Điểm chuẩn cao đẳng cao hơn đại học: Người trẻ đã thích thú với học nghề!

Phương Thảo Kiều Phương

(Dân trí) - Thực tế, thị trường trong những năm qua cũng đang tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho lao động lành nghề, khiến cho phụ huynh và người học thích thú hơn với đào tạo nghề.

Mới đây, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ vào trường. Đáng nói, mức điểm vào nhiều ngành rất cao, thậm chí cao hơn điểm ở nhiều trường đại học.

Theo đó, ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô cao nhất với 30,5 điểm, kế đến là ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí 26,5 điểm. Ngành có điểm trúng tuyển thấp như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử viễn thông, Điện công nghiệp… cũng đến 20 điểm (Tất cả các tổ hợp: môn Toán hệ số 2).

Điểm chuẩn cao đẳng cao hơn đại học: Người trẻ đã thích thú với học nghề! - 1

Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh: Đỗ Linh)

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Có lẽ kể từ năm 2017 khi triển khai Luật GDNN, kết quả tuyển sinh học nghề có nhiều chuyển biến tích cực và quy mô tuyển sinh tăng đều hàng năm.

Tâm lý của giới trẻ cũng bắt đầu có những chuyển biến. Sự tích cực của công tác tư vấn hướng nghiệp được triển khai bài bản trong những năm qua. Thực trạng của Việt Nam và các nước xung quanh nhiều lao động phải đi học ngược (có bằng thạc sĩ nhưng lại phải đi học nghề để tìm kiếm công việc). Rồi những tấm gương lao động có tay nghề xuất sắc được tôn vinh đã khiến cho giới trẻ không còn nhìn nhận vào đại học là con đường thành công duy nhất nữa.

Đồng thời, với sự quan tâm đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, các chương trình đào tạo trung cấp cao đẳng không còn hàn lâm lý thuyết như trước đây, chất lượng dần dần được nâng cao, phù hợp với hướng on job training (cầm tay chỉ việc), chú trọng chất lượng thực hành nghề cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và tuyển dụng nhân lực kỹ thuật cao.

Thực tế, thị trường trong những năm qua cũng đang tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho lao động lành nghề, khiến cho phụ huynh và người học thích thú hơn với đào tạo nghề.

Phóng viên: Trong tất cả các ngành được công bố điểm chuẩn thì ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô đạt mức điểm cao nhất, lên đến 30,5 (bình quân hơn 7,26 điểm/môn). Không chỉ năm 2021, những năm về trước, ngành đào tạo này cũng luôn chiếm ưu thế và đạt mức điểm chuẩn rất cao. Vậy theo PGS.TS Trần Thành Nam, điều này đã phản ánh điều gì?

PGS.TS Trần Thành Nam: Nó có thể phản ánh sự nhìn nhận của cộng đồng về triển vọng việc làm của ngành này cũng như mức thu nhập kỳ vọng. Sự nhìn nhận về triển vọng việc làm có thể đến từ cảm nhận chung của cộng đồng về xu thế thị trường.

Ví dụ như với ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô thì nhiều gia đình cho rằng cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế, mỗi năm thị trường ô tô tiêu thụ từ 200.000 đến 300.000 xe ô tô và nhu cầu nhân lực ngành này sẽ còn tăng mạnh. Với số liệu người Việt tiêu thụ xe sang ngày càng tăng với sự xuất hiện ngày càng nhiều hãng xe nổi tiếng nên triển vọng thu nhập được kỳ vọng lớn.

Nhưng nhiều khi, chúng ta dự báo về triển vọng nghề nghiệp và thu nhập dựa trên cảm nhận cá nhân chủ quan, có thể đúng hoặc sai chứ không phải trên cơ sở số liệu đáng tin cậy. Cũng chưa nhìn ra xa hơn vì một nghề có thể kiếm ra tiền trong hôm nay có thể biến mất hoặc không còn triển vọng thu nhập khả quan như thế nữa. Vì vậy, nhiều thời điểm chúng ta thấy cả xã hội đang đổ xô vào những ngành đang được xem là hot dẫn đến thừa nhân lực so với yêu cầu xã hội sau một số năm.

Điểm chuẩn cao đẳng cao hơn đại học: Người trẻ đã thích thú với học nghề! - 2

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nên lựa chọn người phù hợp thay vì chỉ tập trung chọn người giỏi nhất

Phóng viên: Điểm đầu vào theo phương thức xét học bạ tăng đã có tác động như thế nào đến chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục?

PGS.TS Trần Thành Nam: Chất lượng đầu ra của giáo dục đào tạo bị ảnh hưởng bởi chất lượng đầu vào và chất lượng trong quá trình đào tạo học viên tại cơ sở. Người ta có câu thành ngữ "nếu đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác".

Vì vậy, nếu chất lượng đầu vào thực sự tăng, các cơ sở không còn phải tuyển sinh bằng mọi giá, thì chúng ta sẽ rất kỳ vọng vào những kết quả đột phá trong đào tạo nghề trong tương lai. Vấn đề là chúng ta băn khoăn liệu điểm học bạ có thực sự phản ánh đúng chất lượng của người học không mà thôi.

Hơn nữa, việc xét tuyển chỉ dựa vào điểm thi 3 môn cũng sẽ rất hạn chế trong việc đánh giá tổng thể những kỹ năng phẩm chất cần thiết để lựa chọn người học phù hợp với một ngành nghề. Và những người có điểm xét học bạ thấp hơn chưa chắc đã là những người không có đam mê và phẩm chất xã hội tốt. Các cơ sở đào tạo nghề không nên chỉ tập trung vào tuyển chọn những người giỏi nhất mà phải là chọn lựa những người phù hợp nhất.

Phóng viên: Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ đạt mức cao cũng được coi là thành công bước đầu trong công tác tuyển sinh của một số trường nghề, cao đẳng. Tuy nhiên, bên cạnh đầu vào, thì chất lượng đầu ra cũng là mối quan tâm hàng đầu. Theo PGS, các cơ sở giáo dục cần có biện pháp gì để vừa đảm bảo đầu vào, đầu ra, cũng như tạo một môi trường đào tạo tốt cho học sinh, sinh viên?

PGS.TS Trần Thành Nam: Mặc dù điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ đạt mức cao cũng được coi là thành công bước đầu trong công tác tuyển sinh của một số trường nghề, cao đẳng.

Nhiều ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng nhưng điều quan trọng để các trường nghề có thể thu hút được những học viên phù hợp và năng lực đầu vào cao phải là xây dựng uy tín thương hiệu đào tạo. Uy tín chất lượng đào tạo rõ ràng nhất là thể hiện qua những giá trị gia tăng mà nhà trường đã tạo ra cho học viên trong quá trình đào tạo tại trường.

Biểu hiện ở sự thành công của cựu sinh viên, những tấm gương khởi nghiệp, đạt được các chứng nhận kiểm định trường nghề của các hiệp hội nghề nghiệp.

Công tác tuyển sinh của nhà trường cũng phải nhất quán với sứ mạng mục tiêu mà nhà trường đã tuyên bố với cộng đồng chứ không phải tuyển bằng mọi cách, tuyển kiểu "vơ bèo vạt tép"; nếu không thì sớm muộn sẽ lãnh những hậu quả tiêu cực, giống như đi vay tiền để "ăn trước" tương lai của mình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm