"Tiến sĩ cầu lông" - một thực tế không có gì lạ!

Nhật Hồng Hồng Liên

(Dân trí) - Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La" vẫn đang gây xôn xao giới học thuật, một nhà khoa học cho biết, đây là thực tế không có gì lạ.

Tiến sĩ cầu lông - một thực tế không có gì lạ! - 1

Chất lượng đào tạo tiến sĩ đang là vấn đề đáng lo ngại (Ảnh chụp màn hình).

Cần xem xét lại

Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, hoàn thành tại Viện Khoa học Thể dục thể thao năm 2021 vẫn đang tiếp tục xôn xao trên các diễn đàn.

Trao đổi với Dân trí, một nhà khoa học từng là nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU), sau đó làm quản lý giáo dục ở Việt Nam chia sẻ, ông biết rất nhiều luận án tiến sĩ tương tự như luận án nói trên. Dù rất đáng lo ngại, nhưng đây là thực tế không lạ ở Việt Nam, khi có những đề tài luận án rất "lơ mơ", lặt vặt nhưng vẫn hoàn thành và bảo vệ thành công.

Nhớ lại thời gian làm luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lomonosov trước đây, ông cho biết khi viết luận án, bao giờ cũng phải viết tổng quan được vấn đề nghiên cứu ở trên thế giới: người ta đã làm đến đâu, cái gì đã giải quyết được, cái gì chưa giải quyết được. Điều này đòi hỏi nghiên cứu sinh phải đọc rất nhiều tài liệu.

"Hồi đó ở trường MGU có một thư viện rất lớn, nhưng chưa lớn bằng Thư viện Lênin. Ở Thư viện Lênin, họ có một bộ phận sưu tầm tài liệu, sách vở từ khắp nơi trên thế giới. Viện Thông tin khoa học của họ có hàng ngàn cộng tác viên làm nhiệm vụ tóm tắt, hàng tháng đều xuất bản tạp chí tóm tắt các bài báo, công trình nghiên cứu, sách của tất cả các nước trên thế giới. Những sách đó để ở Thư viện Lênin và nhân bản lên cho các thư viện khác. Nghiên cứu sinh phải tham khảo tài liệu, phải đọc rất nhiều", nhà khoa học này kể lại.

Theo ông, khi nhận được đề tài, cần tìm hiểu các công trình khoa học mà thế giới đã nghiên cứu trong ít nhất 5-7 năm trở lại, nếu không nói là xa hơn. Từ đó, phát hiện ra vấn đề, trao đổi với giáo sư hướng dẫn để quyết định chọn hướng cho đề tài của mình. Đây là chương đầu, rất quan trọng trong luận án.

Chương thứ hai liên quan đến nội dung nghiên cứu để giải quyết vấn đề. Sau đó, trong phần kết luận, phải chỉ ra được những điểm mới của đề tài, đây là giải quyết được đề tài.

Nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án ở ít nhất 2 cơ sở nghiên cứu khoa học khác, để họ phản biện xem vấn đề này như thế nào, có giá trị ra sao, sau đó mới bảo vệ chính thức. Khi bảo vệ chính thức, cần chỉ ra, trình bày được những vấn đề mới về mặt khoa học mà bản thân đã giải quyết được. Từ đó, Hội đồng sẽ đánh giá nghiên cứu sinh có xứng đáng được bảo vệ luận án hay không.

"Đó là toàn bộ quy trình tôi thấy ở bên đó và đã làm. Lúc là nghiên cứu sinh, tôi có 1 năm học tiếng và 3 năm tập trung làm luận án, như vậy là toàn tâm toàn ý trong 4 năm trời. Rất nhiều người thậm chí còn không hoàn thành đúng thời hạn", nhà khoa học chia sẻ.

Ở Việt Nam, ông nhận thấy không phải tất cả nhưng phần lớn nghiên cứu sinh vừa đi làm, vừa đọc, vừa viết. Điều kiện thư viện sách vở cũng chưa được đầy đủ. Ngay từ xác định đề tài, tên đề tài cũng có khi là những vấn đề rất "lơ mơ". Bên cạnh đó, có những giáo sư, giảng viên hướng dẫn cùng lúc đến mười mấy luận văn, luận án khác nhau. Trong tình trạng ấy, rất khó có thể đảm bảo được trách nhiệm trong việc hướng dẫn.

Ngoài ra, có thực trạng là nhiều người trở thành nghiên cứu sinh để làm quan chức, thay vì để sau này làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy đại học. Tất cả những yếu tố này có thể góp phần sản sinh ra những đề tài, công trình khoa học chưa xứng tầm.

"Cần xác định đề tài mình lựa chọn đủ tầm hay không, có tính khoa học hay không, có tính mới không, hay là những nghiên cứu rất lặt vặt. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề nóng, nghiêm túc mà nói cần phải xem xét lại", nhà khoa học nêu quan điểm.

Nới lỏng đào tạo tiến sĩ

Trước đó, viết bài trên Dân trí, PGS.TS Ngô Tứ Thành đã phân tích, chương trình đào tạo tiến sĩ theo thông tư 10/2009 và 08/2017 gồm: Khối lượng học tập tối thiểu 90 đến 120 tín chỉ, bao gồm: các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ. Song song các học phần tối thiểu, NCS đồng thời thực hiện làm Tiểu luận tổng quan (TLTQ) trong 12 tháng đầu tiên, 12 tháng tiếp theo làm 3 chuyên đề Tiến sĩ (CĐTS).

Thời gian hoàn thành luận án tiến sĩ cả khóa học chỉ có 3 năm, nên thời gian thực tế "làm tiến sĩ" để hoàn thành Luận án chỉ còn 12  tháng cuối.

Thông tư 09/2009 quy định chuẩn đầu ra luận án tiến sĩ chỉ cần 02 bài báo đăng  trên tạp chí trong nước, quá thấp nên đã bùng nổ  "lò ấp Tiến sĩ" như báo chí đã từng phản ánh.

Để ngăn chặn "lò ấp tiến sĩ", ngày 4/4/2017, Bộ GD-ĐT công bố thông tư 08/2017 với chuẩn đầu ra (sản phẩm) luận án tiến sĩ phải: "công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus …".

12 tháng "làm tiến sĩ " phải có công bố quốc tế là điều Viễn tưởng. Hậu quả, như đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: "Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực cho đến nay, số lượng tốt nghiệp của cả Việt Nam chưa được 100 tiến sĩ".  Tỷ lệ NCS bảo vệ đúng hạn 10%.

Chính vì vậy, câu chuyện "hạ chuẩn tiến sĩ" đã trở thành vấn đề nóng khắp diễn đàn vào cuối năm 2021. Câu chuyện "tiến sĩ cầu lông" lại dấy lên về chất lượng đào tạo tiến sĩ khi vừa qua, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vi phạm, khuyết điểm trong tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hàng năm Viện đã đào tạo trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ các ngành, chuyên ngành.

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung còn nhiều bất cập, không hợp lý... Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Quy chế quản lý khoa học. Trong đó, có điểm đáng chú ý là 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học cấp Bộ của đơn vị, căn cứ vào các Quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần...

Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước (cùng chủ nhiệm) không đúng Quy chế quản lý khoa học, xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra.

Theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế mới về đào đạo tiến sĩ đã được ban hành và có những điểm khác so với quy chế năm 2017 (Thông tư 08/2017-TT-BGDDT).

Theo đó, Quy chế mới nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ. Theo quy chế mới, nghiên cứu sinh chỉ cần công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trong khi đó, quy chế năm 2017 thì bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố trên các tạp chí/hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus.

Như vậy, quy chế mới giúp cho việc hoàn thành luận án được thuận lợi hơn và tốc độ đào tạo tiến sĩ của Việt Nam có thể sẽ nhanh hơn trong thời gian tới. Đây là vấn đề đáng lo ngại. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã từng kiến nghị, để nâng cao trình độ tiến sĩ nghiên cứu sinh phải thực hiện trợ giảng, tham gia bộ môn giảng dạy; gắn đào tạo tiến sĩ với phòng thí nghiệm... như vậy những tiến sĩ rỏm và hư danh sẽ không còn đất để nảy nở và xã hội đào thải.