"Lối thoát" nào cho sĩ tử nếu lỡ trượt đại học?

Kiều Phương

(Dân trí) - "Vuột" mất tấm vé vào đại học không có nghĩa là cánh cửa sẽ đóng bởi còn rất nhiều con đường rộng mở để đi đến thành công đang chờ thí sinh ở phía trước.

Lối thoát nào cho sĩ tử nếu lỡ trượt đại học? - 1

Thí sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT (ảnh minh họa).

"Nếu trượt đại học, em phải làm sao!"

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1, bên cạnh những thí sinh vui vì đạt kết quả tốt, thì cũng có nhiều học sinh than ngắn, thở dài khi điểm thi không được như mong đợi.

Vũ Đăng Khoa (học sinh trường THPT Tô Hiệu, Hải Phòng) cho biết: "Kỳ thi này, em đạt 20,5 điểm (tổ hợp 3 môn Toán, Hóa Sinh) và 21 điểm (tổ hợp Toán, Lý, Hóa). Em đăng ký 3 nguyện vọng ứng với 3 khối ngành tại 3 trường đại học tại Hà Nội. Tuy nhiên, với điểm số này, em lo lắng mình sẽ không đỗ nguyện vọng nào. Nếu trượt đại học, em phải làm sao?".

Tương tự, nữ sinh Đào Anh Thư (Quảng Ninh) chia sẻ, một tuần qua đối với em là khoảng thời gian buồn. Gia đình mong muốn Anh Thư sẽ đỗ Đại học Luật Hà Nội, song nữ sinh này e ngại, điểm số "khiêm tốn" mà em đạt được từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không đủ để đáp ứng kỳ vọng của mọi người.

"Bố mẹ em cũng rất buồn. Mấy ngày nay, mọi người cũng cố gắng động viên và lên phương án "phòng bị" nếu chẳng may em… trượt đại học. Tuy nhiên, em vẫn cảm thấy "rối như tơ vò" và chưa biết tính sao".

Câu chuyện của Đăng Khoa và Anh Thư không phải là trường hợp cá biệt trong các mùa tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học. Chắc hẳn, có không ít học sinh còn đang cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi nghĩ đến tương lai gần của mình: "Nếu chẳng may "tuột" mất tấm vé vào cánh cửa đại học thì chặng đường còn lại sẽ đi đâu, về đâu?".

Thua keo này, bày keo khác

Chia sẻ với Dân Trí, nhà giáo Trần Thùy Liên (giáo viên một trường THPT tại Hà Nội) cho biết: "Năm 2021 là một năm học đầy vất vả khi phải gián đoạn nhiều lần do Covid-19, và các sĩ tử 2k3 là những "chiến binh" thực thụ. Do đó, kết quả ra sao cũng đều đáng để trân trọng bởi các em đã nỗ lực rất nhiều.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi, bây giờ còn quá sớm để "lo" trượt đại học. Theo lịch tuyển sinh năm 2021 mà Bộ GD-ĐT điều chỉnh mới nhất, thời gian để các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 29/8 đến 17h ngày 5/9.

Trước 17h ngày 16/9, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Thế nên hiện tại, thí sinh vẫn còn cơ hội để chỉnh lại danh sách nguyện vọng cho hợp với số điểm mình có. Điều quan trọng là cần chọn vừa tầm, an toàn hơn thì chọn ngành có điểm chuẩn thấp hơn điểm mình có một chút, đừng bắt bản thân nhảy quá cao rồi hỏng tất cả".

Tương tự, giáo viên Nguyễn Thu Trang (giảng viên tại một trường đại học tại Hải Phòng cũng cho rằng: "Nếu đủ điểm vào đại học là tốt, còn nếu không đủ điểm vào đại học thì cũng chưa phải trời sập. Thay vì mãi buồn bã và trượt dài, tại sao các bạn không chủ động mở lối đi riêng cho mình?".

Lối thoát nào cho sĩ tử nếu lỡ trượt đại học? - 2
Học nghề là một lựa chọn tốt, đem lại cơ hội việc làm cao cho người học.

Theo cô Trang, năm nay trượt không có nghĩa là không được quyền thi tiếp vào năm sau. Năm tới, các sĩ tử có thể thi THPT với tư cách thí sinh tự do và đăng ký những tổ hợp mà trường đại học xét tuyển.

"Một năm không phải quá dài, nhưng cũng đủ cho các em vừa ôn tập, vừa có cơ hội để làm thêm, đi du lịch… từ đó khám phá được sở thích, năng khiếu và định hướng ngành học cho tương lai. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các em phải kiên trì đến cùng" - cô Trang nhắn nhủ.

Cũng theo nhà giáo Thu Trang, nếu "tuột tay" khỏi cánh cửa đại học, các thí sinh có thể lựa chọn theo học tại các trường nghề. "Học nghề" giúp người học được đào tạo nghề một cách chuyên sâu, được thực hành, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, sau khi tốt nghiệp, người học có thể tự tin với kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Đồng quan điểm, thầy giáo Lê Đức Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, trên thực tế, có những em học văn hóa không thấy hứng thú, nhưng khi chuyển sang học nghề thì lại học rất tốt và thành công trong công việc sau này.

Tuy nhiên, thầy Dũng cho rằng, các em phải hiểu công việc là tương lai, là định hướng suốt cả cuộc đời của một con người. Vì thế, khi học nghề, người học nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, đam mê để không phải dang dở giữa chừng.

Lối thoát nào cho sĩ tử nếu lỡ trượt đại học? - 3

Sản phẩm của học viên học nghề.

Khi chọn nghề, một yếu tố khác cũng mà các thí sinh cũng cần phải cân nhắc đó chính là nhu cầu nhân lực trong tương lai. Không nên đổ xô đi chọn và học một ngành có quá nhiều người theo học và đang dư nhân sự về sau này. Nhưng cũng không nên chọn những ngành có dự báo thiếu nhân lực. Vì nếu ai cũng có suy nghĩ đó thì chắc chắn trong tương lai, khi ra trường sẽ có nhiều người giống nhau và tỷ lệ cạnh tranh để có việc làm sẽ cao hơn.

Đưa ra một cái nhìn khác, nhà giáo Trần Thùy Liên chia sẻ, nếu cảm thấy con đường học hành không phù hợp với bản thân, thì còn một "ngôi trường" khác, đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người, đó là… "trường đời".

"Mỗi người chúng ta đều có một kiểu học phù hợp. Bạn có thể là một người chăm chỉ nghe thầy cô giảng và trở thành người học giỏi nhất. Bạn cũng có thể là một người học không tốt, bởi bạn không có khả năng tập trung, nhưng bạn có thể học rất nhanh từ ngoài đời. Dĩ nhiên tất cả đều là học. Ra đời, hãy đi làm, lăn xả gấp đôi, gấp ba lần để có được cho mình những đồng lương và bài học quý giá".

Cô Liên khuyên thêm, trượt đại học thì chắc không ai vui. Tuy nhiên, không nên vì sĩ diện, vì nỗi sợ bạn bè, người thân dè bỉu mà tự giam mình. Cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Và đại học không phải là cánh cửa duy nhất. Do đó, các em hãy tin tưởng vào bản thân, hạ quyết tâm theo đuổi đam mê để bỏ lại tất cả những gian nan, khó khăn ấy sau lưng.

"Qua những trải nghiệm cuộc đời của chính mình, tôi tin là thành công sẽ mỉm cười với ai biết học hỏi, chăm chỉ và biết nắm bắt cơ hội. Có thể thành công tới muộn hơn nhưng chắc chắn sẽ ngọt ngào gấp đôi!" - cô Liên nhắn nhủ.