Nhọc nhằn gieo chữ trên non:

Những người thầy không bỏ cuộc

Nguyễn Thuỳ

(Dân trí) - Cuốc bộ gần nửa ngày mới lên đỉnh Cao Sơn, thầy Hải nản lòng khi nhìn bốn bề là núi, phòng học chỉ là những tấm gỗ che tạm. Nhưng nhìn lũ học trò run lập cập đến lớp, thầy biết mình không thể bỏ cuộc.

Tình thương níu chân thầy ở lại!

Khi kể lại những câu chuyện đã trải qua trong cả hàng chục năm gắn bó gieo chữ ở những nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhiều thầy cô vẫn không hiểu họ đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào, và không hiểu sao lại có thể ở lại nơi này lâu đến vậy.

Năm 2006, thầy Trần Ngọc Hải (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nhận quyết định lên Cao Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) dạy học. Thầy Hải là người đã gắn bó với Cao Sơn từ ngày trường còn là khu lẻ lợp bằng tranh nứa ở giữa làng Son. Leo bộ gần nửa ngày trời mới đến trường, trời vừa tối, thầy giáo trẻ không khỏi nản lòng khi thấy một khu lán dựng tạm nằm đìu hiu trong màn sương dày đặc.

Những người thầy không bỏ cuộc - 1

Những đứa trẻ ngây thơ nơi đại ngàn đã níu chân người thầy ở lại.

Thầy Hải không giấu khi thú nhận, đã có những lúc muốn bỏ cuộc. Đó là khi phải đi cả nhiều cây số mới có thể gọi điện về cho gia đình, là khi dậy 2-3h sáng lên đường đến trường kịp cho buổi dạy đầu tuần; là lúc lội bộ hàng nhiều giờ đồng hồ vẫn thấy đường ở trên đầu, vực thẳm gần đến mong manh.

Thế rồi, hình ảnh lũ học trò đầu trần, chân đất, rét run lập cập đến tím tái mặt mày trong cái lạnh 1-2 độ giữa mùa đông nhưng vẫn đến lớp, thầy biết mình không thể bỏ cuộc. Những tấm phên nứa bao tạm không ngăn được sương ùa vào lớp, những ngày sau đó, thầy trò phải đốt một đống lửa nhỏ, vừa sưởi ấm vừa học bài. 

“Đường mới chỉ có từ năm 2015 chứ còn trước đó thì không ít người muốn quay trở về khi ngước mắt lên đỉnh Cao Sơn. Có một con đường nữa đi từ Hòa Bình lại nhưng cũng phải đi bộ mất 4km. Những năm đó, điện, nước, sóng, mạng… tất cả đều là con số 0; đồ ăn thức uống khan hiếm… không ít thầy lên đều có ý nghĩ bỏ cuộc. Vậy nhưng thứ giữ chân tôi cũng như các thầy giáo khác đó là sự hiếu học của các em. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những đứa trẻ trên này rất chăm học, không khi nào phải đi vận động.

Những người thầy không bỏ cuộc - 2

 Năm ngoái, thầy Hải được tạo điều kiện về thị trấn dạy để rút ngắn khoảng cách cung đường nhưng thầy vẫn quyết tâm ở lại với học trò Cao Sơn.

Bà con trên này họ xem thầy giáo như người trong nhà, thân thiện và gần gũi vô cùng. Thế rồi, mỗi ngày chúng tôi lấy niềm vui, hạnh phúc từ những tiếng trẻ con đọc bài vang lên trên từng lớp học” - thầy Hải tâm sự.

“Trên đỉnh Cao Sơn có những ngày mùa đông, nhiệt độ xuống đến 1-2 độ, mang hết cả quần áo mặc vào người mà vẫn lạnh run cầm cập, trong khi nhiều đứa trẻ đến trường chỉ có manh áo mong manh, có những đứa trẻ chỉ có duy nhất một chiếc áo mặc cho cả mùa đông và mùa hè. Những đứa trẻ có khi đi bộ cả 5 km để đến trường với cái bụng đói meo và manh áo mỏng, chân trần, mình làm sao mà nỡ bỏ trường lớp được” - thầy Hoàng Văn Tuyên, người gắn bó với ngôi trường từ khi thành lập cho đến nay chia sẻ.

Bông hoa rừng cho ngày 20/11

Hàng chục năm cắm bản, vào ngày 20/11, ngày Tết của các thầy cô giáo nơi miền sơn cước, quà tặng chỉ là những bông hoa rừng, vài quả trứng hay những quả su su… Thế nhưng, với các thầy cô giáo ở đây, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.

Những người thầy không bỏ cuộc - 3

15 năm gieo chữ trên non, thầy Hải đã quá quen với những bó hoa rừng, nhưng năm nào nhận được thầy cũng xúc động. Đó là động lực để các thầy chấp nhận xa gia đình, gắn bó ở đây để dạy chữ cho học trò.

Còn với thầy Mai Trọng Kỳ (Trường Tiểu học Lâm Phú, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa), 24 năm trôi qua, năm nào vào dịp 20/11, thầy Kỳ cũng được học sinh mang hoa rừng, vài thứ quả trong nhà trồng được đến tặng. Thế nhưng cái Tết 20/11 đầu tiên khi ở trên này, học sinh đến trường rất đông, có em mang ra biếu thầy hai quả trứng gà đã luộc, em thì làm xâu bánh ú, em về chặt cho thầy khúc mía, có em lại mang cả một ôm hoa dại hái trên rừng về tặng khiến thầy thực sự xúc động và nhớ cho tới tận bây giờ.

Không chỉ thầy Hải, thầy Tuyên, thầy Kỳ, thầy Thảo hay thầy Hoan mà rất nhiều các thầy cô giáo khác, khoảng hơn chục năm trước nếu lên vùng cao cắm bản đều phải đi bộ hàng chục km mới vào đến bản, phải chịu cảnh thiếu thốn trăm bề, thiệt thòi đủ thứ. Thế nhưng họ đã ở lại cho đến tận bây giờ.

 “Học trò ở đây như là con cái của mình vậy, mình thương chúng như thương những đứa con mình. Chúng cũng yêu thương mình như người thân. Nếu ai cũng có thể quay lưng vì sự khó khăn khổ cực thì những đứa trẻ này sẽ ra sao” - Ý nghĩ ấy của các thầy khiến tôi  hiểu vì sao họ đã không bỏ cuộc, vì sao họ đã cống hiến cả tuổi trẻ cho nghiệp nhọc nhằn cõng chữ lên non...