Nữ công nhân 40 tuổi viết tiếp giấc mơ dang dở với 27 điểm tốt nghiệp THPT
(Dân trí) - Ở tuổi 40 tuổi, chị Thủy vẫn không từ bỏ giấc mơ tuổi trẻ dang dở. Nữ công nhân xuất sắc đạt tổng điểm 27 ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nguyện vọng vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mất ngủ vì điểm cao
Những ngày sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1981, huyện Đông Anh, Hà Nội) bỗng "nổi như cồn" trên mạng xã hội. Cuộc sống gia đình bình yên, nay có thêm niềm vui mới. Sự nổi tiếng này, cả đời chị Thủy cũng chưa dám nghĩ tới.
Ngày hoàn thành xong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, chị Thủy về nhà tra đáp án và biết mình làm bài tốt. Sau đó gấp sách lại, chị tới công ty làm nốt ca tối, trong lòng cảm thấy vui và hồi hộp.
Như các thí sinh khác, chị mong chờ kết quả thi từng ngày. Hôm điểm thi được công bố, chị vẫn đi làm bình thường. Cũng hồi hộp chờ điểm thi như các thí sinh khác, nhưng bận công việc nên cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn.
Tối hôm đó chị Thủy định không thức khuya xem điểm nhưng bị đánh thức bởi những thông báo trong nhóm học tập trên mạng xã hội. Hơn 12h chị tỉnh giấc, lấy điện thoại tra điểm ngay.
Ngữ văn 7,25; Lịch sử 8,5; Địa lý 9; Giáo dục công dân 9,5. Tổng điểm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội 27 điểm, tổng điểm tổ hợp khối C là 24,75 điểm. Số điểm cao khiến chị mất ngủ cả đêm hôm ấy vì vui mừng.
"Tôi bị bất ngờ bởi điểm môn Văn. Vì bị lệch tủ nên tôi nghĩ mình chỉ được khoảng 6 điểm, những không ngờ được cao hơn kì vọng. Điểm các môn khác do đã đối chiếu bài làm và đáp án từ trước nên không quá bất ngờ", chị Thủy nói.
Xin nghỉ nửa tháng không lương và 5 ngày nghỉ phép để ôn thi
Với số điểm này, chị Thủy đặt nguyện vọng vào các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Thanh thiếu niên.
Trong đó nguyện vọng 1 của chị đặt vào ngành Việt Nam học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhớ lại kỳ thi đại học hơn 20 năm trước, chị Thủy chỉ thiếu 1 điểm để trở thành sinh viên sư phạm.
"Sư phạm là ước mơ thời trẻ của tôi. Năm đó thi trượt nên tôi rất tiếc, nhưng cũng không có ý định thi lại vì bố mẹ lúc đó đã hơn 70 tuổi, gia đình thuần nông nên không đủ điều kiện cho tôi theo đuổi ước mơ.
Ngoài việc hoàn thành ước mơ tuổi trẻ còn dang dở, tham dự kỳ thi năm nay cũng giúp tôi lấy lại tinh thần sau một cú sốc lớn vừa phải trải qua. Kỳ thi làm tôi bận rộn hơn và không có thời gian để bị chìm vào nỗi buồn của mình", chị Thủy bật mí lý do tham dự kỳ thi dù đã hơn 20 năm không đèn sách.
Chị Thủy cho biết, nếu đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị sẽ cố gắng sắp xếp đi học tiếp.
"Nếu may mắn đỗ, học với các bạn trẻ như thế tôi không ngại gì cả. Chỉ lo lắng vì hoàn cảnh gia đình có nhiều cái còn phải lo, 2 con nhỏ cũng sắp lên cấp 3 rồi nhưng tôi sẽ cố sắp xếp", chị Thủy nói.
3 tháng trước khi Kỳ thi THPT năm 2021 diễn ra, chị Thủy mới có ý định tham dự. May mắn được sự ủng hộ nhiệt tình của chồng và 2 con. Chị không quên dặn chồng con giữ bí mật chuyện chị đi thi.
Chị Thủy là công nhân kiểm hàng, mức lương khoảng 8 triệu/tháng. Để ôn tập cho kỳ thi, chị phải xin nghỉ nửa tháng không lương và 5 ngày nghỉ phép.
Chị Thủy mua khóa học Văn trực tuyến của một thầy giáo nổi tiếng, suốt 3 tháng tranh thủ học vào lúc rảnh rỗi sau ngày làm việc, ngày nghỉ chủ nhật. Chị dành thời gian cho môn Văn nhiều nhất, vì yêu thích các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.
Mẹo học tập ở tuổi 40
Khi xin nghỉ làm ở công ty, chị mua sách tham khảo môn Sử và Địa về học, mỗi môn học trong một tuần. Hàng ngày lên mạng xem các bài giảng trực tuyến để học, tập trung vào những nội dung nâng cao, làm đề thi thử thầy giáo giao.
"Tôi tự học là chính. Tôi thấy việc học bây giờ thuận lợi hơn ngày xưa. Ngày trước tôi chỉ học trên sách giáo khoa, bây giờ có thể tự học qua mạng, nghe các thầy giáo hướng dẫn có khi còn dễ tập trung hơn học trên lớp", chị Thủy nói.
Ở tuổi 40, việc ghi nhớ đã không còn nhanh nhẹn. Chị Thủy áp dụng phương pháp học hiểu, thay vì học thuộc lòng.
"Ví dụ tôi học một vấn đề nào sẽ tập trung để hiểu chứ không phải để thuộc vấn đề đó. Không học tất cả các câu dài, chỉ hiểu để phát triển vấn đề.
Ví dụ đề thi năm nay có câu hỏi ở đâu bò nhiều hơn trâu, thì khi học Địa lý tôi biết rằng trâu ưa rét, tôi liền suy ra trâu tập trung nhiều ở miền núi phía Bắc, còn bò thì không được nuôi nhiều ở vùng này.
Học những kiến thức trọng tâm như thế sẽ dễ hiểu chứ không phải học vẹt. Nhiều bạn không có phương pháp hiệu quả thì học nhiều mà lại không nhớ được nhiều", chị Thủy cho biết.
Chị Thủy ôn thi vào những ngày thời tiết ở Hà Nội nắng nóng lên đến 39 - 40 độ. Ngồi học 2 tiếng đã cảm thấy đau đầu, không thể học liền nhiều giờ đồng hồ như các bạn trẻ. Cách 2 tiếng, chị lại nghỉ giải lao một lần.
Buổi chiều, chị sắp xếp thời gian lo quán xuyến việc nhà, để 3 mẹ con có thể tập thể dục, giải tỏa căng thẳng.
"Mỗi ngày làm các đề thi thử tôi luôn đạt 7 - 8 điểm nên cũng yên tâm rằng mình đã chắc kiến thức, tôi tự tin về một kết quả cao", chị Thủy tự tin nói.
Nhớ lại ngày đi thi, nhiều bạn sinh viên tình nguyện tại điểm thi còn tưởng chị Thủy là phụ huynh thí sinh, không cho vào trường.
Bài thi môn Văn lệch tủ nhưng chị không lo lắng nhiều vì đã ôn tập theo sườn bài tất cả các văn bản.
"Sau 20 năm mới lại cầm bút viết trong 2 tiếng liền. Tôi viết chậm lắm, làm bài nghị luận xã hội xong, cảm thấy còn ít thời gian nên bắt đầu viết nhanh, chữ nguệch ngoạc đi. May mắn là điểm Văn cao hơn kỳ vọng", chị Thủy chia sẻ.