Nữ sinh dân tộc Nùng đạt điểm 10 môn Sử, thủ khoa khối C của Đắk Lắk

Thúy Diễm

(Dân trí) - Dù ở trọ xa nhà, nữ sinh Lộc Thị Kình (trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Đắk Lắk) đã nỗ lực hết mình trong học tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em xuất sắc giành điểm 10 môn Sử, là thủ khoa khối C của tỉnh.

Nữ sinh dân tộc Nùng Lộc Thị Kình sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Ea Siên (huyện Krông Búk, Đắk Lắk). Do nhà cách xa trường học và quãng đường đi lại khó khăn nên Kình xin bố mẹ cho em ở trọ gần trường để thuận lợi việc học tập.

Nữ sinh dân tộc Nùng đạt điểm 10 môn Sử, thủ khoa khối C của Đắk Lắk - 1

Nữ sinh dân tộc Nùng Lộc Thị Kình thủ khoa khối C tại Đắk Lắk (Ảnh: NVCC).

Sống xa gia đình nhưng suốt 3 năm học THPT, Kình luôn ý thức việc tự học và luôn cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất. Ngày công bố điểm thi, Kình vỡ òa khi biết mình là thí sinh có điểm thi khối C cao nhất tỉnh Đắk Lắk với 28,1 điểm (Sử 10 điểm; Địa 9,3 điểm và Văn 8,8 điểm).

Chia sẻ bí quyết học tập, em Kình cho biết em không đi học thêm ở ngoài mà tự học là chính. Ở lớp Kình chăm chú lắng nghe thầy cô giáo giảng bài, học thật kỹ các kiến thức ở sách giáo khoa. Về nhà em tham khảo thêm tài liệu trên internet, đọc nhiều sách và làm thử các đề thi của năm trước để rèn luyện kỹ năng.

"Theo em nếu nắm chắc kiến thức ở sách giáo khoa khi tham gia thi THPT sẽ đạt được khoảng 8,5 điểm. Số điểm còn lại nằm ở phần nâng cao, tự học thêm sách vở bên ngoài. Kết quả em đạt được hôm nay nhờ rất nhiều vào sự dạy dỗ tận tình, tâm huyết của thầy cô trường THPT Huỳnh Thúc Kháng", Kình nói.

Nữ sinh dân tộc Nùng đạt điểm 10 môn Sử, thủ khoa khối C của Đắk Lắk - 2

Do gia đình làm nông nên cứ cuối tuần nghỉ học về nhà và sau khi kết thúc kỳ thi THPT Kình lại chăm chỉ lên rẫy đi tỉa cành và chăm sóc vườn cà phê.

Cô nữ sinh khiêm tốn cho rằng, việc em đạt được điểm 10 một phần do may mắn và một phần do hiệu quả của việc áp dụng sơ đồ tư duy áp dụng trong môn lịch sử. "Nếu chỉ học thuộc lòng khi đi thi tâm lý lo lắng sẽ dễ khiến mình quên kiến thức. Do đó em thường vẽ ra sơ đồ, xâu chuỗi các mốc thời gian hợp lý để nắm bắt, vận dụng vào bài thi", Kình cho hay.

Cũng theo em Kình, giữa các môn học em luôn chủ động kết nối các sự kiện với nhau để việc học đạt hiệu quả nhất.

Do gia đình làm nông nên cứ cuối tuần nghỉ học về nhà và sau khi kết thúc kỳ thi THPT Kình lại chăm chỉ lên rẫy đi tỉa cành và chăm sóc vườn cà phê giúp đỡ bố mẹ. "Em đã đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH Tây Nguyên, với mong muốn sau khi học xong đại học sẽ kiếm được công việc ổn định, có thu nhập để có thể phụ giúp bố mẹ và 2 người em của mình nhiều hơn nữa", Kình tâm sự.

Ông Nguyễn Đình Hoàng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - cho biết, nhận được thông tin em Lộc Thị Kình là thủ khoa khối C của tỉnh, nhà trường rất phấn khởi và đầy tự hào.

"Em Kình tuy ở xa nhà để đi học nhưng rất nỗ lực, vượt qua những khó khăn. Quá trình học tập, em luôn được các thầy cô động viên, hỗ trợ để đạt được kết quả tốt nhất. Em chính là tấm gương trong học tập để học sinh của trường noi theo", ông Hoàng chia sẻ.

Theo ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, trong năm học 2020-2021 diễn ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở đã chỉ đạo các trường tùy theo tình hình để tổ chức dạy học bằng các hình thức phù hợp như: trực tuyến, giao bài, tương tác qua mạng xã hội… nhất là việc đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho học sinh khối lớp 12.

Bên cạnh đó, các trường tổ chức nhiều đợt kiểm tra để phân hóa các thí sinh. Với các thí sinh hạn chế ở môn học nào sẽ được giáo viên ôn tập, bổ sung ngay các kiến thức cần thiết.

"Kết quả kỳ thi THPT năm nay tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 97,01% cao hơn năm trước và nhiều em đạt điểm số cao là tín hiệu vui đối với ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong đó, có những học sinh ở vùng sâu vùng xa, không học trường chuyên, các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả rất tốt.

Đây là sự chuyển biến rất tích cực đối với giáo dục Đắk Lắk, giúp rút dần khoảng cách chênh lệch giữa chất lượng giáo dục vùng sâu vùng xa với vùng phát triển", ông Khoa nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm