Manh áo bạc vì dịch: Giáo viên chật vật kiếm kế sinh nhai

Kiều Phương

(Dân trí) - Dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều giáo viên bỗng dưng "thất nghiệp". Để trang trải cuộc sống, từ người "gõ đầu trẻ", nhiều thầy cô không ngại thay đổi "hình ảnh" với nhiều nghề tay trái khác.

Giáo viên "khóc ròng" vì nghỉ dịch

Hơn 5 năm làm nghề dạy trẻ, sau Tết Nguyên đán năm 2020, cô P.T.L. - giáo viên một trường cấp 1 tại Hà Đông (Hà Nội) lần đầu tiên phải tạm thời nghỉ dạy do nhà trường đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Những tưởng việc đóng cửa trường học chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, song, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho công tác giảng dạy của cô và đội ngũ giáo viên bị tạm dừng hết đợt này đến đợt khác.

Đã quen với không khí vui vẻ tại lớp học, nay chỉ quanh quẩn ở nhà, cô L. cảm thấy vô cùng bí bách. Chưa kể, số tiền dành dụm được đang dần cạn đi khi cô nghỉ không lương nhiều tháng nay.

"Không có thu nhập nhưng tiền nhà, tiền điện, sinh hoạt phí… vẫn phải chi trả. Nghĩ đến việc chỉ dựa vào mức lương ít ỏi của chồng, tôi thực sự muốn khóc" - nhà giáo L. tâm sự.

Dịch Covid-19 cũng khiến cô Đỗ Thị Duyên - giáo viên trường mầm non tư thục tại Thái Bình lâm vào cảnh khốn khó. Sau 3 năm ra trường và đi làm, có quá nửa thời gian cô giáo phải gắn với "Cô Vy".

"Năm ngoái được coi là "kỳ nghỉ" đáng nhớ của tôi. Lúc đầu nghe thông báo nghỉ, mọi người còn cảm thấy mừng vì nghĩ được "xả hơi" vài ngày. Ai ngờ… tình hình dịch kéo dài, hoạt động giảng dạy bị ngưng trệ dẫn đến nghỉ triền miên, dai dẳng.

Thời gian đầu nghỉ dạy, nhà trường hỗ trợ 50% lương, nhưng dịch bệnh, nguồn thu nhà trường giảm sút. Đợt dịch này, chúng tôi nhận được thông báo 100% nghỉ không lương. Là lao động chính trong gia đình, việc này đương nhiên ảnh hưởng rất lớn".

Manh áo bạc vì dịch: Giáo viên chật vật kiếm kế sinh nhai - 1
Nhiều giáo viên "lao đao" vì dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC).

Công tác tại một trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cô Trần Ngọc Oanh cho biết, mỗi tháng, mức lương của cô sẽ dao động từ 7,5-8 triệu đồng; trong đó bao gồm 6 triệu lương cứng và 1,5-2 triệu đồng tiền phụ cấp, thưởng thêm.

Do đã được biên chế, nên khi nghỉ dịch, cô vẫn sẽ được hưởng mức lương cơ bản, còn các khoản phụ cấp khác chắc chắn sẽ không còn.

"Thu nhập giảm, chi tiêu trong gia đình cũng cần chắt bóp hơn. Tuy nhiên, tôi thấy mình còn may mắn hơn khi còn có thể có gắng cầm cự. Trong khi đó, rất nhiều đồng nghiệp khác là giáo viên hợp đồng, hay đang dạy ở các trường ngoài công lập; họ thậm chí còn không có lương, không có thu nhập để trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này" - giáo viên Trần Ngọc Oanh tâm sự.

Rời bảng phấn, giáo viên bán hàng online

Rơi vào hoàn cảnh thu nhập bị cắt giảm hoặc nghỉ không lương vô thời hạn, nhiều giáo viên đã tính cách để tự "cứu" mình.

Vốn là người năng động, không quen "ngồi không", cô giáo Trần Ngọc Oanh cảm thấy bản thân phải làm gì đó, vừa để "giết" thời gian trống, vừa kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng, trang trải cuộc sống gia đình.

Nhận thấy mua sắm trực tuyến được lựa chọn nhiều trong thời gian này, cô Oanh đã quyết định kiêm thêm nghề "tay trái" là buôn bán online.

Manh áo bạc vì dịch: Giáo viên chật vật kiếm kế sinh nhai - 2
Cô giáo Trần Ngọc Oanh (Hải Phòng) bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

"Tôi bán chủ yếu là dược phẩm. Hằng ngày, tôi chụp hình, đẩy thông tin, hình ảnh sản phẩm lên mạng; ai mua thì tôi sẽ lấy từ nhà phân phối rồi chấp nhận mưa nắng làm shipper luôn cho khách. Mỗi sản phẩm lãi được một chút, nhưng tích tiểu sẽ thành đại, giúp cuộc sống mùa dịch bớt vất vả phần nào".

Giống với cô Oanh, giáo viên Đỗ Thị Duyên cho biết đang tập tành "học việc" trong lĩnh vực kinh doanh. Cô đang tìm đầu mối cung cấp các sản phẩm gia dụng như nước rửa tay, nước rửa chén… để buôn đi bán lại cho người tiêu dùng với mong muốn kiếm được ít đồng lời "cầm cự" qua ngày.

"Dù đây chẳng phải là thế mạnh nhưng tôi cũng phải cố gắng. Công việc này cho tôi một chút thu nhập, đồng thời cũng cho tôi niềm vui và nhiều bài học mà trước nay tôi chưa từng biết tới" - cô Duyên cho hay.

Thầy cô… ra đồng

Nghỉ dịch, cô Hương Giang (giáo viên một trường cấp 3 tại Hải Phòng) cũng xoay sở kiếm kế sinh nhai khi nhận bán một số mặt hàng qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, sau hơn một tháng, thừa nhận bản thân không có duyên buôn bán, giáo viên này đã quyết định từ bỏ công việc kinh doanh để trở thành một… nhà nông "chính hiệu".

Tờ mờ sáng, cô Giang đã có mặt tại vườn rau của gia đình để xới đất, bón phân và tưới nước. Sau đó, cô cẩn thận thu hoạch những luống rau, đóng gói và nhờ mẹ chồng mang ra chợ bán.

Theo cô Giang, do sinh sống ở vùng quê nên nhiều giáo viên có ruộng vườn. Ngoài dạy học, nhiều thầy cô cũng trồng rau, cấy lúa. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, giáo viên càng có nhiều thời gian để "tăng gia sản xuất".

"Dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống và công việc của nhiều giáo viên. Tuy nhiên, tôi thấy, nếu biết cách tận dụng hợp lý, thời gian nghỉ dịch này sẽ trở thành những ngày không quên. Trồng thêm luống rau, nuôi thêm con gà, vừa để tạo niềm vui, vừa kiếm được đồng ra đồng vào, dù là không quá nhiều" - giáo viên Hương Giang trải lòng.

Cũng như cô Giang, tranh thủ nhà có mẫu ruộng, trong thời gian nghỉ dạy do dịch bệnh, thầy Trường (Vĩnh Phúc) giúp bố mẹ trồng lúa và khoai lang. Nhà giáo này cho hay, lao động chân tay cũng là một cách tốt để kiếm thêm thu nhập, đồng thời giúp rèn luyện sức khỏe.

"Tuy nhiên, cũng nhớ học trò, nhớ trường lớp lắm. Năm nay dịch bệnh phức tạp, chúng tôi nghỉ dạy, các con cũng chưa có một lễ tổng kết năm học thực sự. Nghĩ đến, thấy xót xa".

Bỏ lại những nỗi buồn...

Hơn hai tháng qua, sau khi Hà Nội cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, Đ.T.M. (giáo viên một trường tiểu học ở Cầu Giấy) chỉ quanh quẩn ở phòng trọ.

Không đi dạy, đối diện với áp lực cuộc sống khi chi phí ở Thủ đô cao hơn hẳn so với quê nhà, song cô giáo không dám về quê tránh dịch.

"Hà Nội là vùng dịch, tôi không nghĩ đến việc về quê Hải Dương vì lo cả gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, ở quê tôi, một số người không "nghênh đón" người từ thành phố trở về" - cô M. cho biết.

Tranh thủ những ngày nghỉ dịch, giáo viên này tranh thủ lên mạng học thêm tiếng Anh và tìm tòi phương pháp dạy để đợi ngày đi làm trở lại.

"Không đi dạy, cũng buồn thật đấy. Thu nhập bị ảnh hưởng khá nhiều, và nhớ học sinh nữa. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng phải tự động viên bản thân, coi khoảng thời gian nghỉ dịch này để tu bổ thêm kiến thức cho bản thân, tìm các phương pháp dạy học mới lạ, dễ hiểu để áp dụng vào thực tế giảng dạy".

Giống với cô M., thầy giáo Trường tâm sự, nếu tạm quên đi nỗi lo dịch bệnh, nỗi nhớ học trò, thì những ngày nghỉ dạy này cũng là dịp để giáo viên củng cố được nhiều thứ. Chẳng hạn, họ có thể phụ giúp gia đình nhiều hơn, đồng thời củng cố chuyên môn giáo dục.

Là giáo viên mầm non, nhà giáo Trần Ngọc Oanh cho hay, tranh thủ thời gian học sinh nghỉ học, cô và một số đồng nghiệp đã dành nhiều thời gian để thiết kế, sáng tạo đồ chơi cho con trẻ.

"Mong rằng khi dịch bệnh được đẩy lùi, khi đi học trở lại, các con sẽ được chào đón bởi những "bạn" đồ chơi và một không gian lớp học được trang trí hoàn toàn mới.

Nghỉ dịch dài, tôi biết phụ huynh cũng chật vật lắm vì phải thu xếp thời gian vừa chăm con, vừa làm việc sao cho hợp lý. Các cô giáo cũng nhớ học sinh nhiều lắm. Hy vọng dịch bệnh qua nhanh, chúng tôi được tiếp tục cống hiến và "gieo mầm". Mong cho tất cả mọi người đều bình an".