Thương tiếc NGND Lê Hải Châu, cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam
(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, nguyên Chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục THPT vừa qua đời, hưởng thọ 97 tuổi.
Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, sinh ngày 5/2/1926 tại xã Xuân Đan (nay là Đan Trường), Nghi Xuân, Hà Tĩnh; nguyên Chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục THPT; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục"; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng... đã từ trần hồi 15h ngày 30/1/2022 tại bệnh viện, hưởng thọ 97 tuổi.
Lễ viếng tổ chức từ 7h30' đến 8h30' ngày 5/2/2022 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu đưa tang vào hồi 8h30' cùng ngày. An táng tại Công viên Tưởng niệm Thiên Đức, Phú Thọ.
Người truyền ngọn lửa đam mê toán học
Một chiều mùa hè năm 1974, tại chiến trường Miền Đông Nam bộ, những phóng viên trẻ chúng tôi, lớp thanh niên vừa rời ghế nhà trường đại học vào chiến trường được vài năm, nhận được tin vui lớn từ hậu phương quê nhà. Đội tuyển thi toán của Miền Bắc lần đầu đi thi Olympic toán quốc tế (IMO 16) tổ chức tại Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức, đã thắng lớn.
Qua bản tin thời sự và giọng đọc hào sảng, reo vui của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam và các bản tin thời sự của Việt Nam Thông Tấn Xã gửi vào Thông Tấn Xã Giải Phóng, chúng tôi được biết thí sinh Hoàng Lê Minh xuất sắc giành huy chương vàng, thí sinh Vũ Đình Hòa giành huy chương bạc, hai thí sinh Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng giành huy chương đồng. Dẫn đoàn đi thi toán quốc tế năm đó là thầy Lê Hải Châu và thầy Phan Đức Chính.
Có điều thú vị là trong số phóng viên trẻ chúng tôi được Việt Nam Thông Tấn Xã chi viện cho Thông Tấn Xã Giải Phóng đầu năm 1973, có nhiều anh em xuất thân từ khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, nên tên tuổi của hai nhà giáo dẫn đoàn không phải là xa lạ. Họ vốn cũng là những học sinh chuyên toán của các tỉnh, thành miền Bắc lúc đó, nhiều người đã được các thầy Lê Hải Châu, Phan Đức Chính trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức và ngọn lửa đam mê toán học.
Đêm đó, trong khu rừng già của chiến khu Miền Đông ở rất xa thủ đô, chúng tôi, những cựu sinh viên các trường đại học Tổng hợp, Ngoại ngữ, Ngoại giao, Sư phạm… họp mặt bên bàn trà chúc mừng chiến thắng vang dội của đội tuyển toán miền Bắc tại IMO 16. Trong ánh lửa bập bùng hắt ra từ bếp lửa, cuộc họp mặt ở chiến trường không bánh, không hoa, không rượu, chỉ có chén trà nồng đượm, chúng tôi xúc động kể cho nhau nghe về sự diệu kỳ của môn toán, hồi tưởng lại những kỷ niệm không thể nào quên những buổi học toán với thầy Châu, thầy Chính đáng kính.
Như một sự tình cờ, 7 năm sau ngày giải phóng, tôi đã gặp, yêu và kết hôn với một cô giáo dạy toán trường Trung học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, lại là cháu ruột của nhà toán học, nhà sư phạm mẫu mực Lê Hải Châu. Cơ duyên và cơ may tôi trở thành cháu của bác Lê Hải Châu là như vậy đó.
Đúng 10 năm sau kể từ cái đêm mừng chiến thắng giữa rừng già ấy, tôi lần đầu được gặp bác Châu. Mặc dù trước đó tôi đã được bố mẹ và vợ kể nhiều về bác, nhưng hôm được gặp bác, dịp bác vào công tác tại TPHCM, những tưởng tượng trước đó của tôi về bác hoàn toàn khác hẳn. Bác nói chuyện nhẹ nhàng, cử chỉ, phong thái điềm đạm, ánh mắt, nụ cười thân thiện, cuốn hút.
Sau lần gặp đó, hàng năm bác đều vào TPHCM, ít thì một lần, nhiều thì vài ba lần. Sở Giáo dục TPHCM, Sở Giáo dục các tỉnh phía Nam và miền trung Tây Nguyên, và nhiều trường cấp 3 ở các quận, huyện nhiều lần mời thầy Lê Hải Châu về bồi dưỡng phương pháp dạy toán cho đội ngũ giáo viên, nghe thầy kể về những lần đoàn Việt Nam tham dự các kỳ thi toán quốc tế, và được thầy chia sẻ niềm cảm hứng và tình yêu toán học bất tận.
Và như vậy hằng năm gia đình tôi lại được đón bác Lê Hải Châu. Người vui nhất là vợ và các con tôi. Vợ tôi trở thành cô giáo dạy toán, sau này là giảng viên Đại học Sài Gòn cũng nhờ bác Châu khuyến khích, động viên. Các con tôi mỗi lần gặp ông Châu đều hỏi ông đủ thứ về toán học.
Ông Châu có cách động viên con cháu rất hay. Các cháu đạt kết quả học tập tốt, được ông tặng sách toán do chính ông viết. Trên kệ sách nhà tôi còn hàng chục đầu sách toán của ông. Điều vui mừng là vợ và các con tôi đều thích toán, yêu toán và giỏi toán. Suốt các năm học phổ thông các cháu đều học tập tốt và đạt nhiều thành tích đáng khích lệ.
Những đóng góp to lớn với nền Toán học nước nhà
Đọc lại tiểu sử và quá trình làm việc, cống hiến của ông, chúng ta mới thấy những đóng góp của ông cho nền giáo dục nước nhà to lớn đến chừng nào. Vốn tư chất thông minh, đam mê tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo, tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, nhà giáo Lê Hải Châu thực sự là một cây đại thụ, là tấm gương cho nhiều thế hệ giáo viên noi theo.
Chặng đường trồng người của ông bắt đầu từ năm 1946 khi mới tuổi 20. Suốt 10 năm sau đó, thầy giáo trẻ Lê Hải Châu dạy toán tại các ngôi trường nổi tiếng: trường trung học Nguyễn Công Trứ (Vinh), trường Quốc Học Vinh, trường Sư phạm Trung cấp Liên khu 4,… Các thế hệ học trò đầu tiên của nhà giáo Lê Hải Châu sau này nhiều người đã trưởng thành và trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội, nhà quản lý, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, nhà giáo Lê Hải Châu là một trong những tác giả đầu tiên biên soạn sách giáo khoa toán, dùng trong các cấp phổ thông ở nước ta. Từ năm 1949 đến năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã biên soạn 3 cuốn sách về toán Quỹ tích, toán Đại số và toán Hình học. Ba cuốn sách này đã được Hội đồng Tu thư Liên khu 4 chuẩn nhận là sách giáo khoa toán cho các trường thuộc liên khu. Sau hòa bình lập lại, ông được Nhà Nước cử đi nâng cao trình độ tại trường Sư phạm Cao cấp trong Khu Học Xá Trung Ương ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc).
Khi về nước, ông đã cùng giáo sư Hoàng Tụy biên soạn hàng chục đầu sách giáo khoa, các môn: Số học, Đại số, Hình học, Lượng giác cho các cấp học phổ thông. Trong suốt thời gian công tác, bao gồm nhiều năm chịu trách nhiệm chỉ đạo bộ môn Toán tại Vụ Giáo dục phổ thông, nay là Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, dù bận trăm công ngàn việc, ông vẫn đam mê nghiên cứu và viết sách.
Tính từ đầu những năm 1960 đến khi qua đời ông đã viết và dịch hàng trăm đầu sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy và sách tham khảo phục vụ trong các trường phổ thông và bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài ra, ông còn có nhiều bài nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành toán học có uy tín ở trong và ngoài nước. Những cuốn sách hay của ông không thể thiếu trên kệ sách của bất cứ học sinh nào là: Toán học giải trí, Đố mà chơi, chơi mà đố, Đố vui cho mọi lứa tuổi, Tuyển chọn các bài toán hay thế giới.
Một nhân cách lớn
Không chỉ đóng góp to lớn trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn sách, nhà giáo Lê Hải Châu còn là một trong những người đầu tiên có công lớn trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi toán cho đất nước, làm rạng danh con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam trên thế giới. Từ thành công vang dội tại cuộc thi IMO 16, nhà giáo Lê Hải Châu đã trực tiếp tham gia giảng dạy và tuyển chọn, đồng thời ông trực tiếp 7 lần dẫn đội tuyển toán Việt Nam dự các kỳ thi Olympic Toán Quốc tế và đều giành được giải cao, được bạn bè quốc tế nể phục. Đáng chú ý, tại IMO 21 tổ chức ở Anh năm 1979, người học trò cưng của ông, "cậu bé vàng của toán học Việt Nam" Lê Bá Khánh Trình đã xuất sắc đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo.
Là nhà giáo mẫu mực, tài năng, ông còn là người chồng người cha đáng kính, một nhân cách lớn, một tấm gương sáng về đạo đức trong gia đình. Vợ chồng ông trên thuận dưới hòa, hết mực yêu thương nhau và cùng nhau dạy dỗ, nuôi nấng các con khôn lớn. Vợ ông - cô giáo môn sinh vật phổ thông trung học Văn Kim Oanh là một điển hình của người phụ nữ Việt Nam đảm đang, nhân hậu, là hậu phương vững chắc cho những thành công của ông. Ba người con của ông, không phụ công ơn cha mẹ, đã nỗ lực học tập, tu dưỡng và trở thành những trí thức tiêu biểu của đất nước. Con trai cả của ông là PGS Tiến sĩ Lê Hải Khôi, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; con trai út là PGS Tiến sĩ Lê Hải An, cố Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhà giáo Lê Hải Châu nghỉ hưu năm 1991, sau 45 năm làm việc và cống hiến. Nhưng, đối với ông, nghỉ hưu chỉ là nghỉ trong cơ quan nhà nước. Ông vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu, say mê, trăn trở với việc dạy toán và học toán ở các trường phổ thông.
Gần 20 năm sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tham gia giao lưu, giảng dạy toán ở nhiều nơi, và đều đặn hàng năm ông vẫn cho ra đời những cuốn sách toán tham khảo bổ ích. Có thể kể tên một số cuốn sách ông viết và xuất bản sau khi nghỉ hưu như: Đố vui mọi lứa tuổi (1993); 101 chuyện lý thú về toán dành cho cấp 2 (2001); Danh nhân toán học thế giới (2003); Phát huy sáng tạo qua việc giải toán thông minh (2004); Toán học và đời sống, sản xuất và quốc phòng (2006).
Còn nhớ 2017, khi vợ chồng tôi ra Hà Nội thăm ông, lúc đó ông mới phục hồi sau tai biến phải ngồi xe lăn, ông vẫn hào hứng giới thiệu với hai cháu về những cuốn sách ông mới xuất bản và ông tự tay viết, ký tặng cho vợ tôi - cô giáo toán, người cháu mà ông yêu quý.
Ghi nhận những cống hiến của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2008), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2020), Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu đã về với cõi người hiền. Trái tim đầy nhiệt huyết của ông đã ngừng đập. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học trò mãi nhớ về ông - cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà, một tài năng, một nhân cách lớn.
Phạm Nhật Nam
(Người viết là cháu rể của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, đồng thời là nguyên Phó Giám Đốc, nguyên nhà báo cao cấp của Thông Tấn Xã Việt Nam - khu vực miền Nam, nguyên phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Giải Phóng)