Nghệ An: Đề xuất lùi lộ trình triển khai Chương trình SGK lớp 10 mới

Mỹ Hà

(Dân trí) - Tại Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng chủ trì ngày 28/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề xuất, Bộ GD-ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện Chương trình SGK lớp 10 từ năm 2022-2023 sang năm 2025-2026.

Có hai lý do để tỉnh này đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét  lùi lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10 là do hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương khó khăn trong việc huy động nguồn lực xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học …

Thứ hai, để đảm bảo đồng bộ, hiện chúng ta đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 2 và lớp 6, do đó 3 năm nữa các tỉnh thực hiện Chương trình SGK lớp 10 sẽ phù hợp hơn, đảm bảo chất lượng và tính đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, hiện địa phương này có trên 870.000 học sinh các cấp và trên 45.000 giáo viên.

Nghệ An: Đề xuất lùi lộ trình triển khai Chương trình SGK lớp 10 mới - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề xuất, Bộ GD-ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện Chương trình SGK lớp 10 từ năm 2022-2023 sang năm 2025-2026.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, đề án nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho ngành giáo dục và đào tạo hoạt động hiệu quả và thực chất.

Dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ngành  đã hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học, đạt được nhiều thành tích ở các bậc học. Chủ động chuẩn bị tốt và triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, Nghệ An chủ động triển khai kế hoạch, chương trình dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức phù hợp theo từng thời điểm và thực tế địa phương. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng Chương trình GDPT 2018. 

Công tác chuyển đổi số trong của ngành đạt được những kết quả khả quan; giúp đổi mới quản trị nhà trường và tổ chức dạy học trực tuyến thành công.

Ngoài đề xuất lùi thời gian thực hiện Chương trình SGK lớp 10, tại hội nghị, Nghệ An có thêm 3 nội dung đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm, xem xét:

Thứ nhất, đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An.

Hiện nay tỉnh đang thiếu 7.843 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho Ngành Giáo dục trong việc đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học. 

Thứ 2, hỗ trợ tỉnh Nghệ An về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ 3, đề nghị Bộ GD-ĐT hỗ trợ Nghệ An kêu gọi các nguồn lực thực hiện thành công Đề án phát triển mô hình trường phổ thông Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú và trường có học sinh dân tộc bán trú. 

Trả lời lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hiện nay có tình trạng thiếu giáo viên mầm non và tiểu học nhưng cấp phổ thông thì thừa.

Do đó ông đưa ra gợi ý, hiện tỉnh nào cũng có trường sư phạm nên địa phương có thể nghiên cứu bồi dưỡng, sung kiến thức chuyên ngành mầm non hoặc tiểu học cho các giáo viên THCS, THPT để điều chuyển phù hợp sang các cấp còn thiếu.