề thi…
Đối với dạng bài tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa, học sinh có thể "giải quyết" nhanh gọn theo 2 bước:
Bước 1: Chuyển về dạng chọn đáp án đúng để hoàn thành câu (coi như các từ đồng nghĩa, trái nghĩa đó không có).
Bước 2: Hãy tìm từ để sao cho câu văn đó có nghĩa phù hợp nhất.
Để ghi điểm trọn vẹn dạng bài giao tiếp, học sinh cần phải hiểu được các ngữ cảnh giao tiếp được nói đến trong câu (xin lỗi, cảm ơn, hỏi đường, hỏi giờ…), sau đó mới dịch nghĩa của các đáp án và tìm ra đáp án phù hợp nhất.
Ngoài ra, đối với dạng bài phát âm thường xuất hiện trong đề thi, để giải quyết nhanh dạng bài này học sinh có thể áp dụng một "mẹo" nhỏ là chú ý ở phần đáp án, nếu có một âm được phát âm hoặc có trọng âm khác với các từ còn lại là đã đủ cơ sở để chọn đáp án.
Những sai lầm cần tránh khi làm bài thi
Bên cạnh chiến thuật làm bài thi, thầy Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý học sinh về một số sai lầm cần tránh trong đề thi để không bị mất điểm đáng tiếc.
Có 5 sai lầm học sinh thường mắc phải trong quá trình làm bài thi, đó là: không đọc kỹ đề dẫn đến bị lạc đề, hiểu sai yêu cầu của đề bài và không hoàn thành đúng yêu cầu của đề; phân bổ thời gian làm bài không hợp lí, mất nhiều thời gian vào làm các câu hỏi khó dẫn đến không có đủ thời gian để làm hết các câu hỏi của đề thi hoặc bỏ sót câu hỏi; làm nhanh, làm vội dẫn đến làm sai đáp án gây mất điểm đáng tiếc; không dùng bút chì để tô đáp án trắc nghiệm nên không thể sửa lại với những đáp án bị sai; không kiểm tra lại bài làm sau khi làm xong để kịp thời sửa sai (nếu có).
Ngoài ra, thầy Nguyên cũng khuyên học sinh nếu muốn có chiến thuật làm bài và tăng khả năng phản xạ khi làm bài thi thì các em cần phải rèn luyện thật nhiều trong giai đoạn nước rút này.
Đặc biệt cần phải tăng cường học và trau dồi vốn từ vựng mỗi ngày vì đề thi không chỉ hỏi những câu về từ vựng mà trong quá trình phân tích câu hỏi có trong bài thi, vốn từ vựng là rất quan trọng.
Học sinh có thể tham khảo chiến thuật ghi trọn điểm bài thi môn Tiếng Anh vào 10 tại infographic dưới đây: