Long trọng lễ kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

(Dân trí) - Ngày 14/12, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Hơn 60 năm đã qua nhưng những kỉ niệm về một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc vẫn còn hết sức sâu đậm trong lòng các thầy các cô giáo, anh chị em học sinh, trong đồng bào các địa phương có trường học sinh miền Nam học tập”.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Quang Nghị , Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng đông đảo lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư và địa phương, gần 600 thầy, cô giáo và 3.000 đại biểu là học sinh trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Ôn lại những mốc lịch sử đáng nhớ của hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Bác Hồ không chỉ đề ra chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt mà còn thường xuyên chăm lo mọi mặt, dành những tình cảm yêu thương vô bờ bến cho các cháu miền Nam xa nhà. Ngày Tết Trung thu đầu tiên trên đất Bắc, Bác Hồ đã gửi thư chan chứa niềm tin và đầy xúc động đến các cháu và cán bộ trường học sinh miền Nam. Trong thư Bác căn dặn các cháu phải đoàn kết yêu lao động, giữ kỷ luật; nhắc nhở cán bộ nhà trường phải thương yêu các cháu như thương yêu con em ruột thịt của mình…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ.

Hơn 60 năm đã qua nhưng những kỉ niệm về một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc vẫn còn hết sức sâu đậm trong lòng các thầy các cô giáo, anh chị em học sinh, trong đồng bào các địa phương có trường học sinh miền Nam học tập.

Giờ đây, thời gian đã lùi xa, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục, đào tạo cách mạng của nước ta”.

Thành tựu to lớn rất đáng tự hào của trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn thiếu thốn, chiến tranh ác liệt nhưng vẫn có chất lượng giáo dục toàn diện, đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ đông đảo có chất lượng cao.

Rất nhiều anh chị em được nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, nhiều người đã anh dũng hy sinh, hay đã để lại một phần máu thịt của mình, tuổi trẻ của mình trên các chiến trường.

Khi đất nước thống nhất phần lớn học sinh miền Nam theo lời căn dặn của Bác đã trở về quê hương có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Rất nhiều người đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, của T.Ư và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh/thành phố trong cả nước, các tướng lĩnh QĐND, CAND, những nhà khoa học GS, TS, bác sĩ kỹ sư, nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ, nhà báo, các nhà doanh nghiệp có tên tuổi... Không ít anh chị em được vinh dự là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. NGND, NGƯT, NSND, NSƯT, nghệ sĩ tài ba...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc chỉ tồn tại hơn 20 năm và đã cách xa chúng ta hơn 40 năm, nhưng những thành tựu và kinh nghiệm của nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu GD-ĐT, phương pháp dạy và học, thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện học đi đôi với hành, nhà trường gắn với xã hội, kết hợp học tập kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức của học sinh. Việc xây dựng đội ngũ giáo viên, ý thức, động cơ học tập của học sinh, thầy ra thầy, trò ra trò thi đua “dạy tốt, học tốt”... là hết sức bổ ích cần phải được kế thừa và phát huy.

Chủ tịch nước đề nghị, ngành GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ những thành công của các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để tiếp tục phát triển sự nghiệp GD-ĐT của đất nước. Đồng thời, Chủ tịch nước mong muốn, các thầy giáo, cô giáo, các anh chị em học sinh miền Nam với tâm huyết và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, phong phú của mình, hãy tiếp tục có những đóng góp vào sự nghiệp cao cả này.

Đại biểu tham dự buổi lễ
Đại biểu tham dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Thành công của mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là minh chứng sinh động, sáng suốt, đúng đắn và chính xác của Đảng, Bác Hồ trong hoạch định và tổ chức triển khai chiến lược giáo dục.

Kế thừa truyền thống này ngay từ dịp kỉ niệm 50 năm, 55 năm các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Bộ GD-ĐT cùng phối hợp với Ban Liên lạc học sinh miền Nam trên đất Bắc và các cơ quan hữu quan đã triển khai, nghiên cứu, đúc rút để áp dụng những kinh nghiệm quý báu có được vào mô hình trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú cũng như các công tác đổi mới giáo dục ngành đang triển khai”.

Việc thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để nuôi dưỡng và dạy dỗ con em cán bộ, chiến sĩ, của đồng bào miền Nam là một chủ trương sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ đối với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đặc biệt cho công cuộc xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Genevơ được kí kết, đất nước ta vẫn bị chia cắt thành hai miền. Miền Nam là tiền tuyến lớn và miền Bắc trở thành hậu phương lớn của cách mạng.

T.Ư Đảng và Bác Hồ đã chủ trương thành lập một hệ thống trường dành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Từ năm 1954 - 1975, trải qua hơn 20 năm, đã có trên 32.000 con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam được đưa ra nuôi dưỡng và dạy dỗ tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Hải Âu